Em Viết Tiếng Việt 2011

Xin Click vào ảnh để xem
2011

 
[youtube http://www.youtube.com/watch?v=qQOkL_UtrGE?rel=0&w=853&h=480]

TRAO GIẢI THƯỞNG

Nguyễn Khánh Linh

Giải xuất sắc

Rất nhiều người sống cả đời chưa bao giờ có kỷ niệm thật đẹp. Một kỷ niệm đẹp không nhất thiết phải là cảnh đẹp hay đi thăm nơi rất hay, mà một kỷ niệm đẹp thật là khi mình cảm thấy là cả cuộc đời có ý nghĩa vì đã có kỷ niệm ấy. Nhiều người nghĩ là một học sinh trung học, chỉ mười sáu tuổi thôi, chưa sống đủ lâu để cảm thấy như vậy.

Em cũng nghĩ là còn lâu em mới có một kỷ niệm đẹp được, nhưng mùa hè năm trước, em đi làm việc thiện trong một làng nổi ở Hồ tonle Sap ở Campuchia.Từ lúc nhóm bác sĩ, nha sĩ, và em trông thấy làng này, em biết là em chưa bao giờ thấy cảnh đẹp như thế. Mọi gia đình sống trên con thuyền nhỏ, chỉ bé bằng phòng học tiếng Việt. Em thấy bà mẹ tắm cho con và giặt quần áo trong hồ và nước rất dơ. Khi người ta thấy thuyền em đi qua, cả gia đình cười và vẫy tay. Em không bao giờ biết sao mà những người này có thể cười vui vẻ được mặc dù họ có đời sống rất khổ sở.

Cả ngày, em giúp những bác sĩ phát thuốc và nói chuyện với bệnh nhân. Buổi trưa, cả thuyền chồng chềnh vì ngoài trời mưa lớn. Em đang đếm viên thuốc mà cũng phải chặn thuốc không đổ trên sàn, và rất khó đi lại vì thuyền bị nghiêng một bên; chỉ vài bác sĩ và y tá ngồi một bên, mà mấy chục bệnh nhân ngồi bên kia thuyền. Em nhớ là em chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi và em chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh này, mà đây lại là kỷ niệm đẹp nhất của em.

Sau khi em về Mỹ, rất nhiều người tưởng vì em thấy cuộc đời khổ sở, em sẽ đổi cách sống của em ở Mỹ. Lúc em về, em cũng tưởng là em sẽ không bao giờ muốn mua thêm quần áo, hay tốn tiền sắm đồ khi em đã biết nhiều người thiếu đồ ăn và quần áo. Mà em rất ngạc nhiên vì em cảm thấy là em đã có kỷ niệm này để giúp em hiểu là mặc dù ở Mỹ hay Campuchia, mặc dù mình nghèo khổ hay mình giầu có, cuộc đời lúc nào cũng có cái đẹp và cái xấu. Em nghĩ là những gia đình ở làng nổi thấy nhóm thiện nguyện là đẹp, và em cảm thấy là có cơ hội giúp người khác là cái đẹp trong cuộc sống. Đó là một trong những kỷ niệm quan trọng nhất.

Em Tôi

Hai từ “kỉ niệm” hẳn là không lạ gì với bất cứ ai. Đó là điều hiển nhiên cũng bởi vì trong tim mỗi người luôn tồn tại cái gọi là kỉ niệm. Buồn có, vui có, hỉ nộ ái lạc, bất kì cảm xúc nào đã từng tồn tại trong quá khứ đều là kỉ niệm. Nhưng tôi trộm nghĩ kỉ niệm đẹp luôn được mọi người ghi nhớ nhiều hơn nhỉ? Chắc vậy, đối với tôi “kỉ niệm đẹp” đã dường như là bất tử.

Gia đình tôi đông anh chị em, có tất cả là sáu người. Trong đó, tôi thương nhất là đứa em út. Nó tên là Khánh Thy. Một cái tên khá dễ thương và rất dễ nhớ. Khánh Thy cũng như những đứa trẻ khác, hồn nhiên, vui tươi, hoạt bát, nhưng từ nhỏ lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo – bệnh tim bẩm sinh. Chắc cũng bởi thế mà tôi thương nó hơn ai hết.

Tôi nhớ năm đó, gia đình tôi còn làm hạt cườm, có ngày phải thức khuya để hoàn thành sản phẩm mà kịp giao cho công ty. Như những đứa trẻ khác thì Khánh Thy đã đi ngủ sớm, nhưng ngược lại con bé vẫn thức ngồi đợi tôi và mẹ làm xong. Tội nhất là là lúc dù không biết làm gì nó cũng lấy áo rồi lấy kim chích cườm làm như đang phụ mẹ và tôi cho chóng hết hàng. Nhìn con bé mà mọi mệt mỏi trong tôi và mẹ dường như tan biến hết. Và năm đó, đứa em yêu dấu của tôi mới chỉ ba tuổi rưỡi. Chỉ ba tuổi rưỡi mà đã có thể suy nghĩ, quan tâm đến người khác như thế. Một việc mà không phải bất cứ ai – kể cả người lớn cũng có thể làm.

“Kỉ niệm đẹp” không nhất thiết đó phải là một kỉ niệm thật lớn lao. Đối với tôi, nó xuất phát từ những điều nhỏ nhặt thường ngày. Giả như tôi đang làm hàng mà khác nước, tôi thường nhờ Mẫn Nghi – đứa em gái kế tôi lấy nước. Những lần Mẫn Nghi không nghe được tôi nhờ, Khánh Thy liền vỗ đùi Mẫn Nghi mà nói : “Nước, Nhi, nước,…” con bé như muốn nhắc Mẫn Nghi phải lấy nước cho tôi. Thật đáng yêu! Hay mỗi lần tôi đi học về, con bé luôn canh chừng ngay cửa để đợi tôi. Mỗi lần về nó luôn đòi tôi bồng. Yêu nhất là khuôn mặt ú nù của Khánh Thy. Nhìn dễ thương cứ muốn nựng làm sao ấy.

Khánh Thy tuy bệnh nhưng lại là một đứa trẻ rất thông minh. Không thể nói nhưng khi tôi chỉ vào tấm hình và hỏi bất cứ ai, con bé đều chỉ đúng người ấy. Cũng như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, Khánh Thy rất thích ăn hàng, đặc biệt là đồ ngọt. Không thể tin được! Khi biết đi, nơi đầu tiên con bé đi đến là tiệm bánh. Thật buồn cười khi nhớ lại hình ảnh đó. Nó xỏ đôi dép của ba mà đi lạch bạch, lạch bạch như chú vịt con đang đi tìm mẹ vậy. Yêu sao những phút giây hạnh phúc đó.

Tôi nghĩ kỉ niệm đẹp không hẳn là kỉ niệm vui vì tuy buồn đi chăng nữa thì cũng là kỉ niệm. Những ngày trước một tuần Khánh Thy mất là kỉ niệm buồn mà tôi muốn nhắc đến. Những ngày đó, Khánh Thy vẫn sinh hoạt như bình thường, duy chỉ có hai ngày trước khi tái khám, con bé rất hay nhõng nhẽo, dễ khóc. Thay vì phải dỗ dành thì tôi lại tỏ ra khó chịu. Tuy nhiên, tôi cũng đã kịp sửa sai. Trước khi đi tái khám, tôi dỗ dành thể hiện mọi sự quan tâm mà tôi có được cho Khánh Thy. Cả ngày hôm đó, con bé giỡn với tôi và cười không ngớt. Đặc biệt trước khi lên xe, Khánh Thy còn hôn lên má tôi và cười to. Quên sao được nét mặt của em tôi lúc đó. Tôi đâu ngờ, đó lại là lần cuối cùng mà tôi còn có thể nhìn thấy Khánh Thy cười. Đây cũng là lý do mà tại sao, dù là kỉ niệm buồn nhưng cũng lại là kỉ niệm đẹp trong tôi. Vì dù lý do gì, lần cuối tôi vẫn có thể nhìn được nét mặt tươi vui của Khánh Thy trước khi mất.

Tháng tám này là tròn bốn năm ngày Khánh Thy mất. Tuy khoảng thời gian sống cùng con bé chỉ vỏn vẹn hơn bốn năm nhưng giữa tôi và Khánh Thy còn rất nhiều, rất nhiều kỉ niệm mà tôi muốn kể ra. Vậy liệu những trang giấy này có đủ để tôi có thể kể? Tất nhiên là không rồi! Nhưng chỉ bấy nhiêu kỉ niệm trên đã khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Từng chữ trên trang giấy này như thấm nhuần những giọt nước mắt nhớ nhung về đứa em gái tội nghiệp của tôi. Đứa em gái chỉ bốn tuổi rưỡi, chưa được nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp xung quanh mình bao nhiêu thì đã lìa đời. Tuy không thể quay đợi cuộc sống hạnh phúc cùng với Khánh Thy như trước kia, mang theo sự đau buồn, nhưng tôi tự nhủ không được khóc, phải hướng về tương lai. Vì cuộc sống đâu còn là của riêng tôi. Tôi phải sống luôn phần Khánh Thy, dùng đôi mắt của mình để có thể nhìn mọi thứ giúp Khánh Thy. Để em tôi, dù đã mất vẫn thấy rằng em không hề cô độc. Vì cuộc sống của em cũng là của tôi, khi em chết trái tim tôi cũng chết. Dù gió kia có ngừng thổi, sóng kia có thôi vỗ bờ thì những “kỉ niệm đẹp” về em trong tôi vẫn tồn tại mãi mãi.

Mãi mãi yêu em, Khánh Thy!

 

Nguyễn Thị Vân Nhi

Elenor Roosevelt High School

Lớp: 9

 

Nguyễn Tự Lực – Trường Thăng Long

 

Lúc em mới được năm tuổi, gia đình em về Việt Nam. Vì em còn nhỏ, em không nhớ nhiều về chuyến đi đấy, nhưng em vẫn còn nhớ nhiều một vài điều về nước của em, và chuyến này là kỷ niệm vui nhất của em.

Ở Việt Nam, em ở nhà bác em. Nhà của bác có một con chó đen rất là to ngay lúc vừa bước vào nhà. Em sợ con chó này nhiều lắm và bố em phải bế em để đi qua con chó đấy. Em cũng nhớ là Việt Nam rất nóng, không như nhà em ở nước Mỹ, tại vì nhà em có máy lạnh.

Em nhớ đang ngủ trong màn bằng luổi thì em thức giậy vì em nghe ai đang hét ở ngoài đường. Lúc em nghe kỹ, em nghe tiếng hét “Ai mua bánh mì không! Ai mua bánh mì không!” Nhà bác em có kem nhãn và kem xoài, và em thích rất nhiều. Mỗi ngày em ăn một hay là hai lọ kem.

Anh họ của em có một xe Honda, và em nhớ đi xe Honda với gia đình em lúc trời mưa. Ở Việt Nam ngày nao cũng mưa. Em nhớ bác em mở cửa trước để thoáng một tí trong khi mưa bão to, và em ngồi cạnh cửa (không gần con chó) và nghe nước mưa chảy xuống đường.

Trong tương lai em sẽ về Việt Nam. Em chưa biết em về để làm gì; có thể em về để làm việc, có thể để chơi. Nhưng nếu em về, em sẽ vào tiệm kem và mua một hộp kem xoài và ngồi cạnh đường và xem nước mưa chảy xuống đường.

 


 

Mai Vân Kim – trường Thăng Long

 

Kỷ niệm đẹp nhất của em là khi em sáu tuổi, em về Việt nam để thăm ông bà ngoại em. Lần thứ nhất em gặp ông bà em là khi em hai tuổi, nhưng em không có nhớ rõ, em chỉ có coi hình thôi. Em nhớ là khi em về nhà sau một ngày học lớp mẫu giáo và mẹ em nói là hết gia đình em sẽ về Việt nam. Ngày đó em rất vui và đi kể những bạn trong lớp ngày sau.

Ngày gia đình em đến Việt nam, em thấy rất khác với nước Mỹ. Khi em đang ngồi trong xe tắc xi, em thấy có nhiều người chơi ở ngòai đường và bán đồ ăn hay đồ chơi. Lúc em đến nhà ông bà em, em thấy là nhà ông bà em cũng có bán đồ như kẹo, cà rem v.v. Khi em thấy ông bà em, em thấy rất quen và biết liền nên đến chào ông bà. Trong những ngày ở đó em được nói nhiều với ông bà và vẽ hình cho ông bà. Ngày em phải đi về Mỹ em nhớ là em rất buồn nhưng mẹ nói là mấy năm sau mình sẽ trở về lại.

Em trở lại Việt Nam một lần nữa lúc ba năm trước đây. Em thấy ông bà em còn vui vẻ và khỏe mạnh nhưng bà em bị bịnh hơn một chút. Ông bà em còn giữ lại những cái hình em đã vẽ khi em về thăm ông bà lúc em sáu tuổi. Bây giờ em rất nhớ ông em nhiều lắm. Mẹ em hứa sẽ đưa em và gia đình về thăm ông bà vào hè năm tới. Ông bà ngoại em đã già lắm rồi. Hai ông bà đều trên 80 tuổi. Em mong mau đến ngày đó để được thăm ông bà.

 


 

Nguyễn Minh Nhật – trường Thăng Long

 

Khi em còn nhỏ khoảng sáu đến tám tuổi, em học trường Nguyễn Thái Sơn từ lớp một đến lớp ba. Khi học ở Việt nam, học sinh phải mặc đồng phục mỗi ngày và khi vào ngày học thể dục, học sinh phảI mặc đồng phục thể dục. Em có rất nhiều bộ đồng phục thể dục để có thể thay đổi. Khi em di cư với gia đình qua Mỹ, em đem theo một bộ đồng phục thể dục kỷ niệm.

Áo màu trắng và quần xanh lá cây với bốn sọc trắng, hai sọc hai bên từ lưng xuống đến ống quần. Áo tay ngắn có viền xanh lá cây ở cổ và tay áo. Trên bên trái của áo, phù hiệu có chữ “Trường Tiểu Học Nguyễn Thái Sơn”. Dưới tên trường là tên em “Nguyễn Đăng Minh Nhật”. Áo rất mỏng và mát vì ở Việt nam rất nóng. Quần thể dục có một cái túi xanh viền trắng phía sau lưng. Lưng quần bằng thun và ống quần bó lại. Khi em còn nhỏ, bộ đồng phục này rất rộng nhưng em đã lớn và cao lên, nên em không thể nào mặc vừa nữa được.

Tuy em không vừa bộ đồng phục này, em vẫn giữ cho kỷ niệm. Em sẽ không bao giờ dùng và nó không có ích lợi gì nhiều nhưng khi em lớn lên, em sẽ nhớ đến tiểu học ở Việt nam và những kỷ niệm với bạn thân.

 

 


 

Lộ Uyên Nhi – trường Thăng Long

 

Kỷ niệm đẹp nhất của em có lẽ là lần em đi về thăm gia đình ở Việt nam.  Lần đó là hai năm về trước, lúc em 12 tuổi. Tuy đó không phải là lần đầu tiên em về lại Việt nam, nhưng đó là lần em thích nhất. Em được sinh ở Việt nam và ở đó khoảng 5 năm. Lần đầu tiên em về lại thăm là khi em 9 tuổi. Vì lúc đó quá nhỏ cho nên em không nhớ gì nhiều về Việt nam. Cho nên khi em biết em được đi về lại thì em rất vui.

Em chuẩn bị đi vào tháng 6, khỏang hai tuần sau khi nghỉ hè. Em đi cùng với mẹ và bà ngoại. Chuyến bay rất dài, phải mất mười mấy tiếng mới qua được. Khi em bước ra phi trường trời đã tối. Khí hậu ở Việt nam lại nóng, cho nên em rất mệt. Ở cổng phi trường, cô, dì chú và các em họ đang đứng chờ em, mẹ và bà ngoại. Khi về tới nhà em đi tắm và lên lầu nghỉ. Mấy ngày sau em theo mẹ đi mua đồ ở chợ. Khi băng qua đường em rất sợ vì những xe máy chạy rất nhanh và có những chiếc xe lái lên cả lề đường. Em thấy được là Việt nam rất khác bên Mỹ. Khi đi đâu thường hay đi bộ và nhiều người ai cũng biết nhau. Khi nói chuyện với các em họ, em được biết về những trường học ở Việt nam. Em cảm thấy cách học ở bên Việt nam khó hơn ở Mỹ nhiều.

Em ở Việt nam được 3 tháng. Trong 3 tháng này em được đi Nha trang và Hà nội. Điều em thích nhất là em có thể đi các nơi ở Việt nam. Ở Hà nội em về những miền quê. Em được thấy những đồng ruộng và những con trâu, được các người dân nuôi, em thấy rất kỳ lạ và thích thú. Đi đến Nha trang thì em đi theo đoàn du lịch. Họ dẫn em đi tham quan các hòn đảo và những bờ biển. Khi phải về lại Mỹ em rất buồn vì phải xa các em. Bên Mỹ thì em là con một cho nên không có ai chơi và giỡn với em. Tuy nhiên em vẫn giữ liên lạc với họ qua E-mail. Em nghĩ lại về mùa hè của em và em mong thời gian có thể trở lại ban đầu. Tuy rằng chuyến đi đã qua, em đã có được những kỷ niệm đẹp.