Môt Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh

 

 Bài viết: Lê Thị Nhị – Ảnh: Nhất Hùng

Ngày 27 tháng 5 năm 29014 vừa qua, Cộng Đồng Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Nhà Việt Nam đã tham dự “Một Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh” do một nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ tổ chức tại Tank Farm 13906 Aden Rd., Nokesville, VA 22181.

Hai cái xe của anh Châu và Hoàng Đức Long được chất đầy ắp những vật kỷ niệm của Việt Nam: Từ ba bức tranh lớn tượng trưng ba miền Bắc Trung Nam, những cái thúng, cái sàng, cái nơm, cái giỏ…cồng kềnh cho đến những thứ be bé, xinh xinh như búp bê Việt Nam, những con trâu, những con gà, đôi quang gánh, xe xích lô…Chị Kim Oanh thì sẽ mang đàn tranh và một số vật kỷ niệm Việt Nam đến khu thương mại EDEN và cùng đi với bà con trên một chuyến xe buýt do Cộng Đồng đã thuê sẵn.

Tôi ngồi cùng xe với anh Phước, Châu và Thu Thủy, Toàn. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện thật vui vẻ về những sinh hoạt của cộng đồng, của Nhà Việt Nam. Vì nhiều đồ đạc quá nên Hoàng Đức Long và Hồng Thủy phải đi nột xe riêng, chứ nếu có một cái xe lớn thì chúng tôi đã có dịp lập…hội nghị bàn tròn, bàn vuông, bàn méo, ý kiến, ý cò lung tung xòe rồi!

Chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, xe đã rẽ vào con đường nhỏ để vào Tank Farm. Đang vui, tôi bỗng im lặng, lòng chùng xuống, nghẹn ngào và nước mắt như muốn tuôn trào khi nhìn thấy những căn lều vải, những chiếc xe tăng, xe jeep, xe GMC, trực thăng, những người lính Mỹ…

Hình như không phải tôi đang đến tham dự Một Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh do một nhóm cựu quân nhân Mỹ dàn dựng lại, để hồi tưởng những ngày họ tham chiến tại Việt Nam mà là tôi đang thực sự sống trên quê hương Việt Nam trong những ngày lửa đạn! Hay nói cho đúng hơn là thành phố Pleiku mà tôi đã sống trong thời gian 1966-1970.

Thành phố Pleiku thơ mộng của thi sĩ Vũ Hữu Định với “Phố núi đầy sương”, với “Em Pleiku, má đỏ môi hồng” không có trong tôi lúc này! Tôi chỉ thấy những cơn mưa dầm dề, những ngày nắng đẹp, gió thổi bụi bay mù mịt cả thành phố Pleiku!  Tôi chỉ thấy những chiếc xe tăng ầm ầm nghiến trên con đường đất đỏ vào những ngày mưa, ngày nắng! Tôi chỉ thấy những chiếc xe chở đầy lính Mỹ nối đuôi nhau chạy qua đường phố để ra mặt trận! Có những người lính Mỹ rất trẻ, rất ngây thơ!  Tôi chỉ thấy những quán bar mọc lên như nấm trên con đường Lê Lợi! Tôi chỉ thấy những em bé lem luốc, đến từ những vùng kém an ninh, ôm cái thùng gỗ nhỏ, bán thuốc lá dạo, đánh giầy cho lính Mỹ hoặc đứng xớ dớ, quanh quẩn trước các cửa hàng bán đồ kỷ niệm Việt Nam để chờ dịp ăn cắp, ăn trộm!  Đêm đêm,tiếng súng đì đùng vọng lại, khi xa, khi gần!  Chiến tranh không thực sự xảy ra ở thành phố này, nhưng vẫn rình râp, luẩn quất nơi đây!

Bên cạnh những hình ảnh của chiến tranh ấy, cuối đường Lê Lợi, gần khu Diệp Kính, tôi còn thấy một phòng tranh nhỏ của họa sĩ Vũ Hối và trên đường Phan Bội Châu, cửa hàng bán thuốc tây của nhà thơ Kim Tuấn, tấp nập kẻ vào, người ra. Nhà thơ Anh Hoa (Khi sang Mỹ, anh đổi tên là Hoa Văn) là đại úy thì ở trong một trại gia binh

Tôi cũng không quên quán nhạc Mimosa, nơi tôi đã đến vài lần để nghe nhạc tình, những mong quên đi được cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra quanh tôi!

Quán Bún bò nhà xác được những người sống ở Pleiku hồi đó ngưỡng mộ bao nhiêu thì tôi lại kém hứng thú mỗi lần đặt chân đến! Tôi nuốt làm sao trôi được tô bún khi ngồi ăn mà cứ thấy những người lính ngồi bàn bên, từ mặt trận trở về, nói với nhau về sự tử trận, tử thương của các chiến hữu của họ cũng như tưởng tượng ra rằng, nhà xác bên kia, những người lính chết trận đang được quấn trong mảnh vải trắng tinh! Tiếng khóc than của những bà mẹ già, những người vợ trẻ cũng như văng vẳng bên tai tôi!

Thấy tôi im lặng thật lâu, Thu Thủy hỏi:

– Cô mệt rồi hả?

Không, cô không mệt, nhưng cô xúc động trước cảnh tượng này!

Sau khi bày biện trên mấy cái bàn dài và Long chăng tấm biểu ngữ Nhà Việt Nam, tôi ngắm nghía lại một lần nữa: Thu Thủy và Toàn lo bàn mời mọi người ăn chả giò và gỏi cuốn do Cộng Đồng mua tặng. Hồng Thủy, Hoàng Đức Long đứng trước gian hàng trưng bày những vật kỷ niệm Việt Nam. Anh Phước, nghỉ cả một ngày làm để đứng trước tấm bản đồ Viêt Nam, những cuốn báo Life, những cuốn sách tiếng Mỹ có hình ảnh và bài viết về Việt Nam từ những ngày xa xưa mà anh đã sưu tầm từ nhiều năm nay. Tôi tiếc đã không mang theo cuốn Ride The Thunder của Richard Botkin.

Rời gian hàng Nhà Viêt Nam, tôi đi thơ thẩn, đến gần, thăm căn lều vải, mấy cái trực thăng, xe Jeep, xe GMC, những khẩu súng, những huy hiệu các binh chủng, những chiếc áo lính, poncho…

Tôi hỏi một cựu quân nhân Mỹ:

– Ông có từng chiến đấu ở Việt Nam không?

– Không, hồi đó tôi còn quá trẻ, nhưng bố tôi có ở bên đó năm 1968 nhưng bố tôi qua đời rồi!

Một người lính Mỹ đứng gần đấy hỏi tôi:

– Bà thấy sao? Chúng tôi cố gắng tạo ra hình ảnh những lều trại ngày xưa trên trang trại này!

Tôi mỉm cười:

– Giống lắm! Tôi đã từng ở Pleiku hồi đó và đã từng thấy cảnh trí như thế này!

Một người lính Mỹ già đứng trước căn lều vải, mỉm cười chào, khi tôi đến gần. Ông nói:

– Chúng tôi không thua trận, người Viêt Nam cũng không thua trận mà chính phủ Mỹ đã thua trận ở Việt Nam.

Tôi mỉm cười:

– Chính phủ Mỹ có lý do của chính phủ Mỹ để thua trận! Chỉ có dân Việt Nam là không muốn mà bị Cộng sản chiếm mất nước mà thôi!

Một lúc sau, một cựu quân nhân Mỹ đến thăm gian hàng của Nhà Việt Nam, sau một lúc chuyện trò, khi biết tôi đã từng ở Pleiku ông vui vẻ reo lên:

– Tôi từ North Carolina lên, trong nhóm tôi có một người đã ở Pleiku hồi đó, để tôi nói anh ta sang đây nói chuyện với bà nhé.

– Thôi được, để tôi đến nói chuyện với ông ấy và thăm chiếc trực thăng của các ông luôn!

Người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Pleiku ở camp Holloway, cho tôi biết, hội của ông vẫn bảo trợ cho một cô nhi viện ở Pleiku.

Ông đưa cho tôi một tấm danh thiếp có đề:

NCVHPA

North Carolina

Vietnam Helicopter Pilots Association

Jerry R. Seago

Tay cầm tấm danh thiếp, tôi đi trở lại gian hàng của Nhà Việt Nam, lòng thẹn với lòng và hình ảnh những người Thượng làm ruộng với tay cầy, tay cuốc… những người đàn bà Thượng địu con phía trước, cái gùi củi phía sau, nặng nhọc bước trên những con dốc hay bên bờ suối năm xưa lại hiện rõ trong tôi như vừa mới hôm qua…

 


 

 

 

 

 

2 thoughts on “Môt Ngày Việt Nam Trong Chiến Tranh

    • Cám ơn em nhiều.

      Các anh chị và các bạn trẻ đang chuẩn bị tập dợt văn nghệ và triền lãm về văn hóa Việt Nam vào ngày Hội Chợ Văn Hóa Việt Nam, 16, 17 tháng 8 tại Lorton và ngày 21 tháng 9 trong chương trình Tinh Hoa Nước Việt ở trường Nova.
      Cho cô điện thoại và e mail để gửi thông báo các sinh hoạt của VLAC và mong dược sự tham gia của em.

      Cô Lê Thị Nhị; 240-401-8698
      kynguyenmoi1@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


6 − = two