Đọc sách Herta Muller Và Thú Người

Nguyễn Mạnh Trinh

25.03.2013

 

 

Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở hải ngoại vừa xuất bản tiểu thuyết Thú Người, do Dương Hoàng Dung dịch từ nguyên tác Herztier của Herta Muller. Tác phẩm Herztier của nhà văn Herta Mueller – Nobel Văn chương 2009 được Micheal Hofmann dịch sang Anh ngữ với nhan đề The Land of Green Plums (Vùng đất của những trái mận xanh). Nhan đề  này gợi ý từ những trái mận xanh, tượng hình của một loại cây trái độc hại, như một thứ trái cấm gợi tới cảm giác tội lỗi cũng như tâm tính tàn bạo của một đời sống đầy những cái chết non trẻ và cuộc nhân sinh bị đe dọa đến không chịu đựng nổi. Trong tác phẩm của mình, Herta Muller đã mượn lời người cha khuyên đứa con gái đừng ăn những trái mận xanh cứng vì những hột mầm non của loại quả này có thể giết hại bé gái. Những trái mận xanh cũng đầu độc tất cả dân chúng trong vùng,  những nạn nhân khi ăn những trái mận xanh này đã trở thành hèn hạ, ác độc, kiêu ngạo, hợm hĩnh, mất nhân tính và vô liêm sỉ. Ngay chính cả những tên độc tài (tượng trưng là những tên công an mật vụ) cũng là những kẻ đã ăn loại trái cây độc hại này. Tiểu thuyết đã mang nhiều ngụ ngôn từ những chi tiết trong truyện. Và trong truyện, những tên công an gian ác lại tự nuôi béo bằng những trái mận xanh. Trái mận xanh cũng gợi ý đến thời thơ ấu và đi ngược lại thời gian ấy người kể chuyện ngắm nhìn viên cảnh sát Romania trên  đường phố, trong túi quần đầy những trái mận xanh. Chúng trở lại thời trẻ thơ ăn cắp mận từ rặng cây trong làng. Tác giả Herta Muller tạo chân dung tên công an ăn trộm mận giống như một con ác quỷ tham ăn, ngu dốt và hung bạo.

Tuy nhiên dịch giả Dương Hoàng Dung thì chọn dịch HerztierThú Người. Từ Herztier được tác giả hình thành từ ẩn dụ tiếng Romania. “Inimal” bao gồm 2 từ Inima (herzt-trái tim) và “animal” (tier– con thú). Người dịch đã giải thích lý do sử dụng nhan đề này:

Theo truyện, mỗi người đều mang trong tâm hồn mình một con thú. Con thú này quyết định cá tính và nội tâm của người đó. Từ ngữ ‘animal’ tác giả học được từ người bà của mình, ngụ ý chỉ một con thú nhỏ, chỉ có ở trong trí tưởng tượng, nó sống động, khó bị lẫn và chỉ bị tiêu diệt khi người ta chết. Một con thú ẩn náu trong tâm hồn mỗi người và để bị tiêu diệt trong cảnh áp bức, bạo lực, sợ hãi. Do ý nghĩa trên, tôi quyết định gọi qua tiếng Việt là Con Thú Trong Người hay ngắn gọn hơn là Thú Người làm tựa đề tác phẩm.”

Nguyên tác Herztier (thú tâm) bắt nguồn từ Đức ngữ với biểu tượng trái tim bị áp bức của những con người phải sống dưới một chế độ công an trị dã man. Trái tim ấy có nhịp đập của đứa trẻ ham vui, là hơi thở lạnh buốt tràn đầy khiếp hãi của những sinh viên trẻ tham gia vào những hoạt động chống phá chính quyền. Và nhịp tim thú vật ấy cũng có thể là của trái tim đầy ác nghiệp của người bố là nhân viên SS của Đức Quốc Xã thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Đời sống nặng nề đe dọa hiện nay theo suy tưởng cũng là sự tiếp nối của truyền thống cai trị bạo ngược đã có từ thời xa xưa.
Tính chất đầu tiên mà tác phẩm muốn đề cập đến là hình ảnh của một cô gái trẻ tên là Lola, người ở chung phòng với năm cô gái khác, kể cả người kể chuyện, trong một ký túc xá ở trường đại học. Lola đã ghi chép lại những sự kiện đời sống của cô trong cuốn nhật ký, liên hệ đến sự cố gắng để vượt thoát khỏi thế giới bị đè nén áp bức của trường học và xã hội mà cô đang sống. Cô leo lên chuyến xe buýt nửa đêm và tham dự vào những cuộc làm tình đầy thú tính và ưng thuận trao thân với những người trở về nhà sau giờ làm việc. Cô cũng có quan hệ với người thầy dạy môn thể dục và rất sớm có liên hệ với đảng Cộng sản. Phần đầu của tiểu thuyết chấm dứt khi Lola bị tìm thấy treo thân lủng lẳng trong góc tủ áo và cô để lại cuốn nhật ký của mình trong cặp sách của người kể chuyện.

Đã có giả thuyết là cô tự tử và đã phản bội tổ quốc, phản bội đảng. Lola bị tuyên bố tội trạng trong một buổi lễ ở trường học. Sau đó, người kể chuyện đã đọc nhật ký của Lola với ba người bạn trai, Edgar, Georg và Kurt.  Họ thấy Lola đã có những hành động mà mục đích là lật đổ chế độ hiện tại. Bốn người đều là người Romania thiểu số nói tiếng Đức đã nhận được những lá thư từ những người mẹ của họ than phiền về những yếu đuối là tại sao những đứa trẻ của các bà tham gia tổ chức chống đối và đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Thư cũng đề cập đến những người cha là nhân viên SS thời xưa cũ. Bốn người giấu cuốn nhật ký và những tài liệu kể cả hình ảnh và sách vở trong một cái giếng cạn ở nhà nghỉ mùa hè trong phố. Rất nhanh chóng với cái mũi ngửi của mật vụ, đại úy Pjele đã vào cuộc và tỏ ra thích thú với những đối tượng điều tra này. Cả bốn bị tra vấn, những vật sở hữu bị lục xét, những lá thư bị mở ra và họ bị sa vào âm mưu của viên đại úy mật vụ này và đám chó săn của hắn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cả bốn người tan tác khắp bốn phương nhưng họ vẫn liên lạc với nhau qua thư từ hay những cuộc gặp mặt, mặc dù thư từ bị kiểm duyệt bởi mật vụ Securitate. Họ làm nhiều việc: Kurt làm quản lý một lò heo, còn người kể chuyện thì làm thông dịch viên Đức ngữ của một xưởng máy. Nhân vật thứ năm, Tezeram, bạn của người kể chuyện thì vào sinh hoạt đảng theo lệnh của Pjele.

Cuộc sống của cả năm người thật tội nghiệp và mỗi người phải hoàn thành những yêu cầu của chế độ đòi hỏi mỗi khi họ bị mất việc vì những lý do chính trị. Họ nói với nhau về ý định trốn thoát khỏi xứ sở này và Georg là người đầu tiên nhưng một tuần lễ sau khi đến Đức, anh tự tử bằng cách bước ra ngoài cửa sổ của một khách sạn ở Frankfurt. Người kể chuyện và Edgar có giấy nhập cảnh đến Đức nhưng vẫn bị hăm dọa tính mạng. Kurt ở lại Romania, không còn làm việc được và sau đó thì người ta thấy anh bị treo cổ. Tiểu thuyết chấm dứt với cùng một thông điệp đã có từ lúc khởi đầu.

Tác phẩm tiếp theo là “Drueckender tango” (Oppressive Tango – Bản tango ức chế) viết về hiện thực đời sống đầy những ức chế, tham nhũng, lũng đoạn của một chế độ độc tài với những người dân ở trong làng Nitzkydorf nơi sinh quán của bà. Cuốn sách này bị chế độ Ceausescu cấm phát hành và bị lên án dữ dội, và bị sở mật vụ Securitate theo dõi canh chừng. Nhưng tác phẩm sau khi in và phát hành được ở ngoài nước Romania thì được khen ngợi và được sự chú ý của giới truuyền thông Âu châu.

Mặc dù, thư ký Hội đồng giám khảo giải Nobel Peter Englund phát biểu rằng giải thưởng không phải là để kỷ niệm thời điểm 20 năm sụp đổ của chế độ Cộng sản, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng sự liên hệ đó là có thực. Michael Krueger, người đứng đầu cơ sở xuất bản Hanser Verlag nhận xét:

Trao giải thưởng cho Herta Mueller, người trưởng thành ở một cộng đồng thiểu số nói tiếng Đức ở Romania là đã thừa nhận một tác giả đã từ chối đứng về phía phi nhân bản dưới chế độ Cộng sản và làm cho không bị quên lãng từ 20 năm sau khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây chấm dứt…””

Thủ tướng Đức, bà Angela Markel đã ca ngợi hết lời những công trình văn học của Herta: “Đó là văn chương xuất chúng đã được lấy ra từ kinh nghiệm sống dưới chế độ độc tài”. Và khi được hỏi về tác phẩm Niederungen, bà nói: “Ngày hôm nay, sau 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, đó là một thông điệp tuyệt hảo rằng có một công trình văn học rất giá trị như vậy về những kinh nghiệm sống này đang được vinh danh và ngợi ca với giải Nobel văn chương…””

Peter Englund nói “Độc giả chỉ cần đọc nửa trang sách thôi cũng đủ hiểu ngay về phong thái văn chương của Herta Mueller.”

Hầu hết những tác phẩm của bà đều in ở Đức. Có những tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha như: The Passport (Sổ thông hành), The Land of Green Plums (Lãnh địa của những trái mận xanh), Traveling on One Leg (Du hành bằng độc cước), The Appointment (Buổi  triệu tập tra vấn). Cuốn sách mới nhất của bà là “Atemschaukel” được dịch ra Anh ngữ: “Swinding Breath” (Nhịp thở chập chờn) được đề cử giải German Book Prize.

Herta Mueller cũng nói về dân ca Romania mà âm nhạc đã giữ một vai trò đặc biệt trong tâm cảm của bà: “Khi tôi bắt đầu nghe bản nhạc đầu tiên của Maria Tanase với những âm thanh tạo những ý nghĩ bất ngờ cho tôi. Đó là thời khắc đầu tiên tôi cảm thấy thực sự những bản dân ca đó như thế nào. Nhạc dân ca Romania đã nối liền hiện thực bằng những con đường đầy ý nghĩa…

Một yếu tố quan trọng khác đã ảnh hưởng tới sáng tác của bà đến từ người chồng, nhà văn, nhà biên khảo Richard Wagner. Cả hai cùng sinh ra và trưởng thành ở Romania, cùng là thành viên và cùng sinh hoạt trong nhóm trí thức Banat Swabian và cũng cùng ghi danh theo học những lớp về văn chương Romania và Đức ở đại học Timisoara. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai cùng hành nghề giáo sư dạy Đức ngữ và cùng là hội viên của Aktionsgruppe Banat, một phong trào văn hóa tranh đấu cho tự do ngôn luận. Và cũng giống như người vợ, Wagner cũng đã hoàn thành nhiều tác phẩm gồm tiểu thuyết và biên khảo.

Herta Mueller có nhiều liên hệ với nhóm Aktionsgruppe Banat và đã có ảnh hưởng đến sự kiên  cường của bà khi viết văn. Mặc dù, bà rất hiểu về những đe dọa và những nguy hiểm tạo ra nhiều trở ngại cho cuộc sống từ chế độ và cơ quan mật vụ khét tiếng là tàn bạo Securitate tạo ra. Thêm vào đó, khi tác phẩm của bà được tiểu thuyết hóa, bà đã đặt trên sự thực đã xảy ra hàng ngày của đời thường, từ những nhân vật có thực trong đời sống. Cuốn The Land of Green Plums có nhân vật biểu trưng là những người bạn thân thiết với bà trong nhóm Aktionsgruppe và bà viết với chủ ý tưởng niệm hai người bạn thân đã chết mà bà cho rằng đã bị cơ quan mật vụ thủ tiêu.[NMT]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


− one = 8