Mẩu Truyện Ngắn

CHUYỆN CHẲNG CÓ GÌ HẾT

Tiểu Tử

Thật vậy, chuyện chẳng có gì hết. Nhưng sao nó cứ đeo theo ám ảnh tôi từ mấy hôm
nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết, hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình
lúc đó. Để rồi trăn trở băn khoăn, không biết những người khác – những người Việt
Nam cũng lưu vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng
kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những gì tôi đã nghe
thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu
nay tôi chất chứa trong lòng…
…Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại những gì mà vợ tôi dặn
mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe caddie lại xếp hàng để ra két. Vì
đông người nên hàng thật dài, kéo sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo.
Tôi đứng ở cuối cái đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của
người nào cũng đầy ăm ắp.
Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai choai chắc đi chung
nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện với nhau, nói lớn tiếng như
chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này cách đứa kia hàng trăm thước! Một đứa
bỗng lấy ra một điện thoại di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói
lớn tiếng nên nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi: “Hôm
qua mày đi với thằng nào? … Super… Ừ! Ừ!… Thằng Alex hả?… Génial! … Ừm! Ừm!
… Génial! … Rồi mày làm sao?…Ừm! Ừm!…”. Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét
vào máy: “Ố! Ố!…Super! Super! Génial!… Ờ… Thôi! Mày gọi lại tao há! Bye! “Nó
đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động! Có vài người nhìn nó, nhưng cái
nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè nhẹ để thấy họ có phản
ứng, dù là gián tiếp! Coi như chuyện bình thường…
Tôi thì tôi không chịu được! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp này, cái thứ mất
dạy như vậy, đầy! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng
nể gì hết. Loạn!
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói tiếng Việt Nam:
“Sophie! Đừng làm như vậy! Mẹ nói đừng làm như vậy!”. Ngạc nhiên, tôi nhìn lại:
đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc
vàng mắt xanh cỡ chừng bảy tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi
tiếp tục nói với đứa con: “Mẹ dạy con làm sao? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ trước.
Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy nữa làm gì?” Đứa bé
đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn: “Sophie! Nhìn vào mắt mẹ nè!” Đứa bé
ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm
trong caddie: “Con đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ! Đừng làm cho mẹ giận,
Sophie!” Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt giựt nhẹ, giọng
như sắp ướt nước mắt: ” Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ đừng giận con…”Ngạc nhiên, tôi nói: ” Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô!”. Mẹ nó cười tươi: “Dạ, lúc
nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói
tiếng Pháp”. Rồi cô ta quay qua nói với con: “Chào ông đi con”. Con bé khoanh tay
cúi đầu: “Dạ chào ông”. Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng “Giỏi” rồi
nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động. Nhắm mắt
mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ rất tầm thường nhưng sao
nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách? Từ lâu, rất
lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt
Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một
người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà
còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo
những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Trả tiền xong, tôi quay lại nói: “Thôi! Chào cô nghen! Thấy cô dạy cháu bé
như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô biết không?”. Cô ta cười: “Dạ! Có gì
đâu? Mình là người Việt Nam mà bác. Dạ! Chào bác”. Bé gái đang phụ mẹ chất đồ
lên quầy cũng ngừng tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá!
Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ tuổi đó và thấy quí
những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những
người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân nhau từ nhỏ. Lớn lên,
nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng vẫn thường gặp nhau. Nó di tản trước
tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi bị kẹt lại, sống mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi
vượt biên. Rồi cũng định cư ở Pháp. Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho
nhà nước Pháp, cuộc đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu
mới có công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…
Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có nhà ở dưới tỉnh, cách
Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm
gặp lại tôi ở nhà một người bạn chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy
đã. Sau đó, nó biên cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại
thuở thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp, cho nên ông
thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để viết trên đầu tấm bảng đen
cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi thời đó, được chỉ định như vậy, “hách” ghê
lắm! Bây giờ, tuồng chữ của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.
Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại những kỷ niệm cũ mà
hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con tôi bảo tôi viết xong đưa nó
đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi. Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam
được. Tôi nói: “Không! Ba muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi
bạn của ba cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ thấy
được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một bản sắc nào hết,
nó cứng ngắt, vô hồn…” Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh máy và bằng
tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó “mất gốc” đến độ như vậy!
Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó
chớ không phải một thằng Việt Nam! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức
thư trước khi thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi nhỏ
chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…
Đó! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho cùng, chắc nó có
mang một “cái gì đó” chớ không phải “không có gì hết”. Tại vì tôi không thấy. Chớ
nếu nó không “nói” lên cái gì hết thì tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong than đã mất quê
hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ. Chính cái
cung cách khoanh tay cúi đầu chào của cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy
nghĩ. Nếu người Việt lưu vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê
hương thật. Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu
thị thì làm sao nói mất quê hương? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể hiện bằng tư
duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó là cái gốc mà mình đã
mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn
hay hơn nữa: mình nên bắt chước người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là
chuyện tự nhiên, ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta: “Dạ ! Có gì đâu ?
Mình là người Việt Nam mà bác!”. Và tôi tin chắc: một người như cô ta chẳng bao giờ
than rằng đã mất quê hương!
Bây giờ thì tôi thấy “câu chuyện không có gì hết” thật sự không phải không có
gì hết!
Tiểu Tử

PHÉP MẦU GIÁ BAO NHIÊU?

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.

Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.

Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.

Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”

Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”

– Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.

– Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

– Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

– Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”

– Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”

– Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”

Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.

Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.

 

 

TỤC TẢO HÔN MIỀN BẮC

 

Trong những cuc hôn nhân như câu chuyện, người ta chung sng với nhau, nặng vì nghĩa, nhẹ vì tình! Người phụ nữ trong câu chuyện là người có phước phận, có cho đi và có nhận lại, là người có hạnh phúc. Ngưới đàn ông trong câu chuyện là người đạo đức, có trước, có sau! biết hy sinh đền đáp, đời ông ta chỉ lo trả nghĩa cho người, chưa chắc ông đã có cảm nhận được hạnh phúc!  Những người này thời nay chẳng thể còn! Anh xin đưa em đi đến cuối cuộc đời

Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi.Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

1. Cảnh nghèo

Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói phải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.

Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.

Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.

Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.

Vì thế bà mối đến, réo rắt: “Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha,

còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà“.

Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: “Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!”.

Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị.

Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!

Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài.

Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha mẹ, tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.

Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

2. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng.

Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.

Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm

chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.

Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.

Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v…

Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình:

Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?”.

Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to:

Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường...”

Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:

“Chị ơi, em yêu chị!”.

Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

3. An ủi nhỏ nhoi

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.

Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.

Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua.

Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.

Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi.

Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:

“Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành”.

Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.

Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?

Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học.

Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.

Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.

Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.

Nhưng anh vẫn nói: “Chị, chờ tôi quay về nhé!“.

Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

4. Kiếp này

Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.

Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc.

Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa.

Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.

Lúc đó chị đã 29 tuổi.

Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát ly đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.

Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!

Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: “Chị, chờ tôi quay về nhé!“; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.

Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.

Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về.

Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất,

dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.

Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.

Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu.

Chị không dám ngờ anh đã nói với chị:

Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!”.

Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?

Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng cười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5. Xin lỗi

Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng.

Họ có với nhau một con trai một con gái.

Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình.

Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng.

 

Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.

Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà.

Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:

Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?“.

 

Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị.

Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi.

Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:

“Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi”.

Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa

Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.

Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậy chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.

Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:

“Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy”.

Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.

NHỮNG CON CÀO CÀO XANH

                    

Đứng trong hàng rào kẽm gai của khu thăm nuôi. Bé Mai cố nhướng mắt để tìm người cha than yêu của mình trong số những đoàn người gầy guộc, xanh xao, vàng vọt đang lếch thếch cất bước trên đường về trại tù. Với ánh nắng trưa hè gay gắt,mọi nguời đi thăm nuôi đều đứng trong mái hiên ngẩng cổ nhìn ra. Riêng bé Mai bất chấp những tia sáng nóng đang rọi trên đôi má ửng đỏ, những giọt mồ hồ đang rịn trên trán. Cô bé cố giơ cao những con cào cào xanh hướng về phía đoàn người đang lần lượt đi qua, hầu mong cha của mình sẽ mau chóng nhận ra. Ông Sinh đã nhận ra con gái , ông giơ cao lon gô vẫy vẫy.

Bé Mai sung sướng reo lên :“Má ơi. Con thấy ba rồi! Con thấy ba rồi !

Đoàn tù vẫn bình thản bước lên đồi. Ông Sinh vừa đi vừa ngoảnh cổ lại đằng sau nhìn con..Khi không còn thấy hình bong cha nữa, bé Mai mới chịu chạy lại bên mẹ thút thít khócThiếu phụ rút khăn tay lau mồ hôi trên trán con, vuốt mái tóc bé an ủi :“Nín đi con, tí nữa mẹ con mình gặp cha rồi.”Thời gian thăm nuôi thật ngắn ngủi, chỉ mười năm phút. Ông Sinh chỉ kịp ôm con vào lòng, hôn lên má con. Hỏi han vợ năm ba câu, chẳng nói được gì nhiều, đã gần hết giờ.Mọi người trong phòng thăm nuôi chỉ biết nhìn nhau khóc và khóc. Đến gìơ. Tên cán-bộ oắt con quơ quơ khẩu súng AK. về phía mọi ngừời:“ Đã hết giờ, yêu cầu mọi người đứng lên ra về.”

Ông Sinh vôi vàng nắm chặt hai bàn tay vợ và ôm hôn con lần cuối, sách bị gói lương khô cùng mấy con cào cào theo chân mọi người ra cửa.Ngồi trên chuyến xe lô trở về thành phố, hầu hết là những bà vợ đi thăm nuôi chồng, họ đều mệt mỏi trong cuộc hành trình dài. Phần vì đường xa, phần vì phải thức khuya dậy sớm để nấu thức ăn, giờ đây tất cả đều cố nhắm mắt thiu thiu ngủ dưỡng sức. Riêng bé Mai không tài nào ngủ được, dù rất muốn ngủ và mệt mỏi. Hình dáng của người cha luôn luôn lởn vởn trong trí óc bé, than hình gầy gò, đen đủi cùa ông khác xa với hình dáng trắng trẻo, hồng hào, mập mạp trước kia rất nhiều. Bé là người được cha thương yêu nhất. Đêm nào ông cũng ru bé ngủ, kể truyện cho bé nghe, trước khi rời khỏi phòng ông không quên hôn lên nút ruồi son trên cổ bé, mà ông thgường gọi đùa là : Nốt ruồi mang đến nhiều sự may mắn.”

Ông có đôi bàn tay rất khéo léo và nghệ thuật. Chính ông đã dậy cho bé xếp hình những con thú, đồ vật bằng giấy nhất là thắt hình những con cào cào bằng lá dừa non thật là tuyệt, trông chúng đẹp, hung dũng, oai phong biết bao! Bé rất thích và thường thắt để tặng bạn bè, vì thế chúng thường chọc và gọi bé lá con cào cào xanh.Biệt hiệu này bé rất thích và thường hay kể lại với cha. Ông nói con cào cào xanh với đôi chân cứng cáp, nhẩy xa, biểu hiện cho sự tương lai vững chắc. Cha muốn con gái của cha sau này cũng giống như những con cào cào này.Riêng ông Sinh, ông không thể không cầm được nước mắt khi nhìn giỏ quà của vợ con. Sau gần hai năm tù cải tạo, đây là lần đầu tiên ông được thăm nuôi. Giỏ qùa dù ít nhưng nó đã gói ghém biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tình thương của gia đình, dù ít nhưng ông rất ấm lòng. Nhất là mấy con cào cào xanh, nhìn chúng ông cảm thấy vui vui và xao xuyến trong lòng. Cô bé không biết đã bỏ biết bao nhiêu công sức, tình thương yêu gói trọn vào đó để dành cho cha. Nghĩ tới đó tim ông như thắt lạiĐây là lần đầu và cũng là lần cuối ông gặp mặt vợ con.

Kể từ ngày thăm nuôi cho tới mấy năm sau này, ông không hề nhận được bất cứ tin tức gì về gia đình. Lòng ông như rối bời, tâm tính như mất trí, thân xác kiệt quệ. Mấy lần ông đã ngã qụy, tưởng không thể sống nổi, may nhờ bạn bè an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần , ông đã qua khỏi.Cuộc sống tù đầy cứ như thế: Chịu đựng, đau khổ, đói khát. Cho tới cuối năm 1981 ông được thả về.Ra khỏi tù , ông không còn nơi nương tựa. Theo chòm xóm cho biết : Vợ con ông đã vượt biên năm 1976. Gia đình bên vợ thì đã bán nhà dọn đi nơi khác, không biết biệt tích nơi đâu. Còn bên ông thì không có ai cả, vì ông vô Nam chỉ có một mình khi ông mới mười hai tuổi. Thế là hết ! không biết đâu mà mò.Điều làm ông lo âu nhất, là vợ con ông có thật sự đi vượt biên không, hay là tin đồn nhảm?! Nếu đúng như vậy, liệu có thoát không? Hay là đã bị…..ông không dám nghĩ tiếp. Nếu thoát, tại sao không gửi thư về để cho ông biết tin Những câu hỏi tại sao ?….tại sao?…làm cho ông điên đầu. Hiện giờ ông mù tịt, và cũng không hiểu vì sao.? !Ra khỏi nhà tù nhỏ, ông lại vô nhà tù lớn. Cũng lao động thân xác để kiếm miếng ăn, cũng phải học tập, trình diện hàng tháng. Người ông càng ngày càng tiều tụy, nhưng ông phải ráng sống để có ngày gặp lại mặt vợ con.  May mắn nhờ một người bạn tù cùng chung một tổ trong trại tù, đưa ông về nhà cho tá túc qua ngày, cùng chỉ ông cách thức vá giầy, dép cũ. Cuộc sống của ông cũng tạm đủ.Dạo này trời Sài-Gòn hay đổ những cơn mưa bất tử, làm ông Sinh dọn hàng ra, vô muốn bở hơi tai. Hai năm sau này công việc làm ăn của ông đâm khá ra. Giầy dép cũ mới, chôm chỉa gì ông cũng mua tuốt luốt, đem sửa chút ít, dánh bóng lại bán được gía cao.Một người khách đi đến gian hàng ông. Ngắm nghía lựa một đôi, sỏ vừa chân,, cầm lên hỏi :“Bác , Đôi này bao nhêu?”Đang cúi lau giầy, ông vội vàng ngửng đầu lên định trả lời. Nhưng thấy người khách ông bỡ ngỡ, cảm thấy rất quen nên chưa kịp đáp. Người thanh niên thấy mặt ông cũng giật mình lùi lại, trơn mắt như gặp phải ma. Cậu ta định thần nhìn kỹ. Vội hỏi :“Xin lỗi, xin lỗi. Bác có phải…..phải tên Sinh không?”.Cũng vừa kịp lúc ông Sinh nhận ra người khách lạ, chẳng ai khác hơn chính là cậu em vợ của mình. Như bắt được vàng. Ông Sinh rối rít dọn hàng không bán nữa.Hai anh em kiếm một quán cà phê ngồi tâm sự.Thì ra vợ con ông đi vượt biên thực sự, hiện định cư ở Mỹ. Vợ ông đã có chồng khác và đã có hai con, một trai, một gái. Cha mẹ vợ đã bán nhà ở thành phố, dọn về quê ở. Mấy năm nay ông bà vẫn đều đặn nhân được tiền bạc do con gái chu cấp hàng tháng, và hiện cậu em trai vẫn còn ở với cha mẹ. Không hiểu vì lý do gì, cố ý hay có uẩn khúc gì khác, ông bà lại báo với con gái là ông đã chết trong trại tù.Ngay ngày hôm sau. Ông Sinh cùng cậu em vợ vội đáp xe đò về thăm gia đình vợ. Chuyến thăm này đã khiến ông Sinh nhận nhiều sự đắng cay tủi nhục. Sự ơ hờ, tiếp đón tẻ nhạt đã làm ông thất vọng. Ông không có địa chỉ cũng như không có tin tức gì về vợ con. Ông chỉ biết đạì khái là : Vợ ông không muốn cho ông biết nơi ở của nàng. Chuyện ông bị chết là do công an tới nhà báo tin.Nhưng nhờ vào lòng tốt của cậu em vợ, cuối cùng ông cũng có được địa chỉ của vợ con trong tay. Nhưng làm được gì với địa chỉ này ? Đối với vợ, ông có lỗi với nàng chứ không phải nàng có lỗi với ông. Ở vậy chờ chồng nuôi con là việc tốt, nếu không thì đành phải chấp nhận, không thể oán trách. Nhưng với con, ông phải có bổn phận và trách nhiệm. Ông nhớ cô bé vô cùng không kể xiết.Ông đã viết thơ nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Lại mu tin, mù tịt. Đầu óc ông rối rắm tơ vò. Con ông ra sao rồi ?!Sau đó chương trình HO được cứu xét, đưa các sĩ quan tù nhân cải-tạo qua Mỹ. Ông sung sướng bán tín, bán nghi. Nhưng sự thật đã đến. Giờ đây ông đã ngồi trên máy bay đến Mỹ theo diện HO.8. Việc đầu tiên của ông dự định là sau khi lo thủ tục giấy tờ xong, ông sẽ đi tìm vợ con.Đứng trước cánh cổng sắt của căn nhà sang trọng, trong một thành phố thuộc tiểu bang Illonois. Ông Sinh lưỡng lự không dám bấm chuông, lòng ông hồi hộp, tim đập loạn xạ.. Ông đang tưởng tượng hình dáng vợ mình bây giờ thế nào? Con mình đã lớn khôn ra sao? Cô bé giờ đã hai mươi mốt tuổi rồi còn gì, không biết ông có còn nhận ra không?!Rồi ông tự hỏi có nên vào hay không ? Gia đình người ta đang hạnh phúc, mình vào có đúng lúc không?! Đang lúc suy nghĩ miên man. Chợt ông thấy một thiếu phụ từ trong nhà đi ra, tay cầm bình tưới cây nhỏ, tưới vào những chậu hoa trước cửa. Ông không thể nhầm được, đó chính là vợ mình dù thời gian có thay đổi. Ông tính rướn người lên gọi nhưng kịp ngừng lại.Một người đàn ông tóc vàng từ bên hông nhà đi tới, đến sau lưng người thiếu phụ ôm choàng lấy nàng, hai người hôn nhau thắm thiết. Ông lặng người tê tái, quay gót bỏ đi.

Về quán trọ, ông viết vội vài chữ gửi cho vợ, hẹn nàng cho ông gặp mặt dù chỉ một vài phút. Ngồi trước mặt vợ, ông nhận thấy nàng rất đẹp, đẹp hơn trước nhiều, nhưng cũng không đấu được nhiều nếp nhăn trên trán khóe mắt, vành môi.Để phá tan bầu không khí ngỡ ngàng. Ông Sinh khen vợ:“Em. Trông em đẹp lắm !”.“Cám ơn anh. Anh qua đây từ bao giờ? Trông anh già và ốm yếu quá ! Anh có cần sự giúp đỡ gì không? Chồng em quen biết rất nhiều.”Ông Sinh thấy nàng tự nhiên qúa, không có nét xúc cảm nào lộ trên khuôn mặt. Ông cũng bình thản.“Cám ơn em. Anh, chữ nghĩa tiếng Anh, tiếng u còn kém lắm, vả lại mới qua chưa cần gấp. Anh muốn gặp con, nó dạo này thế nào rồi ?”.Không trả lời vội. Nàng đẩy ly cà phê sữa tới trước mặt ông:“Cà phê Starbuck này ở Mỹ có tiếng lắm. Em còn nhớ anh thích uống cà phê nên em kêu. Còn con hả, em cũng muốn mong gặp nó đây. Mấy năm nay nó chẳng hề ghé thăm mẹ. Lâu lâu gọi phôn lấy lệ”.

Ông Sinh nhỏm dậy:“Em đã làm gì nó? Bây giờ nó ở đâu? Cho anh xin số phôn và địa chỉ của nó!“Nào em biết. Nó không muốn cho em biết bất cứ điều gì.”Ông Sinh như chết điếng :“Em nói thật đó chứ?!”.“Em không dối gạt anh. Dù chúng ta không còn là vợ chồng. Nhưng đối với con em rất mực thương yêu. Có anh đây em rất mừng, anh sẽ lo cho nó. Nó là đứa con rất có hiếu. Sự việc không hay xẩy ra, hoàn toàn do lỗi tại em. Anh đi tìm con dùm em.Cho anh biết thêm là hiện nay nó đang học nghành y-khoa, sắp ra trường. Anh cứ đi hỏi mấy trường đại học xem sao! Em đã dò hỏi khắp mọi nơi rồi, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Anh mới qua chắc cần tiền bạc, em giúp.”Vừa nói, nàng vừa mở bóp lấy cuốn chi phiếu.Ông Sinh nghe vợ nói một hồi như lùng bùng lỗ tai. Không cần nghe thêm, ông xô ghế đứng dậy.Nhờ những người quen biết chỉ dẫn. Ông Sinh đăng tin tìm người trên báo chí cả Mỹ lẫn Việt, cùng phôn tới tất cả các trường đại học xa gần, vẫn không có kết qủa. Ở nước Mỹ to lớn này gồm năm mươi tiểu bang, có biết bao nhiêu trường đại học mà kể, tìm người như tìm kim đáy biển, biết đâu mà mò. Rồi ông lại suy nghĩ vớ vẩn, nhỡ con bé tự tử. Nghĩ tới, nghĩ lui làm ông rối trí thêm. Cuối cùng ông đành buông xuôi cho số phận thời gian.Để mưu sinh và cũng để tạo cơ hội tìm kiếm, ông ghi danh đi học khóa đào tạo y công, phụ giúp trong các bệnh viện, hầu hy vọng có một ngày nào đó gặp được con mình.Thời gian cứ thế trôi qua. Ông đã phục vụ rất nhiều bệnh viện trong tiểu bang California này mấy năm rối, cũng thăm hỏi nhiều rồi, sự hy vọng của ông càng ngày càng giảm, hầu như tuyệt vọng. Niềm vui thú duy nhất của ông hiện thời là mấy con cào cào xanh, mà ông cất rất kỹ từ khi thăm nuôi tới giờ, dù chúng đã khô héo quắt queo. Mỗi khi nhớ con ông lại mang ra ngắm nghía, tâm hồn ông lúc đó hoàn toàn chìm đắm trên khuôn mặt cuả bé Mai.

*Jennifer Trần là một bác sĩ trẻ, đẹp, làm việc rất siêng năng, cần mẫn, hay giúp đỡ mọi người. Ai cần việc gì, khó khăn gì hay trong nhà cần chuyện gì, cần người thay thế, bác sĩ vui lòng giúp đở, dù đó là ngày nghỉ của mình.Bác sĩ đã có vị hôn phu cùng phục vụ trong cùng một bệnh viện. Hai người tính làm đám cưới lâu rồi, nhưng không hiểu vì sao cứ lần này rồi lại lần khác, không thể thực hiện được. Bạn bè thúc giục, khuyên nhủ, nàng chỉ cười.. Tuy là người vui tính thích bong đùa, nhưng bác sĩ Trần vẫn không dấu được nét buồn của mình. Nét buồn đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp dịu hiền, mà ai cũng gọi đùa là “nữ hoàng sầu muộn” Dù còn trẻ, nàng vẫn không thích nơi hội hè đình đám, những chỗ đông người, mà chỉ muốn sống cho riêng mình, nhưng đối với bạn hữu nàng cũng quậy ra trò. Hôm nay ông Sinh nghỉ không đi làm. Ông rảnh rỗi cùng người bạn gìa đi thăm cháu gái của ông ta bị bệnh nằm trong bệnh viện. Tiện thể ông mang mấy con cào mà ông mới thắt đêm qua, cho cháu gái làm qùa.Ngày chủ nhật, bệnh viện sao có qúa nhiều ca mổ! Bác sĩ Trần đã thấm mệt, mồ hôi rịn đầy trán. Nàng lấy khăn mui xoa chấm chấm mồ hôi, bây giờ nàng mới thực sự được rảnh tay.Bác sĩ Trần đi qua dẫy phòng khoa nhi để đến phòng ăn, vì từ sáng đén giờ nàng chưa có cái gì vào bụng. Những tiếng cười khanh khách của một bé gái nào đó vang lên từ phòng khoa nhi. Cảm thấy vui vui nàng ghé lại nhìn thử.Một bé gái, nằm quay mặt vào phía trong, hình như đang giỡn với vật gì đó, làm cho cô bé khoái chí cười nắc nẻ. Tính tò mò thúc đẩy, nàng rón rén lại gần, nhìn vào phía trong.. Bất gíác nàng run người lên , mắt mở trợn trừng. Cô bé dang cho hai con cào cào xanh đá nhau, hai con cào cào được thắt bằng lá dừa xanh , trông thật là đẹp. Nàng run run cầm lên mân mê. Hỏi :“Ở đâu bé có hai con cào cào này?”.Như sợ bị la mắng, chơi đồ chơi trong phòng bệnh. Cô bé phân bua :“Không phải của con mua, mà của ông gìa lúc nẫy cho con”.Bác sĩ Trần không kềm được xúc động , hỏi dồn:“Bao lâu rồi ? Ông đi đâu ?”.Cô bé hốt hoảng :“Dạ…dạ, con cũng hổng biết. Đã lâu rồi!”Bác sĩ Trần hốt hoảng bước ra khỏi phòng, dáo dác nhìn quanh. Mặc kệ cho bụng đói, nàng chạy từ phòng nọ qua phòng kia, từ dẫy nọ qua dẫy kia để tìm kiếm. Trước sự lạ lùng đó, mọi nhân viên trong bệnh viện đều vây lại hỏi thăm, Nàng hỏi bâng quơ :“Có ai thấy ông gìa nào đó trong bệnh viện không?”Trước câu hỏi ngây ngô đó, mọi người đều không nín được cười, nhưng không ai dám cười trước vẻ nghiêm trọng của bác sĩ Trần.Trong bệnh viện này, biết bao nhiêu ông gìa, bà cả đi thăm con cháu, người thân. Cảm thấy câu hỏi của mình qúa ngớ ngẩn, nàng cười gượng :“Thôi. Không có gì, cám ơn các bạn.”Tuy nói vậy nhưng trong lòng nàng vẫn không yên, tự nghĩ: ”Chỉ có cha mình mới thắt kiểu đó, nhưng ông đã chết rồi mà! Chẳng lẽ vì quá nhớ cha mà đâm ra mê sảng ?.!”Thôi đi ăn cơm!.Bác sĩ Trần, chính là bé Mai. Từ khi theo mẹ đi thăm nuôi cha, trở về nhà, không ngày nào bé không nghĩ đến cha của mình. Ngày vượt biển ra đi, bé nhất định không chịu , đợi ngày cha trở về đi cùng. Vì sự hăm dọa của ông bà ngoại cùng những lời khuyên giải của mẹ, bé đành chịu phép. Sang đến Mỹ bé nhất định phải học giỏi để có tiền gửi cho bà ngọại đi thăm nuôi cha đều đều. Bé sẽ nhẩy cao, sẽ cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha đã từng nói.

Cuộc vượt biên êm xuôi. Sau hơn một năm ở trên đảo, bé cùng mẹ được định cư tại Hoa-Kỳ. Dòng đời đưa đẩy, mẹ lấy chồng khác, một anh chàng Mỹ giầu có. Cô bé có thêm hai đứa em gái.Giờ đây, bé Mai đã mười chín tuổi, cái tuổi bước vô ngưỡng cửa đại học. Càng lớn nàng càng giống cha. Đã nhiều lần nàng biên thư và gửi tiền cho ngoại để hỏi thăm tin tức, cùng sức khỏe của cha trong trại tù, nhưng không ai trả lời. Có hỏi mẹ, chỉ được biết :“Cha con đã chuyển đi ra ngoài Bắc rồi. Bà ngoại đã già không thể đi được.”Nói sao nàng tin vậy. Mỗi lần nhớ ông, nàng lại mang hình hai cha con ra ngắm. Tấm hình nàng đã mang theo khi đi vượt biên. Sống chung đụng trong cùng một mái nhà. Điều làm cho nàng ghê tởm, xấu xa, bỉ ổi nhất là anh chàng Mỹ kia cứ nhởn nhơ mặc quần lót đi trong phòng khách. Có lần hắn đã dám xàm xở ôm nàng xờ xoạng khi không có mẹ ở nhà. Từ đó nàng đã bỏ nhà đi sang tiểu bang khác, chỉ biết học và làm việc tự lo cho bản thân, lâu lâu hỏi thăm mẹ qua điện thoại công cộng.Vào một ngày, khi điện thoại về thăm mẹ, được bà báo cho biết : Cha đã chết trong tù! Mọi vật như xụp đổ. Nguồn hy vọng bám víu cuối cùng cũng không còn. Thế là hế!Nàng đã khóc đến khô cả nước mắt, cuộc sống như tẻ nhạt, chán chường không còn tha thiết gì nữa! Nàng chỉ biết vùi đầu vào sách vở cho quên nỗi buồn, và phải chiến đấu, chiến đấu, cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha nàng khi còn sống hằng mong mỏi. Cuối cùng nàng cũng lấy được mảnh bằng chuyên khoa giải phẩu.

Qua tin tức báo chí. Bác sĩ Trần được biết các sĩ quan tù cải tạo được chính phủ Mỹ cứu xét cho định cư tại Hoa kỳ theo chương tình HO.Không hiểu sao nàng hồi hộp lạ thường.Rồi quyết định bỏ miền đông tuyết phủ, trở về với nắng ấm Cali.Hôm nay là ngày lễ Thanksgiving day, nàng muốn đi ra biển. Không phải để tắm hay hóng gió mà nàng muốn làm một công việc, công việc này nàng đã dự tính từ lâu nhưng vì qúa bận rộn nên không thể thực hiện được. Nhân ngày lễ tạ ơn nàng phải làm điều gì để nhớ ơn cha. Nàng sẽ thắt thật nhiều, thật nhiều con cào cào thả xuống biển, để chúng mang lời cầu nguyện của nàng đến người cha thân yêu. Nàng tin tưởng rằng ở nơi xa xăm vĩnh cửu nào đó cha nàng sẽ nhận được lời khấn nguyện này. Nàng rủ bác sĩ Hải (vị hôn phu) cùng đi chơi biển. Chàng rất thích thú lẫn ngạc nhiên về lời yêu cầu này, khác với bản tính trầm lặng không thích nơi ồn ào của nàng từ trưóc đén giờ, bèn okay chấp nhận liền.Trong khi chờ đợi vị hôn phu đi mua thức ăn. Nàng dã kiếm đựợc khá nhiều lá dừa xanh, cẩn thận chau chuốt tước từng lá và bắt đầu thắt những con cào cào.Nàng để hết tâm trí vào công việc, chìm đắm trong niềm thương nhớ cha. Ngoài kia. Sau khi đã mua thức ăn, trên đường trở về chỗ cũ nơi bãi biển, chàng thấy một đám con nít đang vây chung quanh một cụ già Việt-Nam, trên tay đứa nào cũng cầm một con cào cào, thấy hay hay chàng cũng xin một con.Vừa đi vừa ngắm con cào cào, chàng cảm thấy nó rất đẹp và còn có vẻ oai phong nữa. Chàng sẽ cho vị hôn thê, chắc nàng sẽ thích thú lắm! Về đến nơi. Thật, chàng không thể tin vào mắt mình, nàng cũng đang thắt…..con cào cào.“Em đang làm gì vậy.”“Thắt con cào cào.”Chàng cầm con cào cào mới xin được, vẫy vẫy trước mặt nàng.“Anh cũng có một con.”Nhìn con cào cào, mặt nàng tái mét, hỏi dồn:“Ở đâu anh có nó?”Chàng chỉ về hướng đám trẻ:“Một cụ già Việt-nam cho anh.”Chẳng nói chẳng rằng, nàng nắm tay chàng chạy như bay về hướng chỉ. Một ông già, tóc bạc qúa nửa. đeo cặp kiếng lão, Hai tay đang thoăn thoắt thắt những con cào cào. Dù thời gian, tuổi tác có thay đổi, nhưng với hình dáng kia, nét mặt kia đã in sâu vào tâm khảm, nàng không thể nhầm được, chính là cha nàng. Qúa xúc động, nàng ngất xỉu.Sự việc xẩy ra qúa đột ngột, bác sĩ Hải hoảng hốt la cầu cứu. Ông Sinh (vâng, chính ông Sinh) ở vị trí gần nhất nghe tiếng hét vội vàng nhào tới. Ông vội thọc tay vào túi quần lấy lọ dầu xanh thoa lên hai thái dương cô gái, giựt tóc mai, giựt gân cổ. Bỗng người ông run lẩy bẩy, tim như muốn ngừng đập, khi ông thấy nốt ruồi son trên cổ cô gái, trên tay cô còn nắm chặt con cào cào. Như có linh tính, ông định thần nhìn kỹ khuôn mặt thiếu nữ. Ông gào lên trong tiếng nức nở, nghẹn ngào:“Trời ơi! Mai….Mai, con tôi.”Cũng vừa lúc xe cứu thương tới nơi, đưa bệnh nhân lên xe. Ông Sinh, bác sĩ Hải cũng vội vàng leo lên theo. Cầm tay con gái, lòng ông Sinh bồi hồi xúc động, ông không ngờ gặp con trong hoàn cảnh này. Hai hàng nước mắt ngắn, dài chẩy trên hai gò má nhăn nheo. Nhưng ông cảm thấy sung sướng và ấm áp vô cùng.

Tin bác sỹ Trần thị Mai gặp lại được cha già sau hai mươi năm xa cách đã loan truyền khắp trong bệnh viện, một vụ trùng phùng đầy đau thương, thích thú, khiến ai cũng mủi lòng.Hôm nay nhà bác sỹ Mai thật đông đảo khách tới thăm, bạn bè, thân hữu nghe tin mang hoa tới chúc mừng. Trong mấy năm qua , bây giờ mọi người mới thấy được nét tươi vui, rạng rỡ thực sự trên khuôn mặt u sầu của vị bác sỹ mà họ mến yêu. Nhưng người sung sướng nhất vẫn là bác sỹ Hải.

Dương Thịnh

 

LỜI NÓI DỐI CỦA CHA

Cha mẹ nó lớn tuổi mới cưới nhau.  Hồi đó, gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em. Nhà gần sông, nhưng cha đau yếu, ít khi có được cá mà ăn,  khi nào có được bữa cá là thịnh soạn lắm. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”.

 Nó nhanh nhẩu:  “Tại sao hả ba?”

 –        “Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau – cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không?  Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?

 Tâm hồn trẻ con, ba đứa nó đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu xẻ ra từng phần, bỏ đầu và xương qua cho cha nó, ba anh em chia nhau phần thịt.

 Có những lúc nó cũng phân vân, nhưng cha nó bảo:  “Hồi nhỏ, ông bà nội cho ăn thịt mãi, giờ nhìn thịt là thấy ớn.  Sau này lớn các con cũng như ba thôi.”

 Thấm thoắt thoi đưa, anh em nó lớn lên, và cha nó già đi. Sau này đủ hiểu biết, khi nó nhận ra những lời cha nói trước đây là nói dối, thì cũng là lúc đời sống của gia đình khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá. Vì thế mà cha nó cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ.  Tuổi trẻ bồng bột – không ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương –  hay vì cha nó cố tìm cách cho lời nói được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.

 Để đến hôm nay, nó đã thành đạt.  Cuộc sống hối hả… nó cũng chẳng bao giờ đoái hoài đến cái đầu, hay miếng xương cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi khi lên mâm cơm.

 Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó, di ảnh cha gầy còm, nhưng nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận. Nó quay mặt đi để lau hàng lệ, giấu vợ con.

 Nó không thể quên hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, “cha đi thả cá mùa nước nổi”.  Rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông.  Nó khấn:  “Nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”.  Bất giác, nó nghe những tiếng “ba!” kêu lên từ trong cổ họng.

 Đến lúc thức cúng đem ra bàn ăn. Nhìn vợ xẻ con cá, bỏ đi phần đầu và xương, nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.

 

NHÀ THỜ 57 XU


Hattie May Wiatt
 
Vào một ngày chủ nhật của năm 1884, một cô gái nhỏ đứng gần cửa ra vào của nhà thờ, nơi cô bị đẩy ra vì trong đó đã quá đông. “Con không vào lớp được”-Cô khóc thút thít với vị mục sư khi ông bước ngang qua.
 
Nhận thấy cô bé ăn mặc tiều tụy và không gọn gàng, vị linh mục đoán được lý do. Ông nắm tay cô gái nhỏ, dẫn vào trường và tìm một chỗ cho cô bé trong một lớp học chủ nhật của nhà thờ. Đứa bé đã rất vui mừng vì người ta đã tìm được một chỗ cho bé và trong giấc ngủ đêm đó, bé đã nghĩ đến những đứa trẻ không có chỗ nào để ca tụng Thiên Chúa.
 
Hai năm sau, cô gái nhỏ đó đã chết trong căn hộ nghèo nàn của gia đình sau thời gian ốm bệnh. Bố mẹ em đã nhờ vị mục sư tốt bụng người đã làm bạn với con gái nhỏ của họ để làm những thủ tục cuối cùng.
 
Khi mang xác em đi, người ta tìm thấy một cái ví đỏ nhàu nát, sờn rách mà có vẻ đã được em nhặt về từ một thùng rác nào đó. Bên trong có 57 xu và một mảnh giấy viết nguệch ngoạc nét chữ trẻ con ghi “số tiền này để giúp xây dựng một nhà thờ to hơn chút nữa để có thêm nhiều trẻ em được đến trường học chủ nhật”. Trong hai năm, em đã tiết kiệm được từng đó với tình yêu trong sáng.
 
Khi mục sư đọc những dòng đó, nước mắt ông chảy dàn dụa và ông biết ngay lập tức ông cần làm gì. Mang mảnh giấy nhỏ và chiếc ví rách lên bục giảng kinh, ông kể câu chuyện về sự dâng hiến và tình yêu không ích kỷ của cô gái nhỏ.
 
Ông kêu gọi các thầy sáu hãy làm việc tích cực hơn để kiếm đủ tiền để xây dựng một tòa nhà lớn hơn. Câu chuyện không dừng ở đó… Một tờ báo biết được câu chuyện và đăng tải nó. Một nhà đầu tư bất động sản đã đọc và ông đề nghị bán cho nhà thờ một mảnh đất trị giá hàng ngàn dollars. Khi được biết, nhà thờ không có từng đó tiền, ông đề nghị bán với giá 57 xu. Ông sau đó tặng lại nhà thờ 54 xu và 54 đồng xu có ghi năm 1886 này hiện đang được trưng bày…ở đâu thì xin đọc tiếp đoạn dưới.
 
Các thành viên nhà thờ hiến tặng những khoản tiền lớn. Checks được gửi đến từ mọi nơi…Trong vòng 5 năm, món quà của cô gái nhỏ đã tăng lên tới $250,000; một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm của những năm đầu thập niên 1890. Tình yêu không vụ lợi của cô gái nhỏ đã mang lại lợi nhuận khổng lồ.
 
Khi bạn đến thăm thành phố Philadelphia, hãy đến thăm Nhà thờ Temple Baptist, nơi có thể chứa tới 3300 người. Và cũng đừng quên ghé thăm Đại học Temple, nơi hàng ngàn sinh viên đang được đào tạo; nơi 54 đồng xu của cô gái nhỏ đang được trang trọng trưng bày trong thư viện của trường.
 
Bạn cũng đừng quên tới thăm bệnh viện Good Samaritan và tòa nhà trường học Chủ nhật dành cho hàng trăm em nhỏ dễ thương được xây lên để không một đứa trẻ nào trong vùng sẽ bị bỏ rơi bên ngoài trong giờ học ngày Chủ nhật. Trong một trong các phòng trong tòa nhà này có treo bức ảnh dễ thương của cô bé nhỏ đã hiến tặng 57 xu cho nhà thờ, Hattie May Wiatt và vị mục sư đã có công gây dựng nên tất cả cơ sở Đại học đó, mục sư Rusell H. Conwell, tác giả của cuốn sách “Hàng hecta kim cương”.
 
 
 

Bài diễn văn của mục sư Rusell H. Conwell ngày khánh thành trường Đại học Temple năm 1912 , có thể đọc tại đâyhttp://library.temple.edu/collections/scrc/hattie

 

 



NGƯỜI ĂN MÀY

Một người ăn mày đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, cánh tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch này ra nhà sau đi”.
Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?”
Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải chỉ dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”
Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị, trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống 2 lượt. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.
Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ; chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô-la, người ăn mày cảm kích nói: “Cảm ơn bà” – “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình”.
Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy”.
Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường.

Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la”.
Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô-la hay do điều gì khác.

Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ: “Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”.
Người mẹ nói với con rằng: “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau”.
Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi mấy lượt.

Nhiều năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang như những người thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi: “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty”.
Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói: “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi”.
Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói: “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được” – “Tại sao?” – “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay”.
Người chủ tịch tuy đau lòng nhưng vẫn kiên trì: “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân, thế nào là Cách. Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi”.
Người phụ nữ nói: “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả !”.

MỘT NGÀY VỚI TUỔI TRĂM NĂM

Tác giả : Cao Đắc Vinh

Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông.

Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.

Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về.

Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là “Tiên giáng trần” theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: “Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo…” nhưng thực tế, Cụ vẫn là “người” nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh… của kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa… Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ… Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh “Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi “bách niên,” có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang… Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở “sofa”, cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.

Rượu mạnh Cognac, Whisky… hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay “seafood” cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ…

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó…” Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục “trà” nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra “patio” chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được…

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là “phở gà phao câu” hay “hủ tiú sa tế”. Ăn “steak” thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp “clam chowder” mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại “kinh dị” chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, “clam chowder” có “cream” mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % “fat” và cuối cùng là cái của quý “nhất phao câu nhì đầu cánh” vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà… Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành “em bé” dễ bảo. Do đó tôi thường dùng “chiêu” này để “dụ” Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

“Cơm hàng, cháo chợ” ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: “Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần…” Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì… càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái “đít” gà… có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng “Bisacodyl” không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa… Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn “ngon lành”, còn “gân”, độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: “Dạo này, yếu lắm không khỏe!”. Tuổi già đau nhức kinh niên, “ỉ ôi” mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.

Chuyện “lấy le” nhỏ như “con thỏ” ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear… Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, “complet” “cravate” đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp “ngầu” thuở xưa nữa là xong! Cứ “lê” một bước, Cụ lại đứng nhìn… Tôi cũng phải “lết” theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: “Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi…” nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: “Whats going on?”. Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ “nể cả” với nụ cười “ngoại giao” ròn tan, lịch sự líu lo “xổ” tiếng “Phú lang xa” và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng “Oui Monsieur”, “Bye Bye” đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực… Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu “lép vế” an tọa, chờ người đẩy.

“Bách niên” sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời “tuổi thơ”: giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời… chỉ vì cái tự cao “chủ nghĩa” lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ “trịch thượng” nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì? Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, “ăn hiếp” đến “tắt thở” rồi cuối cùng phải dùng đến “đòn phép” mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, “Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã…” nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến “ngón ngắn” vì “thiếu thốn” nên ưu tiên lưu ý đứa “ghét” Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như “ngón dài” đã “đầy đủ” thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ “ghét” cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân… Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức “mù mịt khói sương”…

– “Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy…” Nghe theo cái “GPS” “cảm tính” kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt… Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ “phán”:

– “Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?”.

Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:

– “Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp… à?”

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái “phải” nằm sẵn trong cái “trái”… Dù tuổi già “ba hoa”, Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ… lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện “hoang tưởng” vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để “stress” họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!

Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ… Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào! Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm “ca” đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: “Mấy giờ về… để tôi đợi?”. Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm…

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai… Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau “an phận” không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông… Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ…

Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn… đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi “bách niên” mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. “Sau này… sẽ nhớ mãi những giờ phút này!” Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói “nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản” đối với gia đình, xã hội… Đã là người thì “nhân vô thập toàn” sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản “đồng lần”… Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái “ta” chấp ngã… Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái “gen” khỏe mạnh “vượt thời gian và không gian”, lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc…

Suy ngẫm chân lý của người xưa: “Anh em kiến giả nhất phận” đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ… Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư” đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại… hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái… mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3…

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:

– “Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức… Bố tôi nếu còn sống mà ngồi “i..” ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào…”

– “Vâng… giữa sàn “nhà” tôi (!) và chỉ “một lần” thôi nên ông nói vậy!”. Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính “cao thượng” khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu “nói dễ làm khó” bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông “hành hạ” ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng…

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm”.

1.
– Chào Bố! Con mới “đi làm” về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?

– Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa… đi mất rồi!

– Bố ơi! Bố phải để chị ấy “đi làm” chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối… Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè…

– Thôi thôi… đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa… cả đám.

2.
– Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

– Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi…

– Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

– Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi… khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng… mới dễ tiêu.

– Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì “phở gà phao câu” được không?

– Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó… Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm…

– Lần trước Bố vừa khen, thế mà… lại chê rồi! Không sao… Bố muốn đi đâu mình đi đó.

3.
– Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ…

– Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay… mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?

– Mới tắm mà sao “khai” thế này? Bố không tắm thì mình không đi…

– Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như “con” kia…

– Con ở đây tắm cho Bố mà… Làm sao Bố tắm một mình được?

– Ông cẩn thận cái áo này của tôi… nó có tiền! Vô ý là hết cả… Sơn Tây.

– Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy… Không ai vào lấy… Thấy chưa? Yên tâm nhé!

– Không ai lấy! Hừ… Mất hết cả rồi mà ông còn nói… không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng… Chán quá!

4.
– Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

– Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ… No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ… lại còn đói à?

– Bây giờ cà phê nhá!

– Cà phê chứ còn gì nữa… Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

– Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

– “Uẩy”! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

– Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài “patio” uống cà phê hút thuốc. Ấy… Bố đi đâu vậy?

– Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi “gọi” cho ông chứ nếu không lại đói… chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số… May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.

– Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho…

5.
– Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi… cho khỏe.

– Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái… Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa… thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết…

– Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

– Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái… Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách… “Moa” bàn với “toa” chuyện quan trọng này nhớ! “Moa” cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi “moa” sẽ trả lại.

– “Toa” trả “moa” bằng cách nào?

– Mấy bữa nay, “moa” nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! “Moa” về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học… Thế nào cũng có nhiều “sìn”.

– Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

– Thế thì tôi về Hà Nội… lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

– Bố già lụ khụ… đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

– Già? Hừ… Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

6.
– Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

– Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại… Hừ… Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo… Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi… Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái… Đồ mất dậy!

– Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật…

– Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

– Thôi con đi làm nhớ!

– Vâng! Ông đi… Mấy giờ về?

– Con không về nữa vì Bố chửi con rồi…

– Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường… Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố “đi” mãi và tôi cũng mong Cụ quên “về” với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: “Bách tuế vị kỳ” mà…

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

Qua kinh nghiệm “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi “bách niên” để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này… khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài…

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu “Bách niên giai lão” mỗi khi xuân về nữa không?

Cao Đắc Vinh


.
THẦM LẶNG
Kim Khánh

Tháng 9 năm 1954 mẹ theo bố vào Nam. Trước đó bố hoạt động ngang dọc, sáng ngời lý tưởng, rồi ê chề thất vọng. Quyết định vào Nam là của bố, mẹ chỉ bế hai con và dắt cô em chồng 17 tuổi theo. Trong Nam, bố tưng bừng thi thố tài năng, tay phấn tay bút. Mẹ thầm lặng ở nhà nuôi dạy con và chăm chút em. Dân số con từ hai tăng thành tám. Tám con tám tính, có lúc hư lúc ngoan; mẹ theo từng bước, khen chê mắng mỏ. Cô em chồng tốt nghiệp đại học, chuẩn bị lên xe hoa, mẹ lo toan chuyện cưới hỏi. Bố vất vả bên ngoài, về nhà chỉ cần đảo mắt nhìn là thấy mọi sự tươm tất. Ra đường, các con được gọi là “con bố”, em là “em anh”, không ai biết có một nhân vật thầm lặng đã làm nên những con người ấy.

Vào những năm thăng tiến trong cả hai nghề dạy và viết, bố hay mời khách về nhà đãi đằng. Mẹ tiếp khách lịch thiệp, rồi rút về hậu trường trổ tài nấu nướng. Trước khi ra về các bác bao giờ cũng chào “bà chủ” trong tiếng cười hỉ hả “Cám ơn chị cho một bữa ngon quá.” Thỉnh thoảng có những vị khách nữ, khen thức ăn và khen cả ông chủ. Tôi còn nhớ có người còn nói rất chân tình với mẹ: “Chồng em mà được một phần của anh thì em chết cũng hả.” Hình như mẹ đón nhận lời nói ấy như một sự khen tặng cho chính mình.

Rồi chính sự miền Nam nóng bỏng; ngòi bút bố cũng nóng theo. Các bạn bố đến chơi chỉ bàn chuyện cộng sản và quốc gia. Mẹ không mấy quan tâm đến “chuyện các ông”, nhưng khi bố đi Mỹ du học, mẹ ở nhà điều hành việc bán sách thật tháo vát. Khoảng hai tuần một lần, mẹ đi xích lô đến trung tâm Saigon, rảo một vòng các tiệm sách để xem họ cần thêm sách nào. Sau đó mẹ cột sách thành từng chồng và “đáp” một chuyến xích lô khác để giao sách. Tôi hay mân mê những sợi giây được cột chắc nịch, suýt xoa: “Sao mẹ cột chặt hay thế””

Thế rồi chính sự miền Nam đến hồi kết thúc. Con người không chính trị của bố lại một lần nữa ê chề. Ngày công an đến bắt bố đi, mẹ con bàng hoàng nhìn nhau. Các con chưa đứa nào đến tuổi kiếm tiền. Mẹ xưa nay thầm lặng trong vai “nội tướng”, giờ miễn cưỡng ra quân. Tiền dành dụm của gia đình không đáng kể. Có tám miệng để nuôi, có bố nhục nhằn trong lao tù đợi tiếp tế. Mẹ vụng về tìm kế sinh nhai. Thoạt tiên mẹ nấu khoai mì trộn với dừa và vừng, rồi để vào rổ cùng với một ít lá gói. Tôi băn khoăn hỏi:

“ Mẹ nghĩ có bán được không””
“Mẹ không biết, cứ mang ra chỗ trường học xem sao.”

Nhìn dáng mẹ lom khom ôm rổ, đầu đội xụp cái nón lá, tôi thương mẹ khôn tả. Chỉ nửa tiếng sau tôi đã thấy mẹ trở về. Rổ khoai mì vẫn còn nguyên, mẹ ngượng ngập giải thích:
“Hình như hôm nay lễ gì đó, học trò nghỉ con ạ.”

Rồi mẹ lại xoay sang nghề bán thuốc lá. Mẹ mua lại của ai đó một thùng đựng thuốc lá để bầy bán. Mẹ nghe ai mách bảo, chọn một địa điểm khá xa nhà rồi lụi hụi dọn hàng vô, dọn hàng ra mỗi ngày. Nghề này kéo dài được vài tháng. Mẹ kể cũng có một số khách quen, nhưng toàn mua thuốc lá lẻ. Hôm nào có khách “xộp” mua nguyên bao thì mẹ về khoe ngay. Cũng may thuốc lá không thiu nên khi “giải nghệ” mẹ chỉ lỗ cái thùng bầy hàng.

Mẹ rút về “bản dinh” là căn nhà ở cuối hẻm, tiếp tục nhìn quanh, tìm một lối thoát. Hàng xóm chung quanh phần lớn là những người lao động. Họ như những đàn kiến chăm chỉ cần cù, 4 giờ sáng đã lục đục, người chuẩn bị hàng họ ra chợ, kẻ kéo xe ba bánh hoặc xích lô ra tìm khách. Suốt mười mấy năm qua họ nhìn gia đình chúng tôi, gia đình “ông giáo”, như từ một thế giới khác, kính trọng nhưng xa cách. Nay “ông giáo” đi tù, “bà giáo” hay xuất hiện ngoài ngõ, có lẽ họ cảm thấy gần gủi hơn. Một hôm, chị bán sương xâm ở đối diện nhà qua hỏi thăm “ông giáo”. Thấy cái máy giặt vẫn còn chạy được, chị trầm trồ: “Giặt máy tiện quá bác há!”, rồi nảy ý “Tụi con ngày nào cũng có cả núi quần áo dơ. Bác bỏ máy giặt dùm, tụi con trả tiền. Bác chịu không”” Lời đề nghị thẳng thừng, không rào đón. Mẹ xăng xái nhận lời. Kể từ đó, mổi tuần khoảng hai lần, mẹ nhận một thau quần áo cáu bẩn, bốc đủ loại mùi khai, tanh, nồng. Mẹ đích thân xả qua một nước, rồi múc nước từ hồ chứa vào máy giặt, bỏ xà bông và bắt đầu cho chạy máy. Cái máy cổ lỗ sĩ, chạy ì ạch nhưng nhờ nó mà mẹ kí cóp được chút tiền chợ.

Ít lâu sau, cũng chị hàng xóm đó lại sáng thêm một ý nữa:

“Con bé nhà con nay biết bò rồi, con không dám thả nữa. Bác nhận không, con gửi nó mỗi ngày từ sáng tới chiều. Con trả tiền bác.”

Thế là sự nghiệp nhà trẻ của mẹ bắt đầu. Mẹ dọn căn gác gỗ cho quang, có chỗ treo võng, có cửa ngăn ở đầu cầu thang. Cả ngày mẹ loay hoay bận bịu pha sữa, đút ăn, lau chùi những bãi nước đái. Được ít lâu, chị bán trái cây ở cuối hẻm chạy qua nhà tôi, nói:

“Bác coi thêm con Đào nhà con nha. Con mang cái võng qua mắc cạnh cái võng của của con Thủy.”
Hai võng đong đưa một lúc, cháo sữa đút liền tay hơn, căn gác bừa bộn hơn. Sau đó lại thêm một thằng cu nữa. Mẹ tay năm tay mười, làm việc thoăn thoắt. Cũng công việc quen thuộc ấy, ngày xưa làm cho con, nay làm kế sinh nhai, nuôi đủ tám con với một chồng. Mẹ không còn thầm lặng nữa. Mẹ lớn tiếng điều khiển tám quân sĩ, cần roi có roi, cần lời ngọt có lời ngọt. Riêng chúng tôi vẫn nhớ ơn những người lao động đã giúp chúng tôi sinh sống những ngày khốn khó đó.

Nhưng sau những giờ ban ngày ồn ào náo động là những đêm tối trầm ngâm lo lắng. Nỗi bận tâm không rời của mẹ là chuyện thăm nuôi bố. Mỗi ngày mẹ nghĩ ra một món, làm dần vào buổi tối, nay muối vừng, mai mắm ruốc, mốt bánh mì khô. Mẹ để sẵn một giỏ lớn trong góc bếp và chất dần đồ thăm nuôi trong đó. Khi giỏ đầy là ngày thăm nuôi sắp tới. Thuở ấy bố bị giam ở núi đồi Pleiku, muốn lên đến đó phải mất hai ngày đường và nhiều giờ chầu chực xe đò. Mỗi lần thăm nuôi, hoặc mẹ, hoặc một đứa con được chỉ định đi. Con trưởng nữ hay được đi nhất vì nó tháo vát và nhanh trí, thằng thứ nam cũng đươc nhiều lần “tín nhiệm”; mẹ nói nó nhỏ tuổi nhưng đạo mạo, đỡ đần mẹ được. Con thằng trưởng nam đúng tuổi đi “bộ đội”, mẹ ra lệnh ở nhà. Có lần mẹ đi về, mặt thất thần. Các con hỏi chuyện thì mẹ chỉ buông hai chữ “biệt giam”. Biệt giam thì bị trừng phạt không được thăm nuôi. Tôi thảng thốt hỏi:

“Đồ thăm nuôi đâu hết rồi mẹ””
“Mẹ phải năn nỉ. Cuối cùng họ hứa chuyển đồ ăn cho bố.”
“Mẹ nghĩ họ sẽ chuyển không”
“Họ hẳn sẽ ăn bớt, nhưng nếu mẹ mang về thì phần bố đói còn chắc chắn hơn nữa.”

Mẹ ngày nào thầm lặng, nay thực tế và quyết đoán như thế.

Ngày bố được thả đợt 1, nhà trẻ của “bà giáo” vẫn còn hoạt động. Mẹ hướng dẫn bố đu võng khi các bé ngủ. Mẹ cũng dặn bố thường xuyên lau chùi gác và bỏ giặt tã dơ. Bố một mực nghe lời. Tưởng như cờ đã chuyền sang mẹ một cách êm thắm…

Tuy nhiên, mẹ không thể ngăn được bố lân la cầm lại cây bút. Thời gian này là lúc họ hàng ngoài Bắc vào chơi nhiều. Bên ngoại có cậu tôi làm đến chức thứ trưởng; cậu kể rằng lúc còn sống, ông ngoại (một nhà thơ cách mạng) phiền lòng vì sự nghiệp văn chương của thằng con rể. Bên nội có chú tôi – một nhạc sĩ cách mạng- chú biết ngòi bút đang thôi thúc bố và đã từng rít lên giữa hai hàm răng:

“Trời ạ! Đã chửi vào mặt người ta, không xin lỗi thì chớ lại cón nhổ thêm một bãi nước bọt! Lần này mà vào tù nữa thì mọt gông.” .

Mấy mẹ con chết lặng trước viễn tượng “mọt gông”. Bố không màng đến điều này, vẫn miệt mài gõ máy đánh chữ. Đêm khuya thanh vắng tiếng gõ càng vang mồn một. Vài lần mẹ can ngăn, có lần mẹ giận dữ buộc tội:

“Ông chỉ biết lý tưởng của mình, không biết thương vợ con.”

Vài tuần sau, chị hàng xóm đối diện nhà chạy sang xì xào với mẹ:
“Công an đặt người ở bên nhà con đó bác, họ theo dõi bác trai.”

Mẹ lại thử can thiệp, nhưng đã quá trễ. Bố bị bắt lần thứ hai năm 1984. Lần thứ hai bị bắt, bố bình tĩnh đợi công an lục lọi tung nhà. Trước khi bắt đi, họ chụp hình bố với nhiều tang chứng chung quanh. Trong hình bố ngẩng cao đầu trông rất ngạo nghễ. Nhiều năm sau, bố vẫn còn được nhắc tới với hình ảnh này. Không ai biết đến người đàn bà thầm lặng bị bỏ lại đằng sau. Sau biến cố thứ hai này, mẹ phải đối phó thêm với nhiều khó khăn loại khác, điển hình là những giấy gọi gia đình ra dự phiền tòa xử bố. Gọi rồi hoãn, rồi lại gọi lại hoãn. Mỗi lần như vậy cả nhà lại bấn loại tâm trí, lo cho mạng sống của bố. Riêng mẹ thì vừa lo vừa soạn thêm một số thức ăn thăm nuôi. Mẹ thực tế là thế đó.

Sau khi bố bị gọi án 10 năm tù, cuộc sống của mẹ không còn những bất ngờ khủng khiếp, chỉ còn những đen tối và tù túng đều đặn. Tưởng là dễ chịu hơn, nhưng thực ra nó gậm nhấm tâm thức, tích lũy buồn bực chỉ đợi cơ hội bùng nổ. Hết ngày này qua tháng nọ mẹ lầm lũi chuẩn bị đồ thăm nuôi, từng món ăn thức uống, từng vật dụng hằng ngày. Các con lần lượt trưởng thành, đứa nào cũng có bạn bè và những sinh hoạt riêng.

Chuyện thăm nuôi bố và lòng thương bố quan trọng lắm, những cũng chỉ là một phần trong những cái quan trọng khác trong đời. Chỉ đối với mẹ, những thứ ấy mới là tất cả, độc tôn choán ngập tâm hồn mẹ. Mẹ hẳn có những lúc thấy tức tưởi và cô đơn mà các con nào hay biết. Có vài lần chúng tôi lỡ một lời nói hoặc cử chỉ không vừa ý mẹ, me òa khóc tu tu, lớn tiếng kể lể, tuôn trào như một giòng lũ không ngăn được. Lúc ấy chúng tôi mới choàng tỉnh.

Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam. Mẹ bận bịu với cháu nội, nhưng không quên nhắc ông nội đi tắm và bao giờ cũng nặn kem đánh răng vào bàn chải cho ông mỗi tối. Thỉnh thoảng giao tiếp với họ hàng và bạn bè, mẹ lại phải đỡ lời cho bố, khi bố cứ mỉm cười mà không nói năng chi. Thư viết về cho con cháu ở VIệt Nam, ai cũng nói mẹ viết hay hơn ông nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Lúc đó chắc mẹ tự nhủ thầm rằng: “bởi vì mẹ là con của ông Tú Mỡ mà!”

Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa. Nhưng mẹ vẫn đưa mắt nhìn bố mỗi lần bố ra vào trong phòng. Hôm nào bố vắng nhà vài ngày thì mẹ nhìn con trai, mắt dò hỏi lo lắng. Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.

Kim Khánh


NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT

 

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA

 

Chuyển ngữ Pháp Việt: Thiền-sư 8 chùa.

 

LỜI KHUYÊN 

NGƯỜI HAY NÓNG GIẬN

Khi rơi vào sự kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi mới đến gần để hút máu ta mà thôi! Ta ăn không ngon, ngủ không yên, có thể bị lở loét dạ dày, và nếu như tình trạng này kéo dài thì nhất định là những năm tháng còn lại của cuộc đời ta sẽ bị thu ngắn.

Như thế có hay ho gì đâu? Nếu ta buông thả cho cơn giận tung hoành thỏa thích thì ta cũng không thể thanh toán hết đám kẻ thù của ta được. Bạn đã thấy có ai thành công trong việc triệt hạ hết kẻ thù của mình chưa? Khi vẫn còn dung dưỡng trong ta kẻ thù nội tâm, tức là sự giận dữ hay oán thù, thì dù cho hôm nay ta có đánh tan hết mọi kẻ thù đi nữa, ngày mai lại sẽ có những kẻ thù mới xuất hiện.

Kẻ thù đích thực của ta là các thứ nọc độc trong tâm thức: vô minh, hận thù, tham vọng, ganh tị và kiêu ngạo. Đó là những kẻ thù duy nhất có thể phá hoại hạnh phúc của ta. Chỉ riêng giận dữ và hận thù cũng đủ là nguyên nhân gây ra vô số bất hạnh trong thế gian này, từ cảnh cãi vã trong gia đình cho đến những cuộc xung đột ở cấp độ lớn lao hơn. Nó sẽ biến bất cứ một bối cảnh thú vị nào thành một tình trạng ngột ngạt. Không có một tôn giáo nào lại ca tụng phẩm hạnh của những thứ đó. Trái lại mọi tôn giáo đều nhấn mạnh đến vai trò của tình thương và lòng nhân từ. Chỉ cần đọc những cảnh mô tả về thiên đường thì sẽ thấy người ta toàn nói đến cái an bình, đẹp đẽ, hoặc mô tả những ngôi vườn kỳ thú đầy hoa, và theo tôi biết thì không hề thấy nói đến xung đột hay chiến tranh trong cái khung cảnh đó. Người ta chẳng bao giờ gán cho sự giận dữ một đức tính nào cả.

Vậy phải xử trí như thế nào đối với sự giận dữ? Theo một số người thì giận dữ không phải là một khiếm khuyết. Những ai không quen quan sát tâm thức thì có thể cho nó là một thành phần thuộc bản chất của tâm thức, vì thế họ chủ trương không nên kiềm chế mà trái lại cứ để cho nó bộc lộ ra ngoài. Nếu quả thực là như thế thì sự dốt nát và mù chữ cũng phải được xem là thuộc vào thành phần của tâm thức vì khi vừa chào đời ta chưa hề biết được điều gì cả. Đối với những thứ ấy, tức là dốt nát và mù chữ, thì người ta tìm đủ mọi phương cách để loại trừ, chẳng những không thấy ai chống đối việc này mà cũng không thấy ai chủ trương nên duy trì chúng. Như vậy thì tại sao ta không hành động tương tợ đối với giận dữ và hận thù vì chúng còn tàn phá khủng khiếp hơn dốt nát và mù chữ nhiều? Điều ấy cho chúng ta thấy là cũng nên thử tìm cách loại trừ giận dữ và hận thù xem sao.

Muốn học hành thì ta phải bỏ ra rất nhiều thì giờ và dù cố gắng mấy đi nữa thì cũng không thể nào học hết được, tuy nhiên nếu bớt dốt nát được phần nào thì tốt phần nấy. Đối với giận dữ cũng thế, ta không thể nào loại trừ nó một cách vĩnh viễn được nhưng nếu thành công được phần nào đó thì cũng đủ và cũng đáng nên làm (1). Tuy nhiên, dù sao bạn cũng có thể bảo rằng chuyện ấy là chuyện riêng của tôi, chẳng ăn nhập gì với bạn cả! (Ngài bật cười to).

Các nhà tâm lý học có thể khuyên bạn không nên đè nén những cảm tính như sự giận dữ mà phải để cho nó biểu lộ ra ngoài. May thay là họ cũng không khuyến khích bạn tìm kiếm sự giận dữ và phát huy nó. Hãy tập tìm hiểu những khuyết điểm của giận dữ và ngay cả trường hợp bạn xem nó như là thành phần của tâm thức mình đi nữa, thì bạn cũng không thể không công nhận rằng cách tốt nhất là tìm cách vượt thoát khỏi sự kiềm toả của nó.

Hãy cố hết sức để tránh những hoàn cảnh có thể khích động những phản ứng hung bạo. Nếu chẳng may nó vụt đến thì chớ nên để cho nó khích động ta. Nếu gặp một người có cái bản tính tự nhiên khiến ta bực mình, thì ta hãy cố gắng đừng để ý đến cái điểm đáng ghét đó và hãy nhìn người ấy dưới một góc cạnh khác.

Đối với người mà ta xem là kẻ thù thì lúc mới sinh ra đời, người ấy nào có oán thù gì với ta đâu. Họ chỉ trở thành thù địch sau khi một số tư duy và thái độ nào đó phát sinh nơi họ. Và cũng từ lúc đó ta mới bắt đầu dán lên trán họ một cái nhãn gọi là « kẻ thù ». Nếu như thái độ của một kẻ thù bỗng nhiên «thay đổi toàn bộ», thì hắn lại trở thành người «bạn» của ta. Cùng một con người, nhưng hôm trước là «kẻ thù» và hôm sau lại là một «người bạn». Thật hết sức phi lý!

Vì vậy chúng ta hãy nên phân biệt thật rõ rệt một cá nhân nào đó và thái độ nhất thời của người ấy. Đừng phản ứng chống lại một con người nào cả, chỉ nên chống lại một xúc cảm hay một thái độ mà thôi. Hãy loại bỏ ngay ý định làm hại một cá nhân con người. Hãy giúp cá nhân ấy cải thiện và mang đến cho người ấy tất cả những gì an vui và tốt đẹp mà ta có thể làm được. Chỉ cần giúp cho hành vi của người ấy thay đổi và bộc lộ tình thương yêu của ta đối với người ấy, thì ta sẽ có nhiều cơ may hơn để thấy chấm dứt nhanh chóng cách cư xử thù địch của người này với ta. Biết đâu người ấy còn có thể trở thành một người bạn của ta nữa.

Nếu ta không thể dung thứ khổ đau mà người khác gây ra cho riêng ta hay cho người khác thì cứ tha hồ chống lại những hành vi ấy. Tuy nhiên đừng nên căm thù chủ nhân của những hành vi ấy và cũng đừng để bị rơi vào thái độ chống lại người ấy, hoặc tìm cách để trả thù người ấy. Nếu phản ứng của ta không phải là một sự trả thù thì khi ấy một sự giận dữ cũng sẽ không đưa đến một sự giận dữ khác. Như thế mới gọi là sự nhẫn nhục đúng nghĩa của nó. Thật hết sức khó để chọn một hành động chín chắn khi cơn giận đang bùng nổ. Hãy quên cái cơn giận ấy đi.

Gần đây trong thời gian ở Jérusalem, tôi có tham dự một buổi thảo luận giữa các sinh viên người Do thái và Palestin. Khi buổi hội thảo chấm dứt, một thanh niên Palestin đứng lên ngỏ lời bày tỏ cảm tưởng rằng từ đây mọi sự sẽ tốt đẹp, thế nhưng khi kéo nhau ra đường thì mọi việc lại đổi khác. Khi cảnh sát Do thái bắt những thanh niên Palestin thì họ sẽ điên tiết lên và xem mọi người Do thái như là kẻ thù. Vậy thì cần tự hỏi bây giờ phải làm sao đây ? Họ cũng đã bàn thảo vấn đề này với nhau trong buổi họp và có một ý kiến được nêu lên là hãy nhìn nhau như «hình ảnh của Thượng đế». Một sinh viên đứng lên tuyên bố: «Mỗi khi đứng trước một người gây ra sai trái cho ta, bất cứ người ấy là ai, thì hãy nhìn người ấy như là hình ảnh của Thượng đế và sự giận dữ sẽ tan biến». Ý kiến ấy có đúng không? Riêng phần tôi , thì tôi nghĩ rằng ý kiến ấy thật tuyệt vời.

Nếu chúng ta có đủ đức tin giống như họ đối với một tôn giáo nào đó và ta đem áp dụng phương pháp ấy theo cách của ta thì tự nhiên sự giận dữ cũng sẽ giảm xuống. Có một người viết thư cho tôi kể chuyện là mỗi khi ngồi thiền thì hình ảnh của Đạt-Lai Lạt-Ma lại hiện ra trong tâm thức và mang lại thật nhiều an vui trong lòng người ấy. Vậy thì từ nay đây, nếu người viết thư cho tôi chẳng may có nổi giận thì cứ nghĩ đến tôi, biết đâu cơn giận sẽ tan biến ngay. Tôi cũng không biết là một tấm ảnh của tôi có đủ sức làm hạ bớt một cơn giận hay không? (Ngài cười). Dầu sao thì tôi cũng nghĩ là khi cơn giận bất thần bùng nổ, thay vì tập trung sự giận dữ vào đối tượng đã làm cho ta nóng giận, thì ta hãy nên nghĩ đến một người hay một vật nào đó mà ta yêu quý, tâm thức ta sẽ lắng xuống hay ít ra cũng vơi được một phần nào. Hãy nghĩ đến một người đàn ông hay một người đàn bà mà ta si tình chẳng hạn (2). Khi đó tâm thức ta sẽ bị xao lãng ngay bởi vì người ta thường nói rằng «hai ý nghĩ không thể nào xuất hiện cùng một lúc được». Tâm thức ta sẽ tự động hướng về hình ảnh mới, miễn là hình ảnh đó phải thật mạnh – mạnh hơn cái hình ảnh mà ta vừa mới có trước khi nó biến mất. Tuy thế nó chỉ tạm thời biến mất mà thôi và do đó ta phải thật cảnh giác đừng cho nó trở lại. Hãy ghi nhớ trong tâm những hậu quả khốc hại của nó.

Tôi vẫn thường nói rằng nếu để cho cơn giận thắng thế thì chẳng những ta không thể chứng tỏ cho thấy là kẻ thù của ta làm điều sai trái, nhưng ngược lại ta còn làm hại đến bản thân ta. Khi đánh mất sự an bình của nội tâm, ta sẽ chẳng còn giữ được một khả năng nào để làm bất cứ một thứ gì gọi là đúng đắn. Dạ dày ta không tiêu hoá được thức ăn, đêm về không ngủ được, ta xô đuổi những kẻ đến thăm, phóng những cái nhìn điên tiết vào mặt những ai làm vướng lối đi của ta. Nếu có nuôi một con vật làm bạn thì rất có thể ta cũng quên không cho nó ăn. Ta tạo ra cho những người chung quanh một bầu không khí ngột ngạt không sao sống nổi và xô đuổi cả những người bạn thân thiết nhất của ta. Chung quanh ta, những người có lòng từ bi ngày càng hiếm hoi để rồi ta càng cảm thấy lẻ loi.

Về phần người mà ta cho là kẻ thù thì biết đâu hắn đang ngồi thản nhiên trong nhà. Nếu như một hôm có người hàng xóm kể cho hắn nghe những gì mà họ được nghe thấy thì biết đâu hắn sẽ rất thích chí. Nếu như hắn được nghe kể rằng:«Anh chàng ấy thật vô cùng khổ sở, ngày ăn không ngon, mặt mày phờ phạc, đầu tóc bù xù, tối ngủ không yên, phải uống thuốc an thần, không có ai đến thăm và ngay cả con chó anh chàng ấy nuôi cũng không dám đến gần mà cứ chu mõm sủa», thì chắn chắn là hắn ta sẽ vui thích lắm. Và nếu như hắn biết thêm là người ta sắp đưa anh chàng ấy vào bệnh viện thì lúc đó thật quả là trọn vẹn!

Nóng giận chẳng có một ý nghĩa gì cả. Nếu thật sự mục đích của ta là trừng phạt kẻ thù thì tốt hơn hết là hãy nên giữ bình tĩnh để tưởng tượng ra cảnh khổ mà ta sẽ đem ra để trừng phạt hắn. (Ngài bật cười to).

Ghi chú :

1- Sự giận dữ phần lớn bắt nguồn từ những xung năng sẵn có trong tâm thức, tức là liên hệ đến những vết hằn của nghiệp. Chính vì thế mà rất khó để loại trừ hoàn toàn tất cả các vết hằn của nghiệp bởi vì các vết hằn ấy đã «chồng chất» rất nhiều và «in đậm» trên «dòng tiếp nối liên tục» của tri thức. 

2- Si tình càng nhiều thì hình ảnh càng mạnh. 

 

 

 

***********

 

 


ĐA THỌ ĐA KHỔ
(Hoàng Hải Thủy)

Người Tầu có thành ngữ “Ða thọ đa nhục”: Người sống lâu bị nhục nhiều. Ông cha tôi – các ông Việt ngày xưa – hay dùng thành ngữ “Ða thọ đa nhục”.

Tôi không cho là người già bị nhục. Tôi thấy người ta càng nhiều tuổi càng khổ. Khổ vì không còn hưởng thụ gì được sự đời mà phải chịu những bệnh tật do già yếu sinh ra: Người già không tự lo được cho thân mình, mắt mờ, tai điếc, trí nhớ mất, sống nhờ người khác. Người già vua chúa hay cùng đinh, tỷ phú hay anh nghèo rớt một xu dính túi không có, kẻ quyền uy chấn động thế giới một thời hiển hách, hay anh phó thường dân cả đời cơm nhà, quà vợ, khi tuổi già đến đều có những nỗi khổ như nhau.

Người ta qua 60 tuổi được kể là già. Ở Việt Nam những năm 1940 – 1950 người 50 tuổi được gọi là cụ. Khổng Tử chỉ nói về Người đến tuổi 70: “Thất thập nhi tùy tâm sở dục”. Tôi nghĩ ông muốn nói: “Người bẩy mươi tuổi muốn làm gì thì làm”. Nhưng người bẩy mươi tuổi còn làm gì được nữa. Người bẩy mươi cả Bốn Tứ Khoái đều không hưởng được, không làm được.

Năm nay – 2013 – tôi tám mươi tuổi. Một ngày đầu Xuân Kỳ Hoa Ðất Trích 2013, tôi viết bài này. Năm 2000, khi chia tay nhau lúc nửa đêm ở trước một Nhà Dành Cho Người Già Thu Nhập Thấp – Housing for Old Seniors Low Income – ở San Jose, ông bạn già của tôi nói: “Ðọc những bài viết của toa để nhớ, để thương Sài Gòn của chúng ta”. Ông cầm tay tôi: “Viết. Viết nữa. Viết đến năm toa tám mươi. Viết cho bọn moa đọc”. Ðêm mùa đông San Jose lạnh giá bao quanh chúng tôi khi chúng tôi từ biệt nhau, chúng tôi bắt tay nhau lần cuối.

Năm 2000 tôi 68 tuổi. Ông bạn HO già hơn tôi năm, sáu tuổi, tôi không biết hôm nay ông còn ở cõi đời này hay không. Thời gian và không gian làm chúng tôi không biết nhau sống chết ra sao. Tám mươi tuổi tôi vẫn viết. Tôi không còn viết phóng tác truyện dài. Tôi viết những bài như bài này.

Thời gian Sống, Yêu và Viết của tôi không còn bao lâu nữa, nên với nỗi Buồn vì phải xa mãi những người tôi yêu thương, hôm nay tôi viết những dòng chữ này.

o O o

Tôi bị ám ảnh bởi cái Chết, tôi ghét Chết, tôi sợ Chết, tôi không muốn Chết. Không phải bây giờ trong tuổi già, tuổi gần đất, xa trời, tôi mới sợ Chết, tôi sợ Chết từ những năm tôi năm, sáu tuổi, khi tôi bắt đầu biết suy nghĩ.

Nhà tôi ở cuối thị xã Hà Ðông, nhà có lầu, tiếng Bắc là nhà gác, nhà hai tầng. Trên gác nhìn ra tôi thấy cánh đồng với những nấm mồ rải rác trong những ô ruộng, ở gác sau nhìn ra tôi thấy Nhà Thương Hà Ðông và bãi tha ma ở cuối Nhà Thương. Những đêm mưa tôi thấy những chấm lửa lập lòe trong bãi tha ma. Về sau tôi biết đó là những ánh đèn của những người đi soi bắt ếch. Những năm xưa ấy tôi tưởng đó là những đốm lửa ma trơi.

Năm tôi năm, sáu tuổi, mẹ tôi 27, 28 tuổi. Tôi sợ mẹ tôi chết, người ta đem mẹ tôi ra chôn ở ngoài đồng. Mẹ tôi phải nằm một mình giữa cánh đồng vắng, lạnh, cô đơn, nơi mẹ tôi nằm ngập nước, đêm đông, mưa phùn, gió bấc, mẹ tôi khổ biết chừng nào. Ðó là nguyên nhân thứ nhất làm tôi ghét Chết, tôi sợ Chết.

Mời bạn đọc một chuyện Sống, Yêu và Chết tôi thấy trên Internet.
* Trong phiên xử ở Tòa Án Phoenix, Arizona, bị cáo là Ông George Sanders, 86 tuổi, bị xử vì tội giết vợ. Tất cả mọi người có mặt tại tòa, từ công tố viên đến chánh án, kể cả con cháu của kẻ bị cáo, đều thấy bị cáo phạm tội giết người, nhưng tất cả đều cho rằng đây là trường hợp pháp luật nên thông cảm, thương hại, tha thứ hơn là trừng phạt kẻ có tội. Anh cháu của bị cáo George Sanderss nói trước tòa:
– Ông tôi sống để thương yêu bà tôi. Suối đời ông tôi làm mọi việc để bà tôi có hạnh phúc. Mối tình của ông bà tôi là mối tình lớn. Tôi tin ông tôi bị bắt buộc phải làm việc ấy vì yêu thương bà tôi, bà tôi chịu đau quá nhiều rồi, ông tôi không thể để bà tôi chịu đau nhiều hơn nữa.

Ông Sanders bị bắt Tháng Bẩy năm 2012 sau khi ông nói với cảnh sát bà Virginia, vợ ông, 81 tuổi, xin ông làm bà chết. Vì ông Sanders nhận tội nên tòa án không dùng đến đoàn bồi thẩm, nhưng ông vẫn có thể bị kết án đến 12 năm tù.

Bà Virginia bị bệnh nan y năm 1969, bà liệt bại, bà phải ngồi xe lăn. Năm 1970, ông bà sang sống ở Arizona vì khí hậu ở đây ấm nóng. Ông Sanders là Cựu Chiến Binh Thế Chiến II. Ông là người nuôi và săn sóc bà vợ. Ông nấu ăn cho bà, làm mọi việc trong nhà. Mỗi sáng ông giúp bà trang điểm, mỗi tháng ông đưa bà tới Nhà Thẩm Mỹ để bà làm tóc, làm móng tay.

Năm tháng qua, sức khoẻ của ông Sanders suy mòn. Ông phải đặt máy trợ tim, ông không còn săn sóc chu đáo được bà. Rồi bà Virginia bị ung thư phá ra ở chân, bà phải vào một Nursing home để người ta lo cho bà sống qua những ngày tàn cuối đời. Ông Sanders nói với những viên chức điều tra:

– Ðây là giọt nước làm tràn ly nước. Virginia nhất quyết không chịu vào Nursing home. Vợ tôi tự cắt những ngón chân bị ung thối.
Ông nói :
– Vợ tôi xin tôi cho bà ấy chết. Tôi nói tôi không thể.
Vợ tôi nói :
– Anh làm được mà. Em biết anh làm được.
Sanders cầm khẩu súng lục, ông lấy khăn bông quấn ngoài khẩu súng, nhưng ông không sao bóp cò súng được. Ông kể :
– Vợ tôi nói : Bắn đi anh. Cho em đươc chết.
Tôi nói lời cuối với vợ tôi:
– Em sẽ không cảm thấy đau.
Và :
– Anh yêu em. Vĩnh biệt em. Tôi nổ súng.

Trước toà, người con trai của ông Sandsers nói:
– Tôi muốn quí toà biết rằng tôi yêu thương mẹ tôi, tôi cũng yêu thương bố tôi như thế.
Steve Sandes, anh con, nghẹn ngào kể:
– Bố tôi yêu thương mẹ tôi trong 62 năm. Những đau đớn thể xác và việc chịu đau vô ích đã làm bố mẹ tôi đi đến quyết định ấy. Tôi không kết tội bố tôi. Với tôi bố tôi là người tôi cảm phục nhất.
Ông già George Sanders chỉ nói trong khoảng một phút, giọng ông run run:
– Tôi gặp Viginia năm nàng 15 tuổi, tôi yêu nàng từ năm nàng 15 tuổi. Tôi yêu nàng khi nàng 81 tuổi. Có nàng làm vợ là một ân phúc Thiên Chuá ban cho tôi. Tôi sung sướng được chăm sóc nàng. Tôi làm theo ý muốn của nàng. Tôi xin lỗi các vị vì vợ chồng tôi mà các vị phải bận lòng.

Ông Công tố đề nghị ông Chánh án không phạt tù giam George Sanders, ông nói tòa nên xử án treo. Ông Chánh án John Disworth nói ông đặt nặng tình nhân đạo trong vụ án này. Ông nói:
– Bị cáo phạm tội giết người, nhưng được tòa giảm nhẹ mức án.
Ông tuyên phạt ông già George Sanders 2 năm tù treo. Tù treo không bị cảnh sát kiểm soát.

o O o

Chuyện ông bà Sanders làm tôi suy nghĩ lan man. Tôi nhớ chuyện Cái Bát Gỗ tôi đọc những năm tôi 10 tuổi. Anh con thấy ông bố già run tay, khi ăn hay đánh rơi bát cơm, bát vỡ. Anh làm cái bát bằng gỗ cho ông già ăn cơm. Ông có làm rơi bát, bát gỗ không bị vỡ. Một hôm anh thấy thằng con nhỏ của anh hí hoáy đục đẽo một cục gỗ, anh hỏi nó đục gỗ làm gì, con anh nói: “Con làm cái bát gỗ, để khi bố già, con cho bố ăn cơm”.

Chuyện – dường như – ở trong sách Quốc Văn Ðộc Bản – đã 70 năm tôi không quên nó – nó đây là chuyện Cái Bát Gỗ – nhưng chẳng có dịp nào tôi nhớ nó. Hôm nay tôi nhớ nó. Từ sau năm 1975 ở Hoa Kỳ Nhà Xuất Bản Xuân Thu in lại tất cả những sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư. Nhưng sách Quốc Văn Ðộc Bản – sách có nhiều bài thật hay – thì không thấy in lại. Tôi không biết tại sao Quốc Văn Ðộc Bản không được in lại ở Hoa Kỳ. Tôi đã đọc lại tất cả những sách Giáo Khoa Thư được in lại ở Hoa Kỳ, tôi muốn đọc lại những bài trong Quốc Văn Ðộc Bản.

Tôi nhớ lâu rồi, từ những năm 1950 khi tôi chưa gặp Tình Yêu Vợ Chồng, tôi đọc trên trang sách nào đó lời một ông Tầu viết:
– Vợ chồng như hai con chim tình cờ cùng đậu trên một cành cây. Ðến lúc phải bay đi, mỗi con bay đi một phiá.
Năm xưa còn trẻ, tôi muốn phản đối lời diễn tả trên. Ông Tầu muốn nói vợ chồng là chuyện ngẫu nhiên, chẳng có tình nghĩa gì giữa vợ và chồng. Hôm nay tôi mới dịp viết ra lời phản đối.

Ông bác sĩ điều trị cho vợ chồng tôi mỗi tuần một ngày vào chẩn bệnh cho những ông bà già trong một Housing for Old Seniors – Housing này có nhiều ông bà già Mỹ trắng – ông nói:
– Có những cặp vợ chồng về già không nhìn được mặt nhau”.
Lời kể của ông làm tôi buồn. Vợ chồng sống với nhau đến già, ở chung một nhà già – mỗi người một phòng – sắp ra nghĩa địa, sắp vào hũ sành mà thù hận nhau đến không nhìn mặt nhau? Thù hận gì dữ dội đến thế? Những người ấy thật khổ.
Bát đại khổ não ghi Tám Nỗi Khổ Lớn của con người:

– Sinh, Lão, Bệnh, Tử: 4 Khổ ai cũng phải chịu.
– Muốn có mà không có: Khổ 5
– Có mà không giữ được: Khổ 6.
– Yêu nhau mà không được cùng sống: Khổ 7.
– Ghét nhau mà phải sống gần nhau: Khổ 8.

Có người chỉ phải chịu có 7 Khổ. Ðó là những người không yêu ai cả.
Nhiều người Việt phải chịu cả 8 Khổ. Ðó những người thù ghét bọn Việt Cộng mà cứ phải sống với bọn Việt Cộng.

o O o

Mùa thu mây trắng xây thành,
Tình Em mây ấy có xanh da trời.
Hoa lòng Em có về tươi,
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh?

Tôi làm bài thơ trên Tháng Bẩy năm 1954 ở Vũng Tầu, ngày chúng tôi yêu nhau. Cuộc Tình của chúng tôi đã dài trong 60 năm. Cuộc Tình Vợ Chồng. Trong cuộc đời Tám Khổ này, nàng và tôi chỉ phải chịu có Bẩy Khổ. Năm 1979 nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, nhớ Nàng, tôi làm bài thơ:

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
Hai mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
Từ xanh đến bạc mái đầu,
Tình ta nước biển một mầu như xưa.
Yêu bao giờ, đến bao giờ,
Thời gian nào rộng cho vừa Tình ta.
Hoa lòng Em vẫn tươi hoa,
Môi Em thắm đến Em già chưa phai.
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai,
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe Em.
Mặt trời có lặn về đêm,
Sớm mai Em dậy bên thềm lại soi.
Cuộc đời có khóc, có cười,
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay.
Thu về trời lại xanh mây,
Ðầy trời ta thấy những ngày ta yêu.
Càng yêu, yêu lại càng nhiều,
Nhớ Em, Anh nhắn một điều: “Yêu Em.”

Năm 2013 tôi đổi hai tiếng trong bài thơ:
Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.

o O o

12 giờ buổi trưa tháng Sáu, 2012, Nàng bước hụt, ngã nhào qua bốn bực thềm cửa, nàng ngất đi. Ngồi bên nàng trong nắng trưa mùa hạ Virginia, chờ ambulance đến, nước mắt tôi ưá ra. Trong ICU – Ai Si Yu – Intensive Care Unit – tỉnh lại, nàng nói :
– Xin Thiên Chúa tha tội cho em.
Tôi nói
– Em có tội gì. Mà Em có tội gì, Thiên Chúa cũng tha cho Em rồi.

Nàng chỉ bị dập xương nên không bị mổ, không bị ghép xương, không phải bó bột. Về nhà nằm, uống Vitamin D, chờ vết xương nứt lành lại. Tình trạng bi đát. Nhiều người nói người trẻ khi bị nứt xương mới mong vết xương nứt liền lại, người già 70 thì vô phương. Nếu vết xương nứt không lành, nàng sẽ phải nằm mãi trên giường.

Tôi hầu nàng ngày đêm. Gần như suốt ngày đêm, tôi xin Ðức Mẹ Maria cho nàng đi lại được. Tôi chỉ xin Ðức Mẹ cho nàng đi được từ giuờng ngủ vào nhà bếp, vào toilet, ra ngồi bàn ăn cơm, nàng tự tắm được. Bộ Xã Hội cấp cho nàng đủ thứ nàng cần dùng : Xe đẩy, gậy chống, ghế để ngồi tắm… Chuyên viên y tế – therapist – đến nhà mỗi tuần ba lần, giúp nàng ngồi lên, tập đi. Một tháng sau nàng đi được.

o O o

Ba năm nay Nàng có tới ba, bốn lần đau nặng, hai ba lần nàng tự nhiên ngã. Một lần nàng hôn mê. Ðêm khuya trong bệnh viện, nằm trên cái canapé nghe tiếng nàng thở khò khè, tôi nghĩ :
– Tiếng thở này tắt là…
Tôi cầu xin :
– Xin Mẹ cho vợ chồng con được sống với nhau 5 năm nữa.

Tôi không muốn tôi chết trước nàng, tôi không muốn nàng chết trước tôi. Nàng chết trước tôi không biết tôi sống ra sao. Tám mươi tuổi, tôi sống với nàng 60 năm, tôi sống dựa vào nàng. Tôi sống bằng Tình Yêu của nàng.

Năm 1976 gặp lại nhau, Lê Trọng Nguyễn nói:
– Tao không biết mày có đi được không. Tao cứ tưởng mày làm USIS là mày đi được. Hôm tao gặp thằng S. ở trong khu nhà mày, tao hỏi nó mày có đi được không? Nó nói mày không đi được. Tao kêu lên: “Làm sao nó sống? Nó sống bằng gì? ” S. nó nói: “Nó sống bằng Tình Yêu của vợ nó”.
Người bạn cùng tuổi tôi – 80 – lấy vợ cùng năm với tôi – năm 1954 – vợ chồng anh cũng sống với nhau 60 năm, một sáng từ Cali anh gọi phone cho tôi báo tin vợ anh qua đời, tôi hỏi:
– Ðau lắm không ?
Ðau thì tôi biết bạn tôi đau nhưng tôi muốn biết anh đau đến ngần nào. Hỏi dễ, trả lời khó. Bạn tôi nói:
– Ðứt ruột, nát gan.
Lần cuối tôi gặp ông Lê Văn Ba, ông hơn tôi 10 tuổi, ông nói với tôi:
– Tôi nói với bà nhà tôi : Bà nên đi trước tôi là hơn, tôi đi trước bà, bà sẽ khổ lắm.

Năm sau ông đi trước bà. Ðứng bên quan tài ông, tôi nhớ lời ông nói. Ông bạn HO có bà vợ bại liệt, ông phải đưa bà vào Nursing Home. Ðể bà ở lại ông một mình lái xe về. Dọc đường ông run tay lái, mắt ông mờ. Ông đậu xe bên đường, xuống đi bộ vài vòng lấy lại tinh thần. Khi trở lại tìm xe, ông quên không nhớ ông đậu xe ở đâu. Ông mở cellphone gọi ông bạn đến giúp.

o O o

Người đời chỉ nói “Good bye”,
“See You next week, next time” là cùng.
Ðôi ta ngọc nữ, tiên đồng,
Ðôi ta Từ Thức vợ chồng Giáng Hương.
Ngàn đời vẫn nhớ, còn thương:
Em yêu, đã đến cuối đường:
“Good bye. See You next Life”.

***************

EM YÊU ANH – PHẨY
 
Cần phải tin vào quyền lực của những chữ cái a, b, c, d, e… Vâng, chỉ cần một chữ cái cũng có thể thay đổi cả một số phận. Bằng chứng ư? Chính là câu chuyện sau đây:
Khi ông bà Point (trong tiếng Pháp có nghĩa là dấu chấm) có một cậu con trai và họ quyết định đặt cho cậu một cái tên vĩ đại. Sau khi lưỡng lự giữa Rambo, Charlemagne, RamsesCatona, cuối cùng họ lại chọn Virgile bởi đó là tên một trong những nhà thơ cổ đại lớn nhất.
Chỉ có điều là ông Point đã quá xúc động khi ghi tên con vào sổ đăng kí, ông đánh vần nhầm ra “V-I-R-G-U-L-E” và thế là Virgile trở thành Virgule (nghĩa là dấu phẩy).
Khi biết điều này, dù rằng rất giận nhưng vợ ông vẫn nhìn cậu con trai rồi cười:
– Nhìn con thật xinh xắn lại nhỏ bé. Virgule! Thế cũng tốt.
Và cái tên được giữ lại.
Cũng như cái tên của mình, Virgule trông khẳng khiu và buồn cười. Ở trường, mỗi khi điểm danh, thầy giáo gọi:
– Point Virgule!
Và Virgule đứng bật dậy, như một dấu chấm phẩy và đáp:
– Dạ, có mặt!
Sau đó, Virgule lớn lên và đem lòng yêu cô bạn hàng xóm của anh, Séraphine. Khi người ta yêu, sẽ có hai loại người: những người dám thổ lộ và những người không dám. Virgule là loại thứ hai. Và bất hạnh hơn nữa khi mỗi lần Séraphine xuất hiện là Virgule trở nên xanh lét, mồ hôi đầm đìa, bước trượt cầu thang. Anh co rúm người lại đến nỗi trông anh như một dấu chấm, một dấu chấm nhỏ xíu… khi đó có thể gọi anh là Point Point. Và Séraphine chẳng bao giờ nhìn thấy anh.
Ấy vậy mà… chính chữ ”u” đã làm mọi thứ trở nên thay đổi. Các bạn có biết như thế nào không?
Séraphine đem lòng yêu một chàng trai không yêu cô. Cô luôn cười nói, cố gắng bắt chuyện với anh ta, gọi điện cho anh ta, viết thư cho anh ta…. nhưng chẳng được gì cả. Thật đáng thương cho Séraphine.
Một ngày nọ, cô quyết định gửi bức điện thứ mười cho tình yêu của cô. Và chính hôm đó, Séraphine gặp Virgule ở bưu điện vì Virgule chính là nhân viên ở đó.
Khi Virgule thấy Séraphine đến gần, anh cảm thấy mình sắp ngất đi. Cô thì không nhìn anh:
– Tôi muốn gửi một bức điện- cô nói với một giọng buồn bã.
– Xin cô vui lòng đọc nội dung… Virgule cầm bút và lắp bắp nói.
Cô đọc với giọng run:
Je t’aimevirguleJe t’adorevirguleJe voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussipoint.
(Em yêu anh – ”phẩy” – em thương anh – ”phẩy” – em rất muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em- “chấm”).
Tuyệt vời làm sao khi nghe một câu như vậy và Virgule yêu cầu Séraphine nhắc lại. Cô đọc:
– Je t’aime – Je t’adore….
– Không, không! – Virgule nói – Hãy đọc lại đầy đủ cơ!
Séraphine làm theo:
– Je t’aime – virgule – Je t’adore – virgule…
– Lần nữa nhé cô… – Virgule rụt rè.
Mỗi lần nghe câu đó, đôi mắt anh lại sáng lên.
Và đột nhiên, Séraphine nhận ra Virgule là một chàng trai thật đáng yêu với đôi mắt ấy và hàng mi dài… nụ cười của anh thì dịu dàng như mật ngọt.
Như có một phép lạ, anh thì thầm với cô:
– Anh cũng yêu em, Séraphine.
Chỉ một chữ đôi khi thay đổi cả câu, và một câu có thể thay đổi cả một số phận. Nếu Virgule tên là Virgile, một nhà thơ cổ đại lớn nhất, thì có lẽ bây giờ anh vẫn cô đơn.
Bây giờ Virgule và Séraphine đang rất hạnh phúc bên nhau và họ đã có ba dấu chấm nhỏ…

 


NGƯỜI QUÉT RÁC ĐẶC BIỆT

“Nếu không gặp được Allen – người quét rác 10 năm về trước có lẽ giờ này, tôi đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền”Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình – học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình: Thầy Allen.Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain – Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi.Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất “Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội”.

Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng. Khuôn mặt vênh váo.

Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cám ơn anh. Thế còn anh?)

Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.

Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Ta thật là ngu dốt”. Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho họ.

Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.

Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là sinh viên. Mà thậm chí anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.

Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.

Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát hiện ra Allen – người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh.

Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách, cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.

Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).

Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 hòn.

Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.

Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ.

Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải
lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.

Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước mình.

Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi cũng chỉ có quãng 300 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần. Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm thầy.

Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm.

Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa.

Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ mệnh “sẻ chia” của mình từ ngày đó.

Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” – đáp đền tiếp nối. Cũng từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương.

Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi, Allen.

Nguyễn Mạnh Hùng

CHÚ CHÓ TRUNG THÀNH

ate:


Hồi tôi mới độ 15 tuổi, bố tôi mang về một con chó đực. Con chó có bộ lông trắng, đôi mắt màu nâu đen rất đẹp. Năm đó mất mùa đói kém, gia đình tôi phải thường xuyên ăn độn khoai sắn. Lạ lùng thay, con chó này cứ lớn phổng phao, mượt mà. Nó phải nặng đến 15kg. Cũng như nhiều gia đình khác, những con chó nuôi đều không được đặt tên. Nó là loài vật, nên vô danh! Mỗi lần muốn gọ…i, chỉ cần: “Êu, Êu” là nó xuất hiện, ve vẩy đuôi, miệng rít lên những tiếng như tiếng rên, rất dễ thương! Thường ngày, khi không có ai cần đến, nó nằm khoanh tròn trong gậm giường, đầu hướng ra phía cửa. Có khách lạ, nó sủa lên vài tiếng báo hiệu. Còn là người quen thân, nó vùng dậy, xông ra, vẫy đuôi rối rít và kêu lên mừng rỡ.

Từ ngày mua được con chó này, nhà tôi như được bình an hơn. Cha tôi quý con chó lắm. Mùa đông giá rét, ông lấy một chiếc bao tải quấn quanh mình, giữ ấm cho nó. Những ngày hè nóng nực, ông mang nó ra ao tắm cho sạch lông. Nhà tôi nghèo như thế, vậy mà đôi khi ông vẫn đi đâu đó tìm được một khúc xương mang về cho nó gặm. Con chó rất quyến luyến cha tôi, suốt ngày luẩn quẩn bên ông.
Một hôm có hai người khách lạ đến nhà tôi hỏi mua chó. Họ nói, họ ở làng bên cạnh, cách làng tôi một cánh đồng. Ngày mai gia đình họ có đám giỗ, cần một con chó để thịt! Cha tôi nghe vậy không muốn bán, nhưng gia cảnh nhà tôi lúc đó rất nghèo. Cả cha mẹ và bốn anh em tôi, mặc dù bữa ăn phải độn nhiều khoai sắn nhưng không ngày nào thật sự được ăn no. Mẹ tôi bàn với cha tôi lâu lắm. Nếu tiếp tục nuôi thì không còn gì để cho nó ăn, dù rằng con chó vô cùng dễ ăn. Nó có thể ăn vài cọng rau thừa, dăm bảy cái vỏ khoai lang, mấy cái xương lõi sắn, vài hạt cơm rơi vãi quanh mâm hoặc bất cứ cái gì có thể ăn được mà con người cho phép. Tuy nhiên, nuôi nó cũng như thêm một miệng ăn nữa. “Người chẳng có mà ăn, lấy đâu ra cơm nuôi nó mãi?” – Mẹ tôi bảo thế.

Có một điều rất lạ là khi cả cha và mẹ tôi miễn cưỡng đồng ý bán con chó, thì tự nhiên nó chạy biến đi đâu mất! Không lẽ con chó này hiểu được tiếng người? Chúng tôi chia nhau đi tìm mọi xó xỉnh, xung quanh nhà, thậm chí sang cả nhà hàng xóm, nhưng bặt vô âm tín. Cho đến khi cha tôi nước mắt lưng tròng, lên tiếng gọi, thì từ trong đống rơm ở phía sau chuồng lợn nó chui ra! Người ta lấy cái chày giã gạo chẹn cổ nó xuống, trói mõm và bốn chân nó lại. Con chó tội nghiệp kêu rên ư ử, hai mép nó sùi bọt. Cha tôi ôm lấy nó, khóc. Nhìn bộ dạng cha tôi, thương lắm. Tôi liên tưởng đến lão Hạc, một nhân vật của nhà văn Nam Cao khi phải bán cậu Vàng!…

Người ta trả tiền cho mẹ tôi và dùng đòn ống khiêng nó đi. Cha tôi buồn bã lên giường nằm, tay trái vắt ngang qua trán, tay phải để lên bụng và thở dài thườn thượt… Chiều hôm đó ông bỏ ăn. Một bát cơm và đĩa khoai phần ông vẫn còn nguyên trong trạn. Mẹ tôi bảo, nó chỉ là một con chó, việc gì phải tiếc quá như vậy? Nếu muốn, lại sẽ mua con khác về nuôi! Cha tôi không nói gì, cứ nằm im như người bệnh nặng…

Đêm hôm đó trời tối đen như mực. Cả nhà tôi đã ngủ yên, chỉ một mình cha tôi thao thức. Thỉnh thoảng ông trở dậy, bật diêm hút thuốc. Rồi ông nằm xuống thở dài, trằn trọc, quay ra, lật vào, ngao ngán. Tâm trạng ông nôn nao, buồn phiền như tiếc nuối một vật gì đã mất đi, quý lắm… Vào khoảng 2-3 giờ sáng, cha tôi là người đầu tiên phát hiện những tiếng động rất lạ ở vách cửa. Cha tôi yên lặng lắng nghe. Không có nhẽ đêm đầu tiên không có con chó giữ nhà là đã có kẻ trộm? Mà nhà tôi có gì đáng giá để kẻ trộm phải rình mò? Nhưng chỉ một phút sau, linh tính báo cho ông biết, con chó đã trở về! Nó cào mạnh vào cửa, kêu ư ử như cầu cứu. Cha tôi vồng dậy, kéo cửa ra. Con chó mừng rỡ nhảy sổ vào nhà. Mẹ tôi trở dậy thắp đèn. Tội nghiệp con chó. Cổ nó còn nguyên một vòng xích sắt có khóa, nối với đoạn dây thừng lớn đã bị nó cắn đứt kéo lê theo. Đầu và bụng nó ướt lút thút, bốn chân và đuôi dính đầy bùn. Nó đói quá, hai bên sườn xẹp lại, sát vào nhau. Cha tôi vội tháo vòng xích, lấy cái khăn rách lau khô lông và lau sạch bùn ở đầu, ở bụng, ở chân và đuôi nó, rồi vào trạn lấy bát cơm còn để phần ông từ hồi chiều hôm trước, trộn với một ít tương cho nó ăn. Lạ lùng thay, con chó đói gần chết, và lại lần đầu tiên được ăn một bát cơm ngon như thế, vậy mà nó ngước mắt nhìn cha tôi, như nghi ngờ và ngần ngại… Một lúc sau, nó mới cúi đầu xuống ăn một cách từ tốn. Cha tôi vuốt ve nó rất lâu, sau đó cho nó vào gầm giường. Ông lên giường nằm và một lúc sau ông đã chìm vào giấc ngủ bình thản và ngon lành.

Sáng hôm sau, mới tinh mơ hai người mua chó hôm trước quay trở lại nhà tôi. Con chó đánh hơi thấy trước nên nó trốn biệt. Cha tôi điều đình và trả lại tiền cho hai người mua chó. Cả nhà tôi đều hiểu rằng, dù có phải chết đói, cha tôi cũng không bao giờ bán con chó cho ai nữa.

Từ hôm đó chúng tôi để tâm chăm lo cho con chó nhiều hơn. Cha tôi, dù cả bữa cơm ông phải ăn khoai là chính (tiêu chuẩn mỗi người chỉ một bát cơm), song ông luôn dành cho con chó một nửa bát. Con chó hình như cũng hiểu được điều này. Nó trở nên nhút nhát hơn, cảnh giác hơn với mọi người. Nhưng với cha tôi, nó cứ luẩn quẩn bên chân ông. Khi ông ra đìa, nó luôn đi theo ông như hình với bóng. Còn những lúc ông đi làm xa, không cho nó đi theo thì nó ra đầu thềm nhà nằm ngóng ra cổng, chờ cho đến khi nào ông về, nó nhảy xổ ra, mừng rối rít rồi theo ông vào nhà!

Khoảng chừng hai năm sau, kinh tế gia đình tôi khá giả hơn trước. Con chó cũng lớn hơn, khỏe ra, mượt mà, rất đẹp. Nó luôn luôn theo sát cha tôi, không rời nửa bước. Vào một buổi trưa cuối mùa hè, cha tôi ra đìa để vớt bèo lục bình về làm phân xanh. Cái đìa này lầy bùn, cỏ và cây dại mọc dày đặc từ hàng trăm năm nay. Dưới gốc rễ cây đan quyện vào nhau như những tấm lưới thép, tạo thành những hang hốc sâu đầy bùn. Ở dưới đó, rất nhiều lươn và cá trê lưu cữu to bằng bắp chân người lớn. Đôi khi người ta còn bắt được cả rái cá, kỳ đà. Nhưng không một ai có thể tưởng tượng ra dưới cái đìa rậm rạp đó lại có một con trăn hoang to như một cây tre bương, dài cỡ 3 mét, sống lâu năm và chắc nó cũng đã ăn hết cả mấy tạ cá dưới đìa.

Hôm đó cha tôi lội dưới bùn vớt những đám bèo dày đặc vứt lên bờ. Đến gần gốc một cây vạy, ông nhìn thấy đuôi một con trăn lớn thò ra. Cha tôi quyết định bắt sống hoặc đánh chết con trăn này. Ông chộp lấy đuôi con trăn, đạp hai chân vào gốc vạy, kéo con trăn ra ngoài. Con trăn chống cự. Khi bị lôi ra khỏi hang, nhanh như một tia chớp, con trăn cong người cắn chặt vào bắp chân cha tôi. Ông ngã ra bờ đìa và kêu lên một tiếng sợ hãi. Ngay lúc đó con chó không kịp sủa một tiếng nào, nó nhảy bổ vào, cắn vào cổ con trăn và dính liền hàm răng vào đó, như không bao giờ muốn nhả ra nữa. Con trăn quật mình cuốn chặt lấy thân con chó. Chỉ bằng một cú núc, nó làm con chó gãy đôi xương sống! Mõm con chó vẫn cắn chặt vào cổ con trăn. Hai bên mép nó ứa ra hai dòng máu và ở lỗ hậu môn lòi ra một đống phân nhão! Cha tôi đã ý thức được sự nguy hiểm, ông vớ lấy con dao quắm mang theo để chặt cây, nhằm vào đầu con trăn chém rất mạnh. Con trăn chỉ quằn quại được một lát, nó mềm nhũn ra và bất động. Cha tôi cứ để máu ở chân chảy ròng ròng, ông quay ra cố gỡ mõm con chó ra khỏi cổ con trăn và ôm chặt nó vào lòng. Nhìn thân mình con chó ướt sũng, bê bết bùn, mềm ẹo, mắt nhắm nghiền, cha tôi khóc. Ông nghĩ rằng nó đã chết. Cha tôi mang con chó về nhà, tắm, lau khô và để nó nằm vào một cái nong đặt ở cuối thềm. Ông bảo tôi đi tìm một cái thùng gỗ, đặt con chó vào và mang nó đi chôn. Khi cha tôi nhấc nó lên, định cho nó vào hòm thì đôi mắt nó mở hé ra và chớp. Cha tôi mừng quá, sai tôi đi tìm ông lang Tá về băng, bó nẹp cố định xương sống cho nó. Xong xuôi mọi việc, cha tôi mới thấy đau ở bắp chân. Ông ngồi xuống bậc thềm, để cho ông lang rửa sạch, sát trùng, bôi thuốc và băng bó vết thương.

Buổi chiều, ông bảo mẹ tôi nấu một nồi cháo gạo, rồi đập hai quả trứng gà vào quậy đều. Đây là một món ăn sang trọng để tẩm bổ mà gia đình tôi rất ít khi được ăn. Ông múc cháo ra tô, chờ nguội và vuốt ve dỗ dành cho con chó ăn. Nó nằm im, đôi mắt ướt nhìn cha tôi, nhưng không ăn một miếng nào. Cả xóm tôi đem con trăn ra làm thịt chia nhau, ai cũng khen con chó quá khôn, nhưng không ai tin rằng nó còn có thể sống thêm được vài ngày nữa. Nhiều người bảo mẹ tôi đem con chó ra mà thịt, kẻo để nó chết uổng phí của trời! Chỉ riêng cha tôi không nghĩ thế. Ông luôn tin rằng con chó sẽ sống cùng ông, và nếu chẳng may nó chết, ông sẽ đem chôn nó như chôn một con người!

Khoảng hai tháng sau, với sự chăm sóc của cha tôi, con chó đã bình phục. Tuy nhiên vì xương sống của nó bị gãy nên hai chân sau hoàn toàn bị liệt. Mỗi lần đi, nó chỉ dùng hai chân trước chống xuống đất và lết trên đầu gối của hai chân sau. Điều làm cả nhà tôi ngạc nhiên, từ khi con chó đi được theo kiểu lê lết, nó chỉ gặp khó khăn trong khoảng một tháng đầu. Sau những ngày ấy, nó lết nhanh không kém gì những con chó bình thường.

Từ dạo đó, cha tôi cưng con chó như con. Một suất cơm đạm bạc và ít ỏi của ông, bữa nào cũng được chia làm đôi. Thảng hoặc, ngày nào có một hai miếng thịt, cha tôi cũng dành cho nó một phần. Con chó rất khôn, hình như nó biết tất cả mọi điều đang diễn ra xung quanh. Nó không bao giờ quấy rầy chúng tôi. Nhưng với cha tôi, nó quấn quýt, liếm láp chân tay, không muốn rời ra nửa bước. Ban đêm ông nằm ngủ, nó nằm dưới chân giường. Hình như chỉ như thế thì cả chó và người mới thấy yên tâm!.

Cuộc sống như vậy trôi đi. Cả nhà tôi luôn biết ơn con chó và gần như ngày nào cũng nhắc đến chuyện con trăn! Cho đến tháng hai năm 1959, nhà tôi có đại tang. Cha tôi bị một cơn bạo bệnh rồi qua đời! Tôi còn nhớ như in, hôm đưa ma cha tôi, trời mưa tầm tã, rét lắm, nhưng người đi đưa rất đông. Anh chị em, chú bác, cô dì, dòng họ ai cũng khóc như mưa. Không mấy ai để ý trong dòng người đông đúc đó, con chó liệt cũng có mặt. Nó ướt lút thút như chuột lột, rét run lẩy bẩy, cố lết trên đôi chân liệt, len lỏi giữa dòng người than khóc sướt mướt trong đám tang. Không ai hình dung ra được con chó liệt đó có thể đi theo đám tang ra tận nghĩa địa, nơi chôn cất cha tôi, và sau đó bằng cách nào nó lại tự lê lết về nhà? Chỉ đến khi trời tối mịt, thắp đèn lên, mới tìm thấy nó nằm sâu trong gầm giường, bộ lông hãy còn ẩm ướt và đôi mắt buồn rầu khó tả, cứ nhìn đi đâu đó, như hướng về một cõi nào mơ hồ nhưng ở đâu xa lắm…

Sáng hôm sau, cúng cơm cho cha tôi xong, chúng tôi gọi chó ra cho nó ăn. Không còn thấy nó nằm trong gầm giường nữa. Nó đã lết ra đầu thềm tự khi nào, nằm quay đầu ra cổng ngóng chờ xem một ngày nào đó liệu cha tôi có trở về? Tôi bế nó vào nhà, vỗ về và dỗ dành cho nó ăn, nhưng tuyệt nhiên nó không đụng vào bất cứ thứ gì. Tôi đem mấy miếng thịt lợn luộc, những thứ mà ngày thường nó vô cùng thích ăn. Nó quay đầu ra chỗ khác. Tôi đặt nó trở lại gầm giường. Nó không chịu nằm yên, lại lết ra đầu thềm, nằm ngóng ra cổng, kiên trì chờ đợi và im lặng như một mô đất.

Sau hơn một tuần lễ con chó nhịn ăn như thế, nó gầy rạc đi. Cả nhà bận cúng tuần cho cha tôi, nhưng ngày nào tôi cũng để tâm và dỗ dành, hy vọng nó ăn lấy một chút. Nhưng nó không màng.

Rồi một buổi sáng tinh mơ, trời còn đầy sương và se se lạnh, chúng tôi ra nghĩa trang thắp nhang và đặt tấm bia đá trên mộ cha tôi. Tất cả mọi người đều kinh ngạc đến mức không còn tin ở mắt mình: Con chó liệt đã nằm chết trên mộ cha tôi tự bao giờ, hai chân trước chồm lên ôm lấy ngôi mộ, hai chân sau bại liệt như đang quỳ, cơ thể nó đã cứng đơ, đôi mắt nhắm nghiền, thanh thản, nhưng dường như còn hơi ươn ướt…

Chúng tôi trở về nhà đóng một cái hòm gỗ, khâm liệm con chó tử tế và chôn nó dưới chân mộ cha tôi… Tôi cắm mấy nén nhang lên ngôi mộ nhỏ bé này, lòng miên man nghĩ ngợi: Không biết giờ này linh hồn cha tôi đang phiêu diêu bên trời Tây cực lạc, Người có biết con chó đầy ân tình và tội nghiệp của Người đã mãi mãi đi theo Người…

Khổng Văn Đương
TIẾNG ĐÀN PIANO NỬA ĐÊM

Một người bạn gởi cho tôi câu chuyện này, không rõ tác giả, một câu chuyện thực sự cảm động và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về cuộc sống. Bài viết gần như hoàn chỉnh tôi chỉ sửa một số lỗi chính tả và hiệu chỉnh lại một số đoạn cho rõ nghĩa hơn. Tựa do tôi đặt lại. ( NĐH).
———-

Một ngày anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt :

– Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây ?

Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong sự hổ thẹn :

– Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm !

Chị sầm mặt xuống :

– Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc lên đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy ?

Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ chị. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh :

– Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa !

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối :

– Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

Chị thở dài :

-Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.

Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Đức. Chị tốt nghiệp đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán, chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được.

Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn

“Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng…”, đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị.Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.Thành phố Bremen là thành phố nhỏ.

Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.

Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách.

Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn…klavia….con muốn… Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần.

Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì.

Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “…Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo…sống với cha êm như làn mây trắng…nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con….với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không…”.

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.

Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -” Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con..”

Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg….

———————————————————-
Đoạn kết :

Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát “Người Cha Yêu Dấu” bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

Có một người đàn ông có thói quen đánh lên đầu tôi bằng một cây dù
.

Phong dich tu There’s a Man in the Habit of Hitting Me on the Head with an Umbrella cua Fernando Sorrentino

(Fernando Sorrentino la mot nha van co tieng cua Argentina. Ong sinh nam 1942 tai thu do Buenos Aires. Ong bat dau viet van tu 32 nam ve truoc Ong chuyen viet truyen ngan va chuyen cho gioi tre. Sach cua ong da duoc dich ra hon 12 thu tieng)

Co mot nguoi dan ong co thoi quen danh len dau toi bang mot cay du. Han ta danh toi duoc dung nam nam tinh tu ngay hom nay. Luc dau, toi khong tai nao chiu duoc, gio thi toi da quen voi viec nay.

Toi khong he biet ten han. Toi chi biet la ga dang vap trung binh, mac mot bo do xam, co toc bac o thai duong, va co mot guong mat binh thuong. Toi gap han nam nam truoc mot buoi sang huc nong. Luc do toi dang ngoi doc bao duoi bong mat o mot bang ghe trong mot cong vien gan nha. Dot nhien, toi cam thay co vat gi dung vao dau toi. Cung chinh la nguoi dan ong, khi toi dang viet nhung dong nay, dang tiep tuc khe dau toi bang mot cay du, nhu mot cai may va khong cam xuc.

Luc do, toi quay lai, long bung bung tuc gian: han ta tiep tuc go dau toi. Toi hoi bo ong dien sao: han duong nhu khong nghe loi toi noi. Roi toi doa se goi canh sat. Khong he xao xuyen, lanh lung nhu mot pho tuong, han ta cu tiep tuc. Sau mot luc kho xu, va thay la han khong thay doi thai do, toi dung day va cho han mot cai dam vao mui. Han ta te ngua, va lau bau ren ri nhung gi khong ro. Han ta lap tuc gang suc dung day, va chang noi chang rang, bat dau dung cay du danh len dau toi. Mui han chay mau va, luc do, toi thay thuong hai cho ga. Toi thay an han da danh han qua manh. Du sao di nua, chang phai la han chem toi, ma chi go nhe len dau toi bang cay du, chang lam toi dau chut nao. Di nhien la may cai go do lam toi kho chiu kinh khung. Nhu cac ban cung biet, khi mot con ruoi dau len tran, ban khong he thay dau don gi, chi cam thay kho chiu. Cay du cua han nhu la mot con ruoi to tuong cu bu len dau toi nhip nhang deu dan.

Biet rang toi dang duong dau voi mot nguoi dien, toi bo di cho khac. Nhung han ta di theo, tiep tuc danh toi ma khong noi loi nao. Toi bat dau chay (den day toi phai cho cac ban biet la kho co ai chay nhanh nhu toi). Han ta chay theo toi, co gang danh toi.mot cach vo vong. Han tho hon hen lien tuc den noi toi nghi la neu toi bat han ta tiep tuc chay nhanh nhu the, chac chan la han chi co chet lan quay ra ma thoi.

Vi vay, toi chay cham dan lai, toi bat dau di va nhin han. Mat han ta khong lo ve biet on hoac bat binh gi ca. Han chi lien tuc lay du danh len dau toi. Toi chot nghi co le minh phai bao canh sat, “Nguoi nay danh vao dau toi voi mot cay du” Se la mot ca khong tien khoang hau. Vien canh sat se nhin toi nghi ngo, se hoi giay to toi va bat dau dat nhieu cau hoi song suong. Va ai biet duoc khong chung toi se bi bo tu.

Toi nghi tot nhat la ve nha. Toi len xe buyt. Han ta, khong ngung khe dau toi, cung len xe ngay sau toi. Toi ngoi hang nge dau. Han ta dung ngay canh toi, tay trai nam cay don vin tren xe, tay phai deu dan go dau toi. Luc dau, hanh khach tren xe nhin nhau cuoi tum tim. Bac tai bat dau quan sat chung toi qua kinh chieu hau.. Dan da, ca xe pha len cuoi vang doi khong ngung duoc. I xau ho do chin ca nguoi. Con nguoi danh toi, han ta chang he xay xuyen boi tieng cuoi, cu tiep tuc go dau toi.

Toi xuong xe – dung ra la chung toi xuong xe – va di bo ve nha. Nhieu nguoi quay lai nhin chung toi mot cach ngu xuan. Toi muon noi voi ho, “ Cac nguoi nhin gi vay, hoi bon ngu ngoc? Bo cac nguoi chua he thay mot nguoi danh nguoi khac bang mot cay du hay sao?” Nhung toi cung nhan thay la co le ho chua bao gio chung kien mot su kien nhu the. Mot bon tre con, nam sau dua, bat dau ruot theo chung toi, la lon nhu nhung thang khung.

Nhung toi nghi ra mot ke. Khi vua ve toi nha, toi dong sap cua vao mat ga dan ong. Viec do khong xay ra nhu mong muon. Han ta chac doan trung tim den cua toi, boi vi han le tay chup lay cai nam cua va chen vao nha sat theo toi..

Tu luc do tro di, han tiep tuc dap dau toi voi cay du cua han. Theo nhu toi biet, han ta khong bao gio ngu ma cung chang bao gio an uong gi. Han ta chi lam co mot viec la go dau toi. Han theo sat toi nhu hinh voi bong, ke ca nhung giay phut rieng tu nhat trong ngay cua toi. Toi nhan thay thoat dau, may cai go dau lam toi mat ngu suot dem. Bay gio toi lai nghi la neu thieu no toi se khong ngu duoc.

Du sao, moi quan he giua chung toi khong phai luc nao cung tot. Nhieu luc, toi hoi han, luc thi ngot ngao, khi thi gian du, giai thich thai do cua han cho toi biet. Lam khi toi cung cho han nem don mem nguoi, dam, da, va ngay ca –xin Chua tha toi cho con – dap han bang du. Han chi chiu don. Han chap nhan nhu the do la mot phan cua cong viec cua han. Va do la viec ky khoi nhat trong thai do cua han: niem tin manh liet vao viec han lam cung voi viec thieu han uoc muon tra thu. Noi tom lai, viec han lam nhu the la mot nhiem vu bi mat cho mot dang co quyen nang nao do.

Mac du han khong co nhu cau vat chat, toi biet rang han cam thay dau moi khi toi danh han. Toi biet la han yeu duoi, co the chet duoc. Toi cung biet la toi co the thoat khoi han bang mot vien dan. Dieu chua sang to la toi khong hieu neu giet han hay giet toi, viec nao tot hon. Toi cung khong biet la khi chung toi cung chet, han con co the tiep tuc go dau toi nua hay khong Du sao di nua, ly su nhu the cung la vo nghia, vi toi doan la toi chang bao gio dam giet nguoi hay tu sat.

Mat khac, thoi gian gan day toi nghiem thay la toi khong the song thieu nhung cai go dau nay. Gio day, moi luc mot nhieu, mot noi lo so xam chiem hon toi. Toi so la ga dan ong nay, giua luc toi can han nhat, se bo toi di va toi se khong con cam thay nhung cai go dau bang du da giup toi ngu mot cach ngon lanh den the.

 
SAU CÁI NHÁY MẮT

, (phong dich tu After the Wink, Carolyn Steele Agosta)

Viec do bat dau rat la tu nhien.
Chang phai la toi do chung, hay la co san muu do gi . Chang qua la toi dang “den tuoi”. Nghia la, khi ban 42 tuoi, cuoc song chi con la bon phan gia dinh voi chong va 3 con, ai chang muon tim mot chut “cam giac moi la”? Khong phai la loai cam giac buc minh, nhu khi ban dang phong xe nhanh ma phai dap thang xe that gap va tim dap muon vo tung ca long nguc.

That vay, gan day toi bat dau de y nhieu toi dan ong. Dac biet la tay cua ho. Xin ban dung hoi tai sao, nhung bong dung toi lai bi thu hut boi canh tay cua ho. Nhung bap tay voi long mang va co bap cang phong ma phu nu muon co cung khong duoc. Chua noi den nhung ban tay vuong van, cuong trang thi toi thay khap noi.. Trong nha hang, o cac cay xang, chao oi ngay ca o giua cac quay hang K-Mart! That la xau ho khi cam thay long minh bung chay ngay o Home Depot.

Chao oi, xin cac ban bo qua, chang phai chi co cac chang thanh nien tre trung. Toi con de y den ca cac dang dan ong co tuoi nua. Cac ong o lua tuoi tu tuan, ngu tuan nay co le chang he dam mo tuong rang con co nguoi nguong mo minh den nhu vay. Thuong la toi thich ngam cac ong chua soi dau va mat may day dan co ve con day suc song, chac cac ban hieu y chu? Dan ong cot toc duoi ngua cung duoc. Co le cac ong nay suy nghi con tre trung chang? Hay la chi vi cac ong ghet di cat toc, toi cung chang biet chac.

Hom ay toi dang ngoi o mot quan café. Toi dang doc mot quyen truyen khoi hai cua Robin Henley va toi bat cuoi vang. Hoi nguong, toi nhin quanh xem co ai de y va chot bat gap mot anh mat nhin toi mim cuoi. Anh ta trong that de nhin. Ngoi mot minh, anh ta dang doc bao, va khong phai la loai bao la cai, bao dua xe gan may, bao computer hay bao giai tri, ma la New Yorker co. Anh ta trong co ve la nguoi co hoc. Toi mim cuoi voi anh roi doc sach tiep. Toi sua lai the ngoi, bat cheo chan, lung hoi thang. Luc truoc, Co toi thuong day nen ngoi uon nguc len, chong tay len cam, co hoi cong. Do la the ngoi de dien ta “I’m available!”. Hoac la gi do tuy ban suy dien. Bong mot ba khach ngoi gan cua danh do tach ca phe, cai khay rot keu loang xoang. Toi liec nhin Anh Chang Thu-Hut ay va anh ta cung dang nhin toi. Toi cuoi va bong dung, Troi dat oi! Toi nhay mat voi nguoi ta!

That ra, mat toi chi nhay mot chut nhung cung du de chung toi cam nhan duoc co mot moi tuong quan nao do truoc canh tuong buon cuoi luc do. Nhung toi the la chi den do thoi. Nhung the la qua du roi.

Boi vi, nguoi ta chot cam to bao va tach café den gan toi va tao ton hoi toi neu anh ta co the ngoi chung ban duoc khong va toi gat dau trong khi dau oc quay cuong vi qua bat ngo. Anh ta hoi toi dang doc sach gi, toi cung hoi anh ta dang xem bao gi. Toi noi, mot cach nhun nhuong rang toi la mot nha van va anh ta cung khiem ton tu gioi thieu anh la mot nhac si, va mac du chung toi thuc ra la mot ke toan vien va mot thu ky van phong, chung toi hieu rang cai job ban ngay khong khang dinh dung ban chat cua chung toi. Toi tu gioi thieu ten va anh ta cung cho toi biet ten, mot trong nhung cai ten toi van ua thich. Mot lon toc xoan vua nga bac nam tren co ao. Khoe mat hoi nhan va bap tay phong len khi anh chong khuyu tay trong luc noi chuyen voi toi. Giong anh tram am nen toi cung phai hoi ngieng nguoi toi truoc. Toi cuoi co y khoe dong tien va tham mong hoi tho toi khong nang mui café va chung toi noi chuyen khong thoi. Ve sach vo, am nhac, kich nghe. Ve viec kho kiem cho dau xe trong pho, ve nan ket xe kinh nien. Anh ta noi anh o gan South Park va toi cho biet toi o gan truong Dai Hoc va chang may choc café lanh tanh va da hon mot gio troi qua.

Roi den luc toi phai di va anh ta di cung toi ra xe, cung may la xe toi cung kha sach, tren ghe khong co may goi Happy Meal cua McDonald nhu moi lan. Anh ta noi la se tham du mot buoi hoi tho Thu Sau sap toi vi ban anh ta thoi sao cho may nguoi ngam tho. Toi noi rang toi chua bao gio di du mot buoi hoi tho ca va anh ta bao toi nen di thu mot lan cho biet. Toi noi cung co the toi se du roi phong xe di, long ban tay uot dam tren tay lai.
That tinh chong toi chang lam dieu gi khien toi phat y. Anh vua dang yeu, te nhi, hap dan ma lai ngan nap, sach se nua. Nhung roi dem thu Sau toi lai co mat o buoi hoi Tho do, co lam ra ve thich thu theo doi nhung that tinh chi ngong trong Anh Chang Dep-Trai ay. Cho mai chang thay nguoi ta, va tu gian minh ngu ngoc, toi sua soan ra ve (That day, toi chi dinh ngoi them nam phut nua thoi) thi anh ta buoc vao. Chua oi! Va con nhay mat voi toi nua!

Hoi truong dong duc va on ao, moi nguoi noi chuyen voi nhau va hoan toan khong de y gi den mot nu thi si mac ao dai tim tham, mau toc cung nhuom tim le dang rong co ngam mot bai tho ca ngoi “xi-pa-get-ti”. Anh ta nam co tay toi dan toi den mot goc bot on hon, cai nam tay lam toi run ban ca nguoi. Anh ta hoi toi co muon roi khoi day khong, toi gat dau va bong dung dau goi toi nhu muon sum xuong va toi so neu tiep tuc di, chac cha^n toi se cong nguoc ve phia sau, se trong chang hap dan chut nao ca.

Dau sao, toi cung co tran tinh va roi chung toi ra xe, toi lai theo anh ta den mot quan ruou nho, noi nay yen tinh, co den mo ao va mot ban nhac dang choi may bai nhac tinh tien chien. Chung toi chuyen tro, khieu vu va tay anh ta vong sang hong toi, cai hong thuong chi dung de quan cai tap de khi toi nau an va be con toi khi chung con be hoac la cho chong toi hay vin. Canh tay anh ta mau nau voi bap thit cang phong. Co mot dieu toi khong muon nghi den va cung khong muon de cap den la ca Anh Chang Dien-Trai va toi deu mang nhan cuoi. Boi vi chung toi chi muon di tim lai hinh anh cua chinh minh.
Dung vay, toi quan niem la sau 40 tuoi, ban tro nen vo hinh. Ban hien huu nhung khong ai that su NHIN THAY ban. Ho chi thay me cua mot co con gai nay da truong thanh va ba me do phai xu su nhu the khong con co khat vong hay ngo vuc hoac co nhung uoc muon rieng tu chua thuc hien duoc. Mot nguoi con la mot con nguoi voi day du y nghia cua no. Toi nhin ky Anh Chang Van-Con-Tre-Trung ay va toi nhan thay anh ta van con me nhac Rock va trong cung con phong do sau tay lai mot chiec xe Co-vet va cung con de y toi dang dap cua minh truoc mot nguoi phu nu tre hon minh. Nguoi do la toi. Biet vay, nen toi ben cuoi tinh tu, va anh ta cung cuoi tra lai, that la thich qua di mat. Chung toi khieu vu, va toi nghi tham that ky la. trong vong tay mot nguoi khac, mot nguoi dan ong cao to hon chong toi mot chut, voi mot giong noi khac la, mot doi moi va anh mat khac la. Toi cam thay ky va con ky cuc hon khi anh ta hon toi, ngay giua san nhay. Toi khong he hon mot nguoi nao khac hon chong toi hon 20 nam nay va bay gio, moi anh ta gan chat lay moi toi, va sao no khac la, cai hon, vi hon va kieu hon. Hon the nua, no that su xay ra. Toi dang o noi nay va toi dang lam viec do!

Toi bat dau run, bat dau run lay bay nhu hai mieng kim loai cua cai len giay dan khi duoc go manh, cho den khi anh ta co le nghi rang toi dang me met vi cai hon chet nguoi cua minh, nhung that su chang phai vi toi dang suong me nguoi. Toi run ray va lo so boi vi toi chot nhan ra la tri tuong tuong con dan toi di xa hon mot cai hon thuan tuy va chinh no lam cho toi so muon chet.

Anh ta cuoi nhe thich thu, con toi thi do mat tia tay va chung toi tro ve ban ngoi. Anh ta nhin toi va toi nghi, phai, hay nhin toi. Toi chua san sang chap nhan tuoi gia dang den, de bo quen thoi tuoi tre dang sau. Toi muon nhun nhay theo dieu nhac khi nhay, va uon eo nguoi khi di. Toi muon co mot nguoi nhin toi va gay su chu y cua toi.

Va roi toi bat dau nghi rang co le do la ly do khien nguoi ta khoi su lua doi nhau. De co duoc cai tia nhin sang ruc tu anh mat cua mot nguoi khac. De nho lai do la minh va khong phai nhu moi nguoi nghi, va cung la de co duoc mot giay phut thoat khoi con nguoi cua chinh ho.

Toi cung nhin sang anh ta. Toi thay mot nguoi (cung nhu toi) lo so minh tro nen vo hinh. Hoac la so nguoi ta nhin minh nhu mot nguoi dang buoc sang tuoi gia. Nen toi voi nam lay ban tay anh ta (ban tay vuong vuc, ngon tay cat ngan, tay cua ngoui co the sua chua moi thu). Toi go len co tay anh ta de cho anh ta biet rang anh ta con kha hap dan va lam toi chay nuoc mieng. Toi nghi den moi viec toi chua tung lam va moi viec toi se khong bao gio lam. Va toi so la no qua tre chang?

Chot mot cai gi do dang trong toi, bat dau tu moi toi, lam toi cam thay no am va day ra, va toi nghi, troi dat, cha le toi lai bat dau thay hien tuong dau tien cua thoi ky man kinh. Nhung khong, no khong dinh dang gi den cai hien tuong nay. Chi la toi nhan thuc rang toi se khong lam gi ca. Boi vi giua tat ca nhung viec toi muon thuc hien trong doi minh, viec nay khong co trong chuong trinh.

Toi tang Anh Chang Dang-Le-Ra mot cai hon phot len ma. Toi se mo mong ve anh ta mot thoi gian, dau oc se quay cuong voi nhung y nghi co le rat dang de xung toi, va se giu trong ky uc cai hon cua anh ta trong nhung ngay ma toi khong con uoc muon gi nua. Toi lai xe ve nha va ngoi thu mot luc trong xe, nhin len anh den tu cua so phong ngu.
That ra lam luc cai chop mat chi la mot phan xa tu nhien, khong dieu khien duoc cua con nguoi, khi giay than kinh nhan cau mot luc nao do di lac duong. Co mat cu giut lien hoi giong nhu cay kim quay dia hat 45 vong bi vuong mot vet tray, cho den mot luc no tu nhien binh thuong tro lai. Tro lai dong doi binh than, giong nhu bai hat duoc choi tiep, em a, tham thiet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


nine − 4 =