LINK của Đài Á Châu Tự Do: BÀI VIẾT VỀ TỦ SÁCH TIẾNG QUÊ HƯƠNG
BÀI PHỎNG VẤN NHÀ VĂN,NHÀ BÁO UYÊN THAO
Liên tiếp trong hai tuần lễ từ Chủ Nhật 17 đến thứ Ba 19 tháng 4 và Chủ Nhật 24 đến thứ Ba 26 tháng 4 năm 2011, Nhà Việt Nam thuộc Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức trưng bày những cuốn sách do Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành tại trụ sở Nhà Việt Nam đường Hillwood, thành phố Falls Church, bắc Virginia. Nhân dịp này Hà Vũ đã trao đổi với nhà văn Uyên Thao, người chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng Đồng tuần này.
Hà Vũ – VOA | Washington DC
Nhà văn Uyên Thao tên thật là Vũ Quốc Châu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, bắt đầu viết văn từ năm 1952. Vào Saigon năm 1953, ông cộng tác với nhiều tờ báo cũng như những tập san văn học nghệ thuật. Sở trường của ông là sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật. Cuộc đời của ông gặp nhiều long đong, ba chìm bảy nổi. Nhà tù quốc gia ông trải qua bốn lần từ năm 1957 đến 1974 và trại giam cộng sản cũng là nơi ông lưu ngụ dài hạn từ tháng 8 năm 1975 cho đến năm 1986. Ông nằm trong danh sách 3 người bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh. Tuy nhiên nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuối năm 1999 ông được đi định cư tại Mỹ theo diện tị nạn chính trị.
Tác phẩm của nhà văn Uyên Thao gồm đủ thể loại trong đó có những tác phẩm đã in trên báo và xuất bản như hai cuốn tiểu thuyết “Những Con Cọp Cháy Móng” đăng trên Tạp chí Sinh Lực-Sài Gòn từ năm 1959 đến 1961, “Trống Trận” đăng trên Nhật báo Tin Sáng vào năm 1964 và cuốn dã sử tiểu thuyết “Trong Ánh Lửa Thù” đăng trên Nhật báo Người Việt California từ năm 1996 đến 1997, và tập thơ viết trong tù “Không Tên” 1992. Ông cũng là nhà phê bình văn học với hai tác phẩm “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960” gồm 6 tập do Nhà Xuất Bản Hồng Lĩnh ấn hành tại Sài Gòn năm 1970 và “Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970” do Nhà Xuất Bản Nhân Chủ ấn hành tại Saigon năm 1973. Ông cũng sáng lập và điều hành nhật báo Sóng Thần từ năm 1970 đến 1974.
Ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ vào cuối năm 1999, nhà văn Uyên Thao đã nghĩ đến chuyện thành lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Ông cho biết:
“Là những người sinh hoạt xa xứ trong cuộc đời lưu vong, việc đầu tiên mình không thể không nghĩ tới là ngôn ngữ của mình. Làm sao có thể giữ được ngôn ngữ, tiếng mẹ của mình. Làm sao cho nó tiếp tục tồn tại. Đấy là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai là tôi nghĩ rằng đời sống của đất nước mình có nhiều vấn đề không thể nào không ghi lại được. Sinh hoạt sách vở là sinh hoạt phản ánh được cái đó. Đấy là 2 điều đầu tiên mình phải nghĩ đến. Một điều nữa có vẻ mang thời sự tính là từ những chuyện mình hiểu biết về thực tế, từ cái chuyện mình không quên được tiếng mẹ của mình thì mình có thể có một ý thức nào khác góp phần vào công việc chung hay không. Sách vở có thể đóng góp thêm vào những vận động gọi là vận động chung để đổi đời cho đất nước của mình. Đấy là những cái tôi chú trọng.”
Nhà văn Uyên Thao cho biết thêm là Tủ Sách Tiếng Quê Hương nhận được sự cộng tác của rất nhiều bạn bè ngay từ khi ông khởi xướng việc này.
“Tôi sang đây hơi trễ nhưng ngay khi mình nghĩ tới tủ sách này thì tôi viết thư cho tất cả những người bạn cũ tôi có được địa chỉ thì hầu như ai cũng sẵn sàng tiếp tay, ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Chính vì vậy mình mới có thể thành lập được tủ sách.”
Tủ Sách Tiếng Quê Hương được thành hình vào đầu năm 2000 vài tháng sau khi nhà văn Uyên Thao đặt chân lên nước Mỹ và tác phẩm đầu tiên được phát hành vào tháng 9 cùng năm là tập truyện ngắn “Thân Phận Ma Trơi” của Nguyễn Thụy Long. Được hỏi về việc chọn lựa sách để xuất bản, nhà văn Uyên Thao cho biết:
“Cái này khó. Phải nói ngay là tùy thực tế thôi. Có những người mình biết chắc là những tác phẩm của họ ra sao. Chẳng hạn trước khi tôi rời khỏi Việt Nam, tôi đã nắm được hai cuốn sách của Nguyễn Thụy Long là người viết và đưa cho mình đọc vào lúc mình còn ở Sài Gòn. Tôi lưu giữ lại tất cả những truyện ngắn của Nguyễn Thụy Long và khi đi tôi đã lén mang theo. Đấy là một trường hợp. Trường hợp khác thì có những người sách của họ viết ra đưa cho in ở Sài Gòn nhưng bị cấm như trường hợp Bùi Ngọc Tấn chẳng hạn. Ngoài nữa có những trường hợp của các người ở các nơi viết thoải mái như bạn bè mình ở hải ngoại này, mình thấy những tác phẩm đó bây giờ cứ viết ra để đấy thì tội lắm, mình thấy đáng in, cần in thì in. Phải nói ngay là những sự phát hiện, tiếp xúc với các tác giả thì tùy trường hợp thôi, không nhất định như thế nào.”
Nhà văn Uyên Thao nói thêm là không như các nhà xuất bản của Mỹ khi chọn in một tác phẩm nào thường cân nhắc tác phẩm đó có hấp dẫn không, có thể bán được, có mang nhiều lợi nhuận cho nhà xuất bản hay không. Tủ Sách Tiếng Quê Hương không như vậy. Ông giải thích:
“Tủ Sách Tiếng Quê Hương đặt nặng khía cạnh khác là muốn làm sao có thể lưu lại được tâm tư, nhận thức, cái thực tế của cuộc sống. Bọn tôi không bao giờ lưu tâm đến tên của một tác giả nào nổi tiếng hay không nổi tiếng mà thấy rằng tác phẩm đó quả thực đáp ứng được đúng những đòi hỏi của mình tức là nó giống như một chứng liệu cho thời đại, chứng liệu cho đời sống của đất nước mình thì dù là tác phẩm nào chúng tôi cũng in ra.”
Tuy nhiên đối với những tác phẩm từ trong nước gởi ra Tủ Sách Tiếng Quê Hương phải cân nhắc đến sự an nguy và tình cảnh gia đình của tác giả còn ở lại trong nước trước khi quyết định in hay không. Nhà văn Uyên Thao nói:
“Mình với các tác giả phải đồng ý với nhau. Trước khi đưa cuốn sách đó đến với độc giả mình phải lượng được rằng người viết sẽ phải chịu những gì. Có những người trả lời rất dứt khoát thôi. Cái gì cũng được cứ việc làm đi. Tức là họ cần phải gióng lên tiếng nói của họ trước dư luận còn hậu quả như thế nào họ sẵn sàng chịu. Trong trường hợp đó chúng tôi làm. Nhưng cũng có những trường hợp phải nói ngay là mình phải dè dặt và cuối cùng chúng tôi phải từ chối. Chẳng hạn như có một tác giả gởi sách cho bọn tôi. Tuần lễ sau tôi nhận được một bức thư của vợ tác giả. Người vợ đó nói với tôi rằng chú mà in thì gia đình cháu sẽ nguy hiểm lắm. Trong trường hợp đó tôi nghĩ rằng chuyện đó phải xét lại và khi tôi đặt vấn đề phải xét lại thì người viết sách nói là cháu chấp nhận ly dị vợ để in chớ cháu không thể nào nhìn thấy đất nước mình bây giờ mà cháu ngậm miệng được. Nếu vợ cháu sợ thì cháu sẽ ly dị. Ngay trường hợp đó tôi cũng thấy là tôi không dám in. Tôi nói phải thu xếp chuyện gia đình.”
Nhà văn Uyên Thao dù lớn tuổi nhưng Tủ Sách Tiếng Quê Hương vẫn là nỗ lực của ông trong lúc này:
“Tất cả cố gắng của tôi là làm sao giới thiệu những tác phẩm của những người viết mà không có dịp để đưa tiếng nói ra trước công chúng. Nỗ lực lớn nhất của tôi chỉ là cái đó thôi. Chớ ở tuổi 80 rồi thì không thể làm được những việc gì khác.”
Hiện nay Tủ Sách Tiếng Quê Hương đang vận động thành lập một tập họp độc giả yêu qúy sách tiếng Việt lấy tên là Nhóm Bạn Tiếng Quê Hương-Tiếng Quê Hương Book Club để sinh hoạt sách báo Việt ngữ hải ngoại ngày càng phong phú hơn.
Sang Thứ Ba, 03 tháng 5 2011
Nếu có thêm trang mạng cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương thì việc phổ biến các tác phẩm đến bạn đọc ở xa càng dễ dàng hơn. Hy vọng cũng sẽ có.
Kiến Càng Thứ Sáu, 06 tháng 5 2011
Với bác Uyên Thao, 66 năm, thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, nhờ chính phủ Mĩ can thiệp mà bác đã được thân thể ở ngoài lao. Xin chúc mừng bác! Với dân lành VN, 66 năm, thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, ngày 4.4.2011 có người ví như hơi thở hắt ra trước khi chết của hệ tư tưởng độc tài? Dân lành Việt sẽ được thân thể ở ngoài lao chăng?
Phùng Mai Australia (Úc) Chủ nhật, 15 tháng 5 2011
Hôm nay tôi biết thêm được một “Tù Nhân Lương Tâm” mới tên là Vũ Quốc Châu, và xin cảm ơn bác đã gởi tặng chúng tôi một hộp sách gồm nhiều tác phẩm khác nhau, và cáo lỗi vì chúng tôi mang tên “Quỹ Tù Nhân Lương Tâm” mà không biết bác cũng là một tù nhân lương tâm.
Mọi giao dịch xin gửi thư về:
TỦ SÁCH TIẾNG QUÊ HƯƠNG
P.O. Box 4653
Falls Church, VA 22044
hoặc E-mail:
uyenthao1@yahoo.com or uyenthaodc@gmail.com
• Sách gửi tận nhà thêm 3USD bưu phí hoặc 10USD (ngoài Hoa Kỳ)
• Xin chỉ thanh toán ấn phí sau khi đã nhận sách