Tiếng Quê Hương


Giới Thiệu Sách Mới

HERTA MÜLLER
cuộc đời và văn nghiệp

Năm 2009, Herta Müller gắn bó với cây bút tròn 33 năm, nhận giải quốc tế nhân quyền Franz Werfel Human Rights, đồng thời tác phẩm Atemschaukel được đề cử giải Văn Học Đức Deutsch Buchpreis. Ngày 8-10-2009, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố quyết định trao tặng bà giải Nobel Văn Học và Herta Müller trở thành người phụ nữ thứ 12 trên thế giới nhận vinh dự này.
Hertha Müller sinh trưởng tại làng Nitzkydorf thuộc vùng Banat miền tây Romania, nơi định cư từ nhiều đời của một thiểu số người Romania gốc Đức – nhóm dân Schwaben.
Ông nội Herta Müller là một điền chủ và cũng là một thương gia giàu có trong vùng. Cha của Herta Müller từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc Xã thời đệ nhị thế chiến trước 1945.
Năm 1945, khi Romania đặt dưới quyền thống trị Cộng Sản, toàn bộ gia tài của ông nội Müller đều bị tịch thu và hàng trăm ngàn người gốc Đức bị đưa vào các trại cưỡng bức lao động tại Nga Xô cho đến năm 1950 mới được thả về. Trong số này có mẹ của Herta Müller là một thiếu nữ 17 tuổi vào năm 1945. Sau năm 1950, cha của Herta Müller mưu sinh bằng nghề tài xế lái xe vận tải tại Romania và đã gặp cô gái vừa ra khỏi trại tù.
Herta Müller sinh ngày 17-8-1953, dù sống tại Banat vẫn nói tiếng Đức cho tới khi 15 tuổi vào trường trung học mới bắt đầu học tiếng Romania.
Từ 1973 đến 1976, Müller là sinh viên chuyên khoa nghiên cứu về Đức Ngữ và văn học Romania tại trường đại học Timişoara.
Năm 1976 bà là thông dịch viên tại một công ty kỹ nghệ nhưng năm 1979 bị sa thải do từ chối yêu cầu cộng tác với mật vụ Romania. Thất nghiệp, bà phải đi dạy kèm tiếng Đức cho trẻ nhỏ tại các tư gia và làm việc cho một số trường mẫu giáo, nhưng do đó bắt đầu chuyên tâm sáng tác văn học.
Khi còn là sinh viên, Herta Müller đã quan hệ với Aktionsgruppe Banat — Nhóm Hành Động Vùng Banat — quy tụ một số cây bút trẻ nói tiếng Đức bất đồng với chính sách kiểm duyệt và chỉ đạo văn học. Nhóm này bị mật vụ phá vỡ năm 1976, nhưng ít lâu sau, một số thành viên lập ra Câu Lạc Bộ Văn Học Adam Müller Guttenbrunn (*) sinh hoạt công khai với chủ trương chống mọi hình thức độc tài chuyên chế. Herta Müller là người phụ nữ duy nhất trong câu lạc bộ này.
Tác phẩm đầu tay của Herta Müller là tập truyện ngắn Niederungen — Vùng Thấp — phản ảnh tâm tư và cuộc sống của giới trẻ vùng Banat trong cảnh ngộ đói khổ, hãi hùng, vô vọng giữa vòng vây áp chế, nhũng lạm nên bị kết án là tác phẩm bôi nhọ quê hương. Tác phẩm bị cấm cản suốt 4 năm chỉ được xuất bản năm 1982 tại Bucharest sau khi qua lưỡi kéo kiểm duyệt khắc nghiệt.
Năm 1984, nhờ ấn bản tại Đức, độc giả mới nhận rõ chân dung tác phẩm và năm 1999, tác phẩm thực sự phổ biến nhờ bản dịch tiếng Anh mang tựa đề Nadirs do University of Nebraska Press ấn hành.
Với chế độ độc tài đảng trị Romania, các thành viên câu lạc bộ Adam Müller Guttenbrunn trở thành đối tượng cần trừ khử bằng mọi cách từ bao vây, khủng bố tinh thần tới ám toán thủ tiêu. Herta Müller may mắn thoát chết nhờ sự can thiệp tích cực từ phía thế giới tự do, đặc biệt là Cộng Hòa Liên Bang Đức nên cuối cùng chính quyền Romania buộc phải thuận cho Hertha Müller cùng chồng di cư qua Tây Berlin.
Tại Tây Đức, bà là giáo sư thỉnh giảng rồi giáo sư tại một số trường đại học, hội viên PEN Zentrum Deutschland – Trung Tâm Văn Bút Đức, thành viên Deutsche Akademie für Sprache und Dichtung – Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ và Văn Chương Đức …
Tuy nhiên công việc chính của Herta Müller vẫn là sáng tác văn học. Tính tới năm 2009, Herta Müller đã hoàn thành hơn 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, khảo luận và kể từ 1981, bà đã nhận được hơn 20 giải thưởng quốc tế trong đó có 12 giải về văn chương, trước khi được tặng giải Nobel 2009.
Tác phẩm của Herta Müller được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, trong đó cuốn Atemschaukel có 2 bản dịch Anh ngữ với tựa đề The Hunger Angel và Everything I Possess I Carry With Me, cuốn Herztier với bản Anh ngữ tựa đề The Land of Green Plums và cuốn Heute wär ich mir lieber nicht begegnet với bản Anh ngữ tựa đề The Appointment…
Cả 3 tác phẩm trên đều mang hình thức giả tưởng nhưng gắn chặt với cuộc sống của tác giả tại Romania từ tuổi thơ cho tới năm 1987 với chủ điểm diễn tả những nghịch cảnh bi thảm uất nghẹn mà chế độ Cộng Sản độc tài đã tạo ra do muu toan trà đạp hủy hoại cuộc sống cùng phẩm giá con người. Giải thích về lý do kiên trì với ý hướng sáng tác đó, Herta Müller đã kể lại kinh nghiệm của chính bản thân từ khi từ chối yêu cầu cộng tác của mật vụ Romania với lời phát biểu “nỗi sợ hãi cái chết đã đưa đến cơn khát về cuộc sống.”
Cùng với tính chất nội dung đó, hầu hết tác phẩm của Herta Müller đều có tựa đề mang tính ẩn dụ tượng hình và đặc trưng nghệ thuật Herta Müller phảng phất tính kỳ bí Franz Kafka hòa tan trong màu sắc thi ca như nhận định của Michael  Krugger, giám đốc nhà xuất bản Carl Hanser :“Bà đã cố gắng gìn giữ ký ức về  sự phi nhân của chế độ Cộng Sản.
Bà là điển hình cho một dòng văn chương Âu châu quyết tâm đem lịch sử vào hiện tại với sự sắc sảo của phân tích và chính xác của thi ca.”
Nhận định này cũng được chính Hàn Lâm Viện Thụy Điển nêu ra khi nói vế quyết định trao tặng giải Nobel Văn Học 2009 cho Herta Müller qua sự phát biểu Herta Müller là một tác giả không chấp nhận cho chìm sâu vào quên lãng các hành vi bạo ngược hủy hoại sự sống con người mà các chế độ Cộng Sản đã theo đuổi.
Nói chung từ cuộc sống tới văn chương của Herta Müller chính là những tiếng thét gào thúc đẩy con người vùng dậy trong nỗ lực xua tan hiểm họa Cộng Sản, kể cả khi bị vây hãm trùng điệp giữa hàng hàng lớp lớp tai ương dựng lên bởi những thế lực bạo quyền tàn độc nhất.
Chính vì thế mà theo tin từ nhà xuất bản Carl Hanser, chính quyền Việt Nam không những không cho dịch tác phẩm của Herta Müller ra Việt ngữ mà còn cấm tuyệt đối hết thẩy tác phẩm của Herta Müller từ nguyên tác tới bản dịch qua bất kỳ ngôn ngữ nào.
 UYÊN THAO
_________________________________
(*) Adam Müller Guttenbrunn (1852–1923) : Nhà văn Áo nổi tiếng và cũng là người quyết liệt chống lại các chủ trương tiêu trừ những nền văn hóa khác biệt.

Bài 02

Về tác phẩm HERZTIER — THÚ NGƯỜI — của Herta Müller

Romania vào những năm 1980, một nhóm bạn cùng họp nhau chống lại chế độ khủng bố của nhà độc tài Ceausescu.
Họ viết những bài thơ đả phá và ghi lại những kiểm soát hằng ngày của cơ quan an ninh. Và rồi họ trở thành nạn nhân những vụ theo dõi, lùng bắt.
Cả khi 3 người trong bọn họ đã di tản qua Tây Đức cuộc khủng bố vẫn đuổi theo và tiếp diễn ở đó.
Herztier — Thú Người, quyển tiểu thuyết thứ hai của Herta Müller xuất bản lần đầu vào năm 1994 đã vẽ lại hình ảnh không thể nào quên của một chế độ độc trị, một bộ máy chính quyền thù địch với con người, sự sợ sệt bao trùm khắp nơi, tình yêu trong tuyệt vọng, tình bạn mong manh và lòng thù ghét hắc ám đã trở thành tâm trạng cơ bản của người dân ở đây. Đồng thời cũng diễn qua mắt độc giả một nghệ thuật ngôn ngữ, một bài thơ đẹp và cá biệt với những từ ngữ ẩn dụ đầy ma thuật.
Sau cùng, quyển tiểu thuyết với giọng văn độc đáo, không thể lẫn, đã đưa nhà văn Herta Müller đứng vào vị trí quan trọng và đặc biệt trong văn học Đức.
Herta Müller sinh năm 1953 ở vùng Banat một làng nói tiếng Đức tại Romania.
Khi các tác phẩm bị cấm phát hành và tác giả bị cơ quan an ninh đàn áp, bà đã được qua Berlin tị nạn và hiện nay vẫn sống ở đây.
Những tác phẩm nổi danh của bà gồm bộ truyện Reisende auf einem Bein – Du Hành Một Chân, Der Fuchs war damals schon der Jäger – Con Cáo Khi Xưa Đã Là Thợ Săn  vv …
Với Herztier – Thú Người, Herta Müller nhận giải thưởng Văn Chương Nghệ Thuật Impac Dublin, giải thưởng cao nhất trên thế giới dành cho tác phẩm văn chương.
Từ đó đến nay tác phẩm còn nhận thêm rất nhiều giải thưởng văn học khác như giải Kleist, giải Franz Kafka, giải Walter Hasenclever …
 NHÀ XUẤT BẢN FISCHER
www. fischerverlage.de
Bài 03
LỜI NGƯỜI DỊCH về tác phẩm THÚ NGƯỜI
Dương Hoàng Dung

Năm 2009, khi giải Nobel Văn Chương công bố dành cho nữ văn sĩ Đức Herta Müller, rất nhiều người ngạc nhiên, kể cả nhiều người dân Đức, vì truớc đó họ chưa hề biết đến tên Herta Müller.
Đây là sự kiện rất thường xảy ra trong giải Nobel Văn Chương : nhiều người không biết đến một tác giả lãnh giải Nobel Văn Chương vì có nhiều tác giả khác với các tác phẩm được ưa thích và phổ biến hơn.
Thực tế trong giới văn chương ở Đức, từ lâu Herta Müller đã là tác giả nhận rất nhiều giải thưởng văn học, trước khi trở thành nhà văn nữ thứ 12 nhận giải Nobel Văn Chương.
Nhưng các tác phẩm của bà có ít người đọc và số độc giả chỉ đông hơn sau khi bà được nhận giải Nobel.
Vì các tác phẩm này đều có đặc điểm chung là không dễ đọc. Chúng là những tác phẩm dành cho giới yêu thích văn chương chứ không chỉ để đọc giải trí.
Herta Müller thuộc nhóm dân thiểu số nói tiếng Đức ở Romania, nhóm dân có gốc Banate Schwabe.
Ngôn ngữ bà dùng là thứ tiếng Đức được xử dụng của người dân Romania gốc Đức và đầy tính sáng  tạo.  Cho nên có những từ tiếng Đức trong tác phẩm của bà không tìm thấy trong tự điển Đức và người Đức không hề nghe đến như từ Herztier, tựa đề tác phẩm này.
Tác phẩm Herztier được Michael Hofmann dịch ra tiếng Anh với tựa đề The Land of Green Plums – Vùng Những Trái Mận Xanh. Bản dịch tiếng Anh đã nhận giải International Impac Dublin Literary, một giải cao quý trong lãnh vực văn chương.
Từ Herztier được tác giả hình thành từ ngụ từ ẩn dụ tiếng Romania “Inimal” bao gồm hai từ “Inima” (Herz – trái tim) và “Animal” (Tier – con thú ).
“Wenn das Lied zu Ende ist, glaubt sie, das Kind liegt tief im Schlaf. Sie sagt: Ruh dein Herztier aus, du hast heute so viel gespielt.“ (Seite 40) : Khi bài hát chấm dứt, bà nghĩ đứa nhỏ đã ngủ say. Bà bảo, hãy để con thú người trong cháu nghỉ ngơi, hôm nay cháu đã chơi nhiều quá rồi.”
“Er liebt sie nicht, aber sie kann ihn beherrschen, indem sie zu ihm sagt: Dein Herztier ist eine Maus.“ (Seite 81) : Ông không yêu bà nhưng bà có thể chế ngự ông khi bà bảo, con thú người của ông là một con chuột.”
“Aus jedem Mund kroch der Atem in die kalte Luft. Vor unseren Gesichtern zog ein Rudel fliehender Tiere. Ich sagte zu Georg: Schau, dein Herztier zieht aus. (Seite 89) : Từ những cái miệng, hơi thở ra lần vào không khí lạnh. Trước mặt chúng tôi một đàn thú đang bay ra. Tôi bảo với Georg, xem kìa, con thú người của anh đang bay đi.”

Theo truyện, mỗi người đều mang trong tâm hồn mình một con thú. Con thú này quyết định cá tính và nội tâm của người đó. Từ ngữ “Inimal” tác giả học được từ người bà của mình, ngụ ý chỉ một con thú nhỏ, chỉ có trong trí tưởng tượng, nó sống động, khó bị lẫn và chỉ bị tiêu diệt khi người ta chết.
Một con thú ẩn náu trong tâm hồn mỗi người và dễ bị tiêu diệt trong cảnh áp bức, bạo lực, sợ hãi.
Do ý nghĩa trên, tôi quyết định gọi qua tiếng Việt là Con Thú Trong Người hay ngắn gọn hơn là Thú Người làm tựa đề tác phẩm.
Tác phẩm cũng là một phần tự thuật cuộc đời của Herta Müller. Tương tự nhân vật chính, bà từng sống dưới chế độ độc tài Ceaucescus và làm công tác phiên dịch trong một xí nghiệp kỹ nghệ.
Bà được phép qua Đức di trú khi cuộc sống của bà bị đe dọa bởi sở an ninh mật vụ. Chế độ độc tài Romania kéo dài từ năm 1967 đến năm 1989 khi cuộc cách mạng đẫm máu xảy ra ở Temeswar. Tác phẩm tả thực trạng thê thảm của đất nước Romania những năm 1980, thuật lại việc những người dân can đảm có ý thức phản kháng chế độ độc tài tại thành phố Temeswar, thành phố đa văn hóa, trong đó có nhóm dân gốc Đức Banate Schwabe.
Truyện kể về những cuộc theo dõi, lùng bắt, đe dọa với lời văn ẩn dụ đầy tính chất thơ nhưng không dài dòng, văn chương mà ngắn gọn, trực tiếp đến mức tàn nhẫn, trần trụi như những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống dưới chế độ độc tài.
Cảm xúc các nhân vật trong truyện là cảm xúc mà tác giả đã trải qua, phản ánh nỗi sợ hãi, bế tắc, nghi ngờ trong một cuộc sống không thể chịu nổi với những bất công, áp chế.
Người ta luôn nghe tin đồn về những cuộc vượt biên bị bắt trở lại hay bị giết. Cuộc sống ngày thường thì với những mánh mung, dối trá và hối lộ.
Herta Müller đã thành công khi không ghi trực tiếp kẻ giết người là ai, hành động giết người có xảy ra thật hay không. Qua đó người ta thấy rõ hơn tính che đậy dối trá của bộ máy chính quyền giết người.
Những người phản kháng trẻ tuổi trong truyện phải sống với cảnh đe dọa nặng nề, đã đi từ nỗi sợ hãi đến mức tuyệt vọng muốn tự tử.
Từng câu văn trong tác phẩm không chỉ là tường thuật mà qua những ẩn dụ, những từ ngữ độc đáo mang nhiều tưởng tượng đã khiến người đọc sống cùng với cảm xúc của nhân vật trong truyện :
– Những bức thư đã biết trước sẽ bị đọc lén với những ẩn dụ, như khi dấu hỏi thay cho dấu chấm than trong lời gọi tên mở đầu lá thư có nghĩa là vừa nhận lời đe dọa bị giết.
– Những hộp diêm với những que diêm nằm xếp lớp được ví như chiếc quan tài và những người bị giết.
– Những con ngựa bị bịt mắt chỉ biết bước thẳng tới là những người cao ngạo vênh vang như những con ngựa được mang giầy cao gót …
Khoảng không gian tác giả tả không chỉ cho người đọc thấy cảnh mà mang theo đó mùi vị cảm xúc.
Câu chuyện về những người trẻ tuổi không muốn làm anh hùng mà chỉ muốn có một cuộc sống mới, đổi khác, chỉ mong xã hội mình sống có những điều kiện sống tốt đẹp hơn.

Thú Người không chỉ là câu chuyện tường thuật bình thường mà trên hết là một tác phẩm văn chương nghệ thuật, một bài thơ bằng văn xuôi, đã cho thấy tác giả được lãnh giải Nobel không phải từ mối thiện cảm việc ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài mà do tính sáng tạo trong văn học của ngòi bút một nhà văn đã đứng trong Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ Đức. Nhiều độc giả Đức khi đọc bản chính tác phẩm Herztier đã phải đọc ít nhất hai lần để có thể hiểu hết ý tác giả. Có những ngụ ý, ẩn dụ sẽ bị bỏ qua nếu không đọc lại lần thứ hai.
Đây là một quyển sách khó đọc và do thế cũng khó dịch, không chỉ vì có những từ ngữ địa phương mà phần lớn vì cách hành văn đầy ý ẩn dụ của tác giả với những từ ngữ “tự chế” như cỏ mọc trong đầu hay bước chân dẫm trên lưỡi.
Có những đoạn văn nhảy từ khoảng không gian này sang khoảng không gian khác, chạy theo ý tưởng, ký ức khiến người đọc bị dẫn vào những nẻo đường mù mờ, như tâm trạng nhân vật chính trong truyện.
Do thế, bản dịch dễ bị sa vào tình trạng mù mờ nếu người đọc chưa hề biết ý chính của tác giả.
Như câu : “Chúng ta thật khó chịu khi phải im lặng nhưng khi cất tiếng nói, chúng ta lại trở nên lố bịch” là câu mở đầu và cũng là câu kết thúc của tác phẩm.
Xin kết thúc lời mở đầu cho bản dịch Thú Người như sau : “Nếu chúng ta dịch hết những từ ngữ địa phương, những câu văn ẩn dụ bóng bẩy trong nguyên văn tác phẩm thành những từ thông dụng ở Việt Nam, những câu văn dễ hiểu cho người Việt Nam, thì chúng ta đã phá bỏ phần nào giọng văn của Herta Müller.
Nếu chúng ta dịch với giọng văn khó hiểu, ẩn dụ kỳ bí, ý tưởng nhảy đoạn theo như tác giả thì bản dịch có thể trở nên lố bịch.”
Do vậy mong thứ lỗi khi có sai sót hay những câu chữ không vừa ý độc giả.
Chúc tất cả có nhiều hứng thú và cảm xúc khi đọc quyển sách này.
Mọi góp ý, phê bình đều có ý nghĩa khích lệ người dịch.

 DƯƠNG HOÀNG DUNG
Munich, 11-11-2011

Bài 04

VÀI NÉT VỀ VÕ THỊ HẢO
& DẠ TIỆC QUỶ.

Bút danh Võ Thị Hảo trở nên quen thuộc không chỉ do thái độ bất khuất trước các hiểm họa đe dọa cuộc sống an lành của con người mà còn qua các sáng tác văn học độc đáo từ tố chất nội dung tới phong cách nghệ thuật.
Võ Thị Hảo sinh ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại nguyên quán Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An, từ năm 1973 là sinh viên Văn Khoa Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1977, Võ Thị Hảo tham gia sinh hoạt báo chí với các vai trò biên tập viên, phóng viên, trưởng văn phòng đại diện, trưởng ban thư ký biên tập. Năm 2002, Võ Thị Hảo đứng vị trí và làm công việc phó tổng biên tập tại một tờ báo, nhưng từ chối gia nhập Đảng Cộng Sản để được thăng chức nên sau đó đã từ bỏ tờ báo này.
Năm 1989, Võ Thị Hảo khởi sự góp mặt trong dòng văn học nghệ thuật với các sáng tác ngắn đăng tải trên báo. Năm 1992, tác phẩm đầu tay Biển Cứu Rỗi được xuất bản và Võ Thị Hảo mau chóng xác định vị thế trong làng văn. Tới nay, Võ Thị Hảo đã xuất bản gần 20 tác phẩm gồm hầu hết là truyện ngắn, ba kịch bản phim truyện và cuốn tiểu thuyết dã sử Giàn Thiêu.
Dị sắc hiển lộ của nghệ thuật sáng tác Võ Thị Hảo là cách ly với vùng trời nghệ thuật từng bao trùm sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam từ thập niên 1930 mà nét đặc trưng có thể tóm gọn theo một phát biểu trước đây của Nhất Linh : Hai tiêu điểm trong nghệ thuật văn chương là đơn giản và trong sáng.
Hai tiêu điểm đơn giản, trong sáng là đòi hỏi mà người sáng tác văn học không chỉ riêng tại Việt Nam theo đuổi và đã khởi từ nhiều thế kỷ trước so với cột mốc văn học Việt Nam 1930. Cho tới thời điểm hiện nay, hai tiêu điểm này vẫn chưa rời vị trí chủ đạo, bất kể qua nhiều đoạn đường thời gian từng xuất hiện không ít người nỗ lực mở ra những khung trời nghệ thuật với các đặc trưng mới.
Võ Thị Hảo chính là một tác giả trong đội ngũ cầm bút chia xẻ ý hướng này.
Qua các tác phẩm Võ Thị Hảo, hai tiêu điểm đơn giản và trong sáng đã nhường chỗ cho hai tiêu điểm sáng tạo và súc tích. Bất kỳ người đọc nào đến với tác phẩm Võ Thị Hảo cũng dễ dàng nhận ra dị sắc này — từ cách vận dụng ngôn từ đến cách nối kết tình tiết, cách tạo dựng nhân vật và bố cục nội dung. Đây là một ưu điểm biểu hiện tinh thần sáng tạo không ngừng, nhưng cũng chính là một trở ngại cho những ai quen tìm cảm giác hưởng thụ nhẹ nhàng với việc đọc sách.
Dưới ngòi bút Võ Thị Hảo, không chỉ thứ lớp thời gian, không gian bị đảo lộn, không chỉ ranh giới giữa thực tại và hư ảo bị xóa nhòa, không chỉ xuất hiện các nhân vật đang trần trụi bỗng trở thành huyền hoặc mà ngay chính mỗi ngôn từ cũng chứa đựng nhiều tầng ẩn nghĩa. Người đọc không thể giữ nguyên cảm giác thoải mái với những bước chân dạo nhẹ bên các khóm hoa dọc theo một lối mòn phẳng phiu êm ả mà buộc phải vận động trí não tối đa để định hướng như khi lạc giữa một chặng đường ngổn ngang chướng ngại. Nếu từng làm quen với tác phẩm Kafka, hay gần đây hơn, với tác phẩm Herta Muller, dị sắc này có thể không gây bất ngờ, nhưng nếu chưa từng rời xa vùng trời quen thuộc của những Khái Hưng, Nhất Linh… hẳn khó tránh ngỡ ngàng trong giây phút đầu bước vào thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo.
Tuy nhiên, dị sắc nổi bật trong thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo chính là nội dung do các tác phẩm chuyển đạt. Qua mọi đề tài, Võ Thị Hảo gần như luôn gắn chặt hướng nhìn vào cuộc sống trước mắt.
Khi kể lại chuyện từ nhiều thế kỷ trước, tác phẩm Võ Thị Hảo vẫn gợi nhắc người đọc về các cảnh ngộ thực tế đang diễn ra với những trầm luân oan nghiệt, những khắc khoải bi thương … khiến dồn dập xô lên những đợt trào cảm xúc nghẹn ngào, phẫn nộ …
Cũng tương tự, dù chỉ kể lại một chuyện tình của tuổi học trò hay kể lại cảnh ngộ những cô gái phải vùi lấp tuổi thanh xuân trong một xó rừng hoang giữa sự dày vò của những cơn khát thèm vô phương giải tỏa… luôn vang vọng tiếng gào uất ức về những tàn khốc, những bỉ ổi của một cõi sống u mê vô cảm, tởm lợm kinh hoàng.
Trong cõi sống đó, nhung nhúc những con người mang mọi thứ màu sắc, được tô điểm bằng mọi thứ mỹ từ chen chúc giữa hằng hà sa số con người đã hóa dạng oan hồn ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời để dựng nên một thế giới tràn ngập cảnh tượng điên rồ man rợ với mức độ hoang dại, hung ác vượt xa cả nếp sống của mọi loài dã thú — một cõi sống không những tước đoạt hết thẩy nhu cầu sống tối thiểu của con người mà còn cuồng nhiệt xô đẩy con người biến thành quỷ dữ…
Đó chính là cuộc sống kéo dài trên đất nước Việt Nam từ gần một trăm năm trước tới nay.
Qua ấn tượng của từng tình tiết trần trụi hoặc mơ hồ, của giọng kể lạnh băng như diễu cợt, như mỉa móc nhưng chứa đầy uất nghẹn, của từng ngôn từ sắc như một nhát chém hoặc dịu ngọt như một lời thơ mang nhiều tầng ẩn dụ, Võ Thị Hảo luôn cho thấy nỗi đau đớn cùng cực và lòng phẫn hận cuộc sống đã buộc nhiều thế hệ hiền lương phải từ bỏ thân phận con người để biến thành công cụ hèn mạt, nhơ nhuốc qụy lụy cúi đầu trước một bầy đồng loại hiến dâng tim óc cho ác quỷ luôn vênh váo tuyên xưng độc quyền nắm giữ cẩm nang thần bí sẽ mở cửa Thiên Đường.
Chính từ dị sắc này, tác phẩm Võ Thị Hảo đã cùng lúc mang hai hình vóc, vừa là lưỡi gươm bênh vực các thân phận bị đọa đày vừa là chướng ngại trên nẻo đường của những thiên-thần-ác-quỷ. Cho nên, ngay trong lúc tác phẩm Võ Thị Hảo được người đọc đón chờ cũng là lúc tác phẩm Võ Thị Hảo bị loại bỏ khỏi thị trường chữ nghĩa — mà thực tế đã cho thấy qua sự kiện hai tác phẩm mới nhất của Võ Thị Hảo, Ngồi Hong Váy Ướt và Dạ Tiệc Quỷ, đều bị cấm xuất bản tại Việt Nam.
Cả hai hình vóc trên không hoàn toàn cách biệt với đối tượng Võ Thị Hảo, nhưng hình thành từ một căn bản xa thẳm với căn bản không thể thiếu khi nhận định về một tác phẩm nghệ thuật nên đã thu gọn tầm nhìn theo giới hạn chủ quan do các vị thế phân lập trong cuộc sống.
Chắc chắn có thể nhìn Võ Thị Hảo như Emile Zola khi viết những trang J’accuse cuối thế kỷ 19 nếu thân phận các nạn nhân đang bị đọa đày tại Việt Nam được hình dung qua cảnh ngộ oan khiên của nạn nhân Alfred Dreyfus. Nhưng đây chỉ là cái nhìn từ một vị thế phân lập rõ ràng trong hình thức cấu thành xã hội chứ không phải cái nhìn bao trọn mối tương quan giữa con người trong cuộc sống và các tác phẩm nghệ thuật.
Với cái nhìn sau này, sẽ không hề có tương hợp giữa tâm cảnh Emile Zola và tâm cảnh Võ Thị Hảo khi cầm bút.
Cây bút trong tay Emile Zola với J’accuse đúng là lưỡi gươm ngăn chống bạo quyền, che chở nạn nhân bị dày xéo nên tâm cảnh người viết khó vươn khỏi mối ưu tư về diễn biến một trận đấu hay một cuộc chiến.  Emile Zola cảm thông với nỗi đau của nạn nhân để bất bình, phẫn nộ nhập cuộc nên dù bị dồn ép bởi không ít đòn thù vẫn không gánh chung nỗi đau của chính nạn nhân, không bao giờ phải nhận chịu những đắng cay, uất nghẹn nối tiếp trút xuống thân phận nạn nhân.
Tiếng nói cất lên từ ngòi bút Emile Zola là tiếng nói từ con tim nhân ái, từ tinh thần nghĩa hiệp, tiếng nói của người tự chọn vị trí trên một trận tuyến đã phân ranh để ngăn chặn các thế lực bạo ngược bóp nghẹt quyền sống của các nạn nhân cô thế. Từ đây, tiếng nói dù xót xa, dù bất bình, dù phẫn nộ vẫn sang sảng âm vang toại nguyện do sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nghèo để bảo toàn nhân cách của con người đúng nghĩa con người.  Dù bị đặt vào cảnh huống chông gai cùng cực, gian khổ trăm bề, tiếng nói vẫn mang giọng ngạo nghễ biểu hiện một khí phách can trường thản nhiên nhìn mọi khó nguy chỉ là các thách thức tất yếu.
Trong khi đó, cây bút trong tay Võ Thị Hảo cất lên tiếng nói không khởi từ một chọn lựa tự nguyện, cũng không nhắm kháng cự một tai ách xa vời với chính bản thân. Bởi cõi sống bao trùm toàn bộ nội dung chuyển đạt từ tác phẩm Võ Thị Hảo là cõi sống của chính bản thân Võ Thị Hảo. Trong cõi sống đó, con người ngay từ thuở lọt lòng đã hóa dạng oan hồn. Trong cõi sống đó nhung nhúc ác quỷ. Trong cõi sống đó. “mỗi người đều là một món ngon trên bàn tiệc quỷ.” Và, chính bản thân Võ Thị Hảo cũng là một món ngon trên bàn tiệc quỷ trong cõi sống đó.  Cho nên, cây bút trong tay Võ Thị Hảo không hề là thanh gươm nghĩa hiệp mang sứ mệnh diệt bạo trừ gian bênh vực các nạn nhân cô thế mà chính là khí giới cuối cùng của một nạn nhân chỉ luôn “muốn nhảy ra khỏi bàn tiệc” như Võ Thị Hảo từng phát biểu.
Có thể bảo tâm cảnh Võ Thị Hảo tương hợp phần nào với tâm cảnh Eduard Dekker, ít nhất qua ý nghĩa bút danh Multatuli — người gánh nhiều đau khổ — ký trên tác phẩm Max Havelaar của nhà văn Hà Lan này.
Tương hợp thứ nhất là Eduard Dekker kiên cường cáo giác một chế độ chính trị bất nhân đã thi thố mọi hành vi bóc lột tàn nhẫn đối với những con người yếu đuối đang bị áp đặt trong vòng kiềm tỏa hung bạo của nó. Tương hợp thứ hai là chính bản thân Eduard Dekker cũng bị chế độ chính trị bất nhân đó vây hãm hành hạ khi lên tiếng đòi hỏi phải tôn trọng sự sống và nhân cách của con người.
Nhưng mức tương hợp chỉ dừng tại đó do khác biệt giữa vị thế xã hội của Eduard Dekker thế kỷ 19 và vị thế xã hội của Võ Thị Hảo trong thời điểm hiện nay. Vì nạn nhân trực tiếp của chế độ thực dân Hà Lan giữa thế kỷ 19 là những con người không chung màu da, không chung huyết thống với Eduard Dekker và Eduard Dekker chỉ trở thành đối tượng bị xua đuổi, bị ngược đãi khi chọn thế đứng đối đầu với các tập đoàn thống trị do không chấp nhận vỗ tay tán trợ tội ác. Hiển nhiên Eduard Dekker vẫn là một người tự chủ trong quyết định chọn lựa số phận cho chính mình. Vì thế, để đạt một so sánh chính xác, chỉ có thể đặt Eduard Dekker vào vị thế trung gian giữa trang hiệp sĩ Emile Zola và nạn nhân Võ Thị Hảo đang bị tước đoạt mọi quyền sống bẩm sinh tối thiết của con người.
Khi nhìn lại cảnh ngộ bản thân, Võ Thị Hảo từng tâm sự vẫn may mắn hơn nhiều đồng hội đồng thuyền. Nhưng trên thực tế, Võ Thị Hảo cũng thiếu may mắn vô cùng so với chính những người đó.
Lý do đơn giản là Võ Thị Hảo sống với nghiệp văn trong khi tương quan giữa văn chương và thực tế cuộc sống luôn gắn kết như keo sơn. Từ đây, thân phận nạn nhân Võ Thị Hảo không thu gọn trong cuộc sống bản thân mà tất yếu bao trùm mọi thân phận nạn nhân. Thêm nữa, nếu thực tế như một vạc dầu địa ngục hực lửa thì mọi nạn nhân chỉ bị thiêu đốt một lần trong khi người sống với nghiệp văn không bao giờ ngừng bị thiêu đốt. Mỗi nạn nhân chỉ gánh chịu nỗi đau trong khoảnh khắc thân xác giãy giụa giữa ngọn lửa cực hình còn người sống với nghiệp văn sẽ phải kéo dài nỗi đau giãy giụa trước mọi ngọn lửa cực hình nối tiếp thiêu đốt vô vàn thân xác. Khắc nghiệt hơn là ngọn lửa cực hình thiêu đốt mỗi nạn nhân không bao giờ ngừng thiêu đốt tâm não người sống với nghiệp văn kể cả khi ngồi trước bàn viết.
Cho nên, dù tác phẩm Võ Thị Hảo có thể mang nét tương hợp với các hành vi tiêu biểu bởi những tên tuổi lẫy lừng như Emile Zola, như Eduard Dekker, dù giọng kể Võ Thị Hảo có thể như lạnh lùng giễu cợt, thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo vẫn chỉ hiển lộ dị sắc là tiếng gào thất thanh, bi thống của những nạn nhân vẫy vùng tuyệt vọng cho mong ước thoát khỏi cảnh sống của thú hoang, của ma quái, của ác quỷ mà guồng máy bạo quyền vô cảm đang tạo dựng bằng mọi giá. Với tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ, dị sắc này càng được tô đậm thêm.
*
Võ Thị Hảo viết xong Dạ Tiệc Quỷ cuối năm 2006, gồm 22 chương nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa đã rút lại thành 20 chương. Tác phẩm mở đầu bằng những tiếng rú và hình ảnh sau :
“Cái thây người treo lủng lẳng bằng sợi thừng bện lông lợn đen xỉn thõng thượt lệt quệt sát đất.
Phía trên, nút thòng lọng thít chặt lấy chiếc đòn tay gỗ xoan.
Mặt người xấu số bị mớ tóc xổ tung che phủ.
Mớ tóc dài chấm đất, óng mượt, phản chiếu những tia mặt trời đầu tiên phun xói qua những kẽ lá của rặng cây.  Nắng hồng như máu loãng.
Đôi chân như dợm bước lên trời.”
Đó là Phượng, người con gái nổi tiếng đẹp của ông Cử, đã theo gương mẹ, tự kết thúc đời mình bằng sợi thừng thắt cổ do sự đổi đời mở ra từ cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà cuối năm 1956, Hồ Chí Minh đã ca ngợi là “chiến thắng vĩ đại” đạt được bằng các hoạt cảnh tiêu biểu như giây phút cuối đời ông Cử dưới ngòi bút Võ Thị Hảo :
“ Đã khá lâu rồi ông Cử không cần mặc quần.
Vì đã là linh hồn thì đâu cần quần áo.
Linh hồn chỉ trần truồng mà bay.
Ông Cử đã sang thế giới bên kia.
Tiễn đưa ông Cử sang thế giới bên kia, là một chiếc cọc. Ba sợi thừng chuyên trói chó để cắt tiết. Một sợi thừng chuyên buộc lợn vào thang mà thiến… Kèm thêm là một loạt đạn trong nòng súng kíp tự chế.
Rộn ràng hơn, thêm ba nhát cuốc mẻ và mười bảy nhát vồ đập đất.
Để cho vỡ nát đôi mắt thảng thốt.
Cho vỡ nát cả cái uất hận đang đọng lại dưới tròng mắt mở chong chong.”
Với giọng kể khô khốc như dửng dưng cay độc, Võ Thị Hảo đã dựng lại các chi tiết khiến nhân vật ông Cử trở thành tử tội và vạch mặt những kẻ nhân danh cách mạng, nhân danh công lý để trà đạp con người :
“… Ông Cử từng dạy học, từng làm thơ, từng cho thuốc cải tử hoàn sinh cả ngàn mạng người trong xứ, đã bị loạt đạn tự chế của con ông cu Cáy nhồi vào nòng súng làm nổ tung.
Ông cu Cáy trước đây đã được ông Cử cứu mạng trong trận đau bụng bão. Đau đến mức cắn đất cắn sỏi, bò lê bò càng trên mặt đất. Chỉ còn nước bó chiếu đem chôn. Thế mà ông Cử cứu được …
Chuyện đó cũng đã lâu rồi. Nay thì viên đạn của con ông cu Cáy đã xuyên qua đầu, làm tinh óc ông Cử trắng hồng phọt ra ruộng mạ. Óc ông Cử làm bữa tiệc cho lũ giun đất và sâu bọ.
Linh hồn ông Cử lên trời…..
Để lại thê tử, chiếc cọc và dây trói, chiếc cuốc mẻ lưỡi và những chiếc vồ đập đất bết máu.
Để lại những vỏ đạn, ngôi nhà, đồ đạc, của cải và những bộ quần áo bằng lụa nõn, lụa tía quý phái.
Những thứ ông Cử để lại thì không ế…”
Những thứ ông Cử để lại có vợ ông và con gái ông, Phượng.  Bà Cử đã nhờ sợi thừng thắt nghẹt cần cổ để được tức khắc theo chồng. Riêng Phượng trở thành vật sở hữu của lão đánh dậm đang nắm quyền uy tuyệt đối đã ra lệnh diệt trừ ông Cử và chiếm trọn gia sản nạn nhân. Rồi Phượng cũng theo con đường của mẹ nhờ một sợi thừng sau khi cho chào đời một bé gái mà cô đặt tên là Miên nhưng lão Dậm chỉ cho gọi là Tép để tránh dấu tích tư sản.
Bé gái đó là nhân vật chính của tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ cuối cùng đã bị trói vào cây cọc giữa pháp trường để lãnh một loạt đạn như người ông ngoại thuở nào.
Nhưng Phượng đã hiện hình trở lại trong vai chủ nhân một dạ tiệc và tái hội mẹ cha.
“Phượng mở mắt, ngẩng đầu nhìn. Đằng kia có một luồng sáng hình trăng lưỡi liềm đang bay tới. Nhìn kỹ, hoá ra đó không phải trăng lưỡi liềm mà là một người đàn ông, lưng dài, ngón tay dài, móng thon ba tấc, đôi mắt sâu, hiền minh chập chờn trên một cái đầu đã bị đập vỡ nát. Phượng đau đớn :
–    Cha ơi! Mẹ ơi! Con không mở tiệc này cho cha và mẹ. Con nghĩ hai người đã lên Niết Bàn rồi. Con mở tiệc này cho những oan hồn bị buộc trở thành loài quỷ ……
Ông Cử lại cười :
–    Ta biết ta biết.… Mà này, con chết đi nguyện làm giống quỷ. Ngược đời là giống quỷ thời này lại cứu rỗi giống người.
–    Cha biết tại sao mà…
–    Ta biết, con ạ. Vì đã quá lâu rồi người lương thiện và trung thực không có quyền sống trên mảnh đất hình chữ S này. Họ hoặc bị tù đày, hoặc bị buộc phải lưu manh hóa để sống, hoặc phải chết đi trong oan ức mà làm giống quỷ. Trên Niết Bàn bây giờ Phật đang băn khoăn nghĩ xem giống Người thực sự là cái gì. Vì loài ma cà rồng đã chiếm chỗ trên dương thế. Chúng ngang nhiên tự phong mình là thánh, là thiên thần và gọi những người lương thiện là Quỷ…”
Buổi dạ tiệc đó có mặt Đứa Con Xanh là đứa trẻ sinh ra từ những tử thi chết trận và Đứa Con Vàng Nghệ là con ruột của lão Dậm đã bị chính lão giết chết rồi vùi xác dưới gầm bàn thờ trong ngôi nhà chiếm đoạt của ông Cử. Và một cảnh ma quái đã hiện ra từ câu chuyện do hai đứa trẻ mở đầu :
“ Đứa trẻ sinh ra từ những tử thi chết trận ấy bay tới bên cạnh Đứa Con Vàng Nghệ, nắm lấy tay nó, và nói :
– Lão Dậm, cha ngươi đã chôn ngươi dưới chân bàn thờ, sao ngươi lại ở đây?
Đứa trẻ màu vàng nghệ – vì nó là Đứa Con Vàng Nghệ –  cười :
– Ông ấy không chôn được ta, ông ấy chỉ chôn chính mình. Bây giờ ông ấy đang làm ma cà rồng. Chỉ khác là ma cà rồng thì hút máu ban đêm, còn ông ấy đi hút máu ban ngày. Nhìn xem…
Ở bên trái vòm hang, mở ra, để lộ một đường phố với những ngôi nhà hình ống.
Ông Dậm đang ngồi uy nghi sau chiếc bàn, trong một ngôi nhà cao tầng, trước một hội nghị cỡ mấy trăm người. Ông đang nói, đang giảng giải, miệng cười rất tươi, đôi mắt có vẻ nhân từ.
Những người ngồi dưới lắng nghe và ghi chép.
Họ không thấy rằng, có một hình người trong suốt đang tách khỏi hình hài ông Dậm, bay đi, với hai ngón chân cái đút vào lỗ mũi, vụt qua cửa sổ, nhẹ nhàng xuyên qua những bức tường và hai chiếc răng nanh cắn ngập vào cổ một ai đó rất nhanh. Những cái răng nanh ấy cắn vào nhiều chiếc cổ. Cái hình người đó mang cái dạ dày ngày càng phồng to như một cái thùng không đáy. Nhưng trong khi đang bay đi hút máu, trên gương mặt ông Dậm đang ngồi họp trông vẫn như nhân từ, chỉ có làn môi lúc nào trông cũng thèm thuồng, hơi run run và giật ở mép phải.
Đám thực khách nhìn lom lom, rồi thét lên, dùng tay chỉ trỏ loạn xạ :
–    Ma cà rồng! Nhưng ông ta không bay một mình!
Mẹ trẻ Phượng và Đứa Con Xanh, Đứa Con Vàng Nghệ cùng ông Cử, bà Cử cùng nhìn theo những ngón tay chỉ trỏ. Thấy quả thực ông Dậm không bay một mình. Rất nhiều người trong hội nghị, dù đang ngồi uy nghi và trông còn có vẻ hiền lành vô sự, nhưng kỳ thực, họ cũng tách ra như ông Dậm, bay đi với đôi răng nanh thấm máu và tìm những chiếc cổ để cắm vào …”
Sự việc mơ hồ huyền hoặc giữa vùng trời ma quái mờ ảo nhưng lại như những nét khắc sắc đậm về một thực cảnh qua ngôn từ diễn tả chắc nịch và thẳng băng khiến khó tránh cảm giác bị bao bọc bởi một đám ma cà rồng đang điên cuồng cắm những cặp răng nanh đẫm máu vào cổ các nạn nhân.  Trong tình huống đó, “lời nhắc rơi nhẹ như một tiếng thì thào” quả đã trở thành một tia sáng lòa chói khắp không gian :
–    Muốn tái sinh giống người, trước hết hãy diệt lũ ma cà rồng. Nếu không, hễ cứ có người nào mới ra đời, lại bị làm mồi ngay cho lũ  chúng…
Đây là những dòng kết thúc tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ và cũng là những dòng gợi nhắc tâm tư tác giả Max Havelaar qua ước mong : Tôi mong sẽ được đọc! Tôi mong sẽ được đọc bởi các chính khách…, bởi các thức giả…, bởi các thương gia…, bởi các gia nhân từ ái của các mệnh phụ…, bởi các quan chức đã hồi hưu…, bởi các vị trưởng nhiệm cơ quan…, bởi hết thẩy tùy tùng của các thượng cấp…, bởi các giáo sĩ…, bởi hàng ngàn hàng vạn con người đang theo đuổi những lý lẽ riêng …
Võ Thị Hảo chắc chắn cũng mong như Eduard Dekker là mọi người sẽ đọc những dòng chữ của mình, và với tâm cảnh khi viết Dạ Tiệc Quỷ chắc chắn còn mong một hành vi cụ thể ở hết thẩy những con người chưa hết ước tái sinh để chấm dứt kiếp phận con ếch mắc nghẹn hoài giữa cổ rắn : Hãy diệt lũ ma cà rồng !
Virginia December 01, 2012
 UYÊN THAO
BÀI 05

TỰ BẠCH
 VÕ THỊ HẢO

Tôi sinh ra cùng một món nợ của người khác.
Bắt đầu bằng Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc. Người bước vào cuộc ấy ở cửa này, khi bước ra cửa sau đã biến dạng.
Và còn nhiều cuộc bước ra bước vào.
Chẳng còn ai có thể sống như cũ nữa.

Từ đó nhiều người lấy sự phản trắc và cướp bóc cùng dối trá để được sống, được hơn người, lấy sự giả mù, sự câm sự điếc làm gậy dò đường.
Những rường mối gia đình, xã hội, bỗng bở nát như bị mối xông. Con tố cha, vợ đổ oan cho chồng, bội phản ân nhân, đó là cách tồn tại khốn khổ của những người nô lệ không có nơi nào để đi, không có gì để bấu víu, thôi đành vô cùng tự mãn về cách hành xử của mình.
Bao nhiêu xác chết để lại.
Bao nhiêu đớn đau què quặt và rạn vỡ linh hồn.

Lúc đó tôi chỉ là đứa trẻ trong bụng mẹ, lẽ ra chẳng cần phải chào đời. Ở trong bụng mẹ rồi tìm đường trở về nơi mình đã từ cát bụi mà đi, có thể vui hơn. Đương nhiên tôi phải là một nàng tiên hoặc phù thủy, nếu thực sự có tiên và phù thủy.
Thế nhưng tôi đã ra đời và tôi phải biết nhiều điều. Rồi tôi nghĩ cuộc đời người dân nước tôi cứ bị đẩy đi đẩy lại trong cổ họng một con rắn dài thượt cứ bò loanh quanh rồi khoanh mấy vòng.
Cái lầm lạc, nỗi đau, oan khuất không được phân định, không được sòng phẳng lại, cứ lẩn khuất và ám ảnh người sống, dù người sống có thể chẳng biết đó là gì. Những cơ chế  độc tài cũng như con rắn cố rướn cổ nuốt chửng con ếch.
Con ếch to nghẽn họng con rắn.
Rắn mạnh ếch yếu, nhưng con rắn sẽ chết nếu ếch không trôi qua họng.

Con ếch là món nợ công bằng.
Cần phải có người trả món nợ ấy thay những người luôn quỵt nợ nhân gian.
Trả thì chẳng bao giờ trả được vì người chết thì đã chết rồi và người biến dạng thì đã biến dạng rồi và còn gieo lại sự biến tiếp.  Nhưng con người cần được an ủi.
Vì chỉ khi được sòng phẳng về tinh thần và được an ủi về sự minh bạch, con người mới có thể bước tiếp. Nói đúng hơn, người ta sẽ lại học cách sống mà không phải vờ câm điếc mù lòa, không phải đấu tố và vu oan cho kẻ khác và không phải phản trắc.
Nhìn chung là không cần phải lạc mất linh hồn.
Đừng quỵt nợ, vì nếu quỵt nợ, bi kịch chắc chắn quay lại.
Nhưng xem ra toàn những người muốn quỵt nợ.
Nhiều tác phẩm không được phép xuất bản ở Việt Nam chỉ vì viết về những điều cấm kỵ như Cải Cách Ruộng Đất hoặc nhiều điều dính dáng đến nợ nần khác. Bi kịch cứ mãi tiếp tục.
Con ếch vẫn nằm ở họng con rắn.
Con ếch không chết nhưng cũng chẳng sống ….

Không ai trả, thì thói thường là những người viết phải trả. Tôi đành viết về một thế giới của những người đẹp thắt cổ chết, về Đứa Con Xanh, Đứa Con Vàng Nghệ được sinh ra bất thần trong những cuộc ếch nghẽn trong họng rắn, về ánh trăng lạnh buốt soi trên vô vàn tử thi của chiến địa nước tôi.
Tôi viết dưới ngọn lửa của những thế giới khác nhau, trong đó loài người thì bị đầy đọa, bị gọi là quỷ và vì thế rất khó để tìm tên để đặt cho cái đám không gọi là quỷ…
 VÕ THỊ HẢO

BÀI 06

NGÕ VÀO PHIÊN BẢN TÌNH YÊU
 TRẤN PHONG VŨ

Như nhan sách, Phiên Bản Tình Yêu là một chuyện tình, một chuyện tình xuyên thế hệ, mang nhiều kịch tính với những tình tiết éo le, ngang trái, chuyển biến bất ngờ. Nhưng Tình Yêu ở đây chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một băng sơn giữa đại dương mờ mịt. Dưới đó, tiềm tàng những ngõ ngách tang thương, bí ẩn với niềm đau ngút ngàn của những con người hiền lương phải sống như chưa từng sống trong cái gọi là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lèo lái bởi một lớp lãnh đạo tham lam, mù lòa, không tim óc. Và trong đám nạn nhân lúc nhúc, đậm đặc không thiếu những kẻ đã một thời đóng góp công lao, tâm huyết và cả xương máu để góp phần làm nên cái cơ chế khốn nạn ấy!
Dù sao, tự thân mối tình lãng đãng kéo dài từ Cẩm Khuê của thập niên 60 tới Tường Vi ngót 20 năm sau đó cũng là một thực tế, một hiện hữu không thể bỏ qua.
Vũ Biện Điền, một bút danh xa lạ. Nhưng lạ hay quen không phải điều quan trọng. Điều quan trọng là tác giả, một nhân chứng sống của một thời hoang loạn đã ghi lại, đã ký thác được những gì trong tác phẩm của ông?
Cuộc tình xuyên thế hệ ở đây có thể được hiểu như một thứ “thang” để dẫn “thuốc”, một chất xúc tác, một hấp lực cuốn người đọc đi sâu vào những âm mưu, những màn đấu đá, những trò lường gạt, thay bậc đổi ngôi trong một xã hội người ta nhân danh đủ thứ với những mặt nạ khóc cười, hỉ nộ đã được mã hóa khi thực chất chứa đầy tâm thái tham lam, ích kỷ, độc ác, chỉ vụ thỏa mãn tham vọng cá nhân, bè nhóm, bất chấp an nguy của tiền đồ quốc gia dân tộc. Trong chừng mực nào đó, với tư cách người chứng, tác giả đã đạt mục đích.
Nhân vật chính trong truyện là Lê Huy Phong, nguyên sinh viên Luật Khoa đại học Huế, kỹ sư canh nông đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn, đảng viên Cộng Sản Việt Nam, đặc công biệt động thành, tổng giám đốc tổng công ty Tổng Hợp Xuất Nhập Khẩu hoạt động trong địa bàn một tỉnh ở Tây Nguyên.
Tác phẩm mở đầu với Lê Huy Phong ở chức danh kể trên khi bất ngờ đoàn tụ với người cha quyền thế, đoạn tuyệt mấy chục năm lao đao lận đận, khi sa cơ, bị lâm vòng lao lý, may được Bửu Dương, một trí thức, sĩ quan an ninh đối phương mở đường “đáo bỉ ngạn.”
Tiếp theo là những tháng ngày phiêu bạt, sống chui nhũi trong hầm tối vì bị đồng đội bỏ rơi mà không hay biết. Cuộc tình với nữ du kích Phan Thị Mơ nảy nở thời gian này để khi Lê Huy Phong bước lên đài danh vọng thì cô là cộng tác viên đắc lực trong mọi cơ hội kiếm chác với những công ty lớn công ty con khắp hang cùng ngõ hẻm. Những năm về sau, cũng chính cô trở thành khuôn mặt tiêu biểu cho những mệnh phụ phu nhân Đỏ mau chân qua Mỹ dọn đường cho chủ trương hạ cánh an toàn của những đại gia, những tay đầu sỏ trong chế độ.
Những mưu toan bịp bợm, những trò lừa đảo, dối trá, tranh giành ngôi thứ bên cạnh những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm nơi khách sạn sang trọng hay chốn yên hoa, tuy được tác giả khoanh vùng ở một địa phương vẫn đưa trí tưởng người đọc tới những thâm cung bí sử ở Hà Nội, ở Sài Gòn, nói chung trên toàn đất nước. Nó không chỉ là chuyện hôm qua mà là chuyện hôm nay, chuyện lúc này.
Hơn 37 năm từ ngày Việt Nam “thống nhất”, người ta mong ước, người ta chờ đợi một tác phẩm biên khảo, hơn thế, một tác phẩm văn chương tầm cỡ có khả năng gói ghém được những đường nét lớn về một thời đau thương, hoang loạn của quê hương, dân tộc.
Với Phiên Bản Tình Yêu, Vũ Biện Điền có đáp trả sự chờ đợi ấy không?
Không ai phủ nhận tính hư cấu và trí tưởng tượng vốn là nền tảng, là con song sinh của bộ môn tiểu thuyết. Từ đó một câu hỏi đặt ra là nội dung Phiên Bản Tình Yêu có được bao nhiêu phần sự thực? Phải nhìn nhận qua hơn một ngàn trang sách, ngoài phần hư cấu và óc sáng tạo tất nhiên phải có, rất nhiều tình tiết trong truyện đã được tác giả xây dựng trên những sự kiện và bối cảnh có thật. Biến cố tết Mậu Thân. Những cuộc xuống đường của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Huế cuối thập niên 60. Mức độ xâm nhập của đặc công cộng sản khi ấy. Những xáo trộn, thay bậc đổi ngôi ở Sài Gòn sau chính biến 1963 đến tháng Tư 1975.
Ngoài những nhân vật được dựng lên để làm nền cho tác phẩm là những khuôn mặt có thật trong giới trí thức miền nam. Điển hình là nhân vật Hồ giáo sư, tức học giả Hồ Đắc Chương ở cố đô Huế. Những kẻ trở cờ ẩn hiện trong biến cố tết Mậu Thân như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Bên cạnh đó cũng phải kể tới những chuyện thời sự ở Sài Gòn, ở Hà Nội hiện nay với những hình ảnh người và việc được phản ảnh từng ngày, từng giờ qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Tất cả đã hà hơi tiếp sức để tạo xương cốt, sinh khí và tính thuyết phục cho những sự kiện phô bày trong tác phẩm.
Cuộc gặp gỡ tình cờ và hy hữu như chuyện cổ tích ở nhà sách Ưng Hạ giữa Lê Huy, một sinh viên tranh đấu, từng ra bưng nhận chỉ thị đặc công lũng đoạn nội thành, và Cẩm Khuê, ái nữ Hồ giáo sư, một thời là đảng viên cộng sản nhưng bỏ đảng sau khi phát hiện chân tướng của chủ nghĩa Marx, đã dẫn vào một cuộc tình u uẩn, một cuộc tình xuyên thế hệ sau này.
Tránh khuôn mòn của lối thuật chuyện theo thứ tự thời gian, tình tiết và diễn tiến trong tác phẩm được tác giả xếp dặt song hành, đối ứng, luân phiên đan kết giữa quá khứ và hiện tại.
Trong 132 chương sách, tác giả xếp 70 chương từ A01 đến A70 in chữ thẳng diễn tả những gì đang xảy ra và 62 chương từ Z01 đến Z62 in chữ nghiêng thuật lại những sự kiện trong quá khứ. 70 chương mang mẫu tự A cũng như 62 chương mang mẫu tự Z không đi liền nhau, được phân phối thành từng mảng dài ngắn không đều, đắp đổi nối tiếp tùy diễn tiến trong truyện.
Trong thời gian ở Huế, khoảng cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, với tư cách sinh viên năm thứ ba trường Luật, sau một cuộc xuống đường chống chính quyền miền nam, Lê Huy tình cờ được Bửu Dương, một người mới gặp khi cùng săn tìm tác phẩm Le Capital của Marx ở thư viện, đưa về nhà ẩn thân.
Vài ngày ngắn ngủi ấy, hai người đã có dịp tranh luận về chủ nghĩa cộng sản xuyên qua quan điểm của Marx cùng những hệ lụy của nó khi đưa vào với thực tế. Nét đẹp đàn ông của Bửu Dương, nhất là kiến thức quảng bác của anh về mọi lãnh vực, cách riêng chính trị, đã thu hút sự chú ý và lòng cảm phục của Lê Huy.
Khi bàn về giá trị thặng dư, mấu chốt trong Le Capital, Bửu Dương đã vạch trần sự thiển cận của Marx khi khẳng quyết là kinh doanh lúc nào cùng có lãi, có thặng dư mà theo cách nhìn của Bửu Dương đã dẫn tới những nhận định, những quy kết hàm hồ, võ đoán.
“Thương trường là chiến trường, đã đánh tất phải có thắng có bại, có thặng dư, plus-value, có khuy khuyết, moins-value. Chỉ nhìn một phía, đứng về một bên, đòi ăn hết, chia hết, không cho người ta tích lũy lúc thắng lấy đâu dự phòng lúc bại?…Vậy dự phòng tồn tại là bước tiến hóa hiếm hoi của một số loài. Tích lũy tái sản xuất là tầm nhìn của trí tuệ thượng đẳng. Phát xuất do bệnh kinh điển triết học, thiển cận trong đấu tranh giai cấp, bôi trơn bằng căm thù, Marx trượt dài theo logique formelle, nên không biết thế nào là dự phòng, là an ninh kinh tế… Marx trước đó và cả Lénine về sau, chưa bao giờ hoặc cố tình không chịu thấy mặt này, moins-value, hoặc có thấy nhưng lại xem rất nhỏ, nhất quyết cưỡng áp thực tế cho vừa cái khuôn lý thuyết của mình chẳng khác bắt người ta gọt chân cho vừa kích cỡ giày dép. Lãnh đạo đất nước mà lùa dân vào luận thuyết khuyết tật, hậu quả là gì? Không ai dám thông minh nhìn xa trông rộng, không ai dám can đảm lao lên phía trước, không ai dám mạo hiểm mở rộng đầu tư, không ai dám làm dư của cải, không ai dám giàu có. Rút cục, dẫn đến tê liệt toàn bộ sinh hoạt quốc dân, bần cùng hóa nhân loại, vô hiệu hóa trí tuệ, khánh tận lương năng.” (Z.05)
Do cuộc tình vừa chớm nở với Cẩm Khuê, Lê Huy cũng có dịp trao đổi, luận bàn với Hồ giáo sư, cha nàng. Trả lời câu hỏi Lê Huy đặt ra là nguyên nhân nào khiến ông bỏ đảng Cộng Sản , Hồ giáo sư nêu lên kinh nghiệm thực tiễn cho thấy những điểm dị biệt không thể lấp đầy giữa đôi bên :
“Chúng tôi chiến đấu vì độc lập dân tộc, họ chiến đấu vì quả thực giai cấp. Chúng tôi giành chính quyền cho nhân dân, họ giành chính quyền cho cái gọi là Quốc Tế Cộng Sản. Chúng tôi muốn dân chủ, họ muốn đảng chủ. Chúng tôi muốn tự do, họ muốn độc tài. Chúng tôi muốn giải phóng dân tộc thoát khỏi bất kỳ hình thái áp bức nào, họ muốn thay màu sắc nô lệ từ thực dân Pháp sang bá quyền Liên Xô. Chúng tôi coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, họ tôn thờ Trung Quốc như quan thầy…”
Đáp lại luận điểm chống đỡ của Lê Huy là dù sao đất nước cũng được thống nhất, nhân dân thoát khỏi chiến tranh, tự do dân chủ sẽ mở ra, ấm no hạnh phúc chẳng còn bao xa, Hồ giáo sư xác quyết, với những suy nghĩ và viễn kiến mang giá trị tiên tri :
“Không bao giờ! Trái lại, đất nước sẽ bất ổn hơn, xã hội sẽ phân hoá hơn, nhân dân sẽ lầm than hơn…Nửa thế kỷ dưới gầm trời sắt máu Cộng Sản, Liên Xô và các nước Đông Âu đã vật vã chứng minh điều đó. Và một phần tư thế kỷ, hơn một tỷ người Trung Hoa khép mình theo đuôi bạo chúa Mao Trạch Đông chỉ đi vào cùng khổ. Còn Việt Nam, với gọng kìm của hai quan thầy, với mê muội quán tính kinh điển bấy lâu, không có con đường nào khác, ngày ấy hận thù đấu tranh giai cấp sẽ khoét sâu hơn nữa vào lòng dân tộc, vô sản chuyên chính sẽ đăng quang an vị giữa hai hàng súng, và nhân đó, tham ô sẽ đục ruỗng đất nước đến tận hang cùng ngõ hẻm!” (Z.12)
Cuộc diện kiến giữa Lê Huy và Hồ giáo sư phát khởi từ sáng kiến của Cẩm Khuê với hy vọng mở đường cho người tình được thân phụ chuẩn nhận. Nhưng do những gì đã trang bị trong bưng, thêm vào nhiệt huyết và tính cao ngạo của tuổi trẻ thấm nhiễm tư tưởng mác-xít, người sinh viên họ Lê đã nhắm mắt xoay lưng, mặc dầu trong khi tranh luận, hơn một lần anh nao núng trước những luận điểm vững chắc, đầy tính thuyết phục của một bậc trưởng thượng mà anh coi như sư phụ.
Và cuộc tháo lui của anh mang ý nghĩa như một cuộc trốn chạy. Trốn chạy sự thật. Trốn chạy chính mình. Trốn chạy một cuộc tình mà anh tiên liệu thái độ cố chấp, gan lì đưa tới đổ vỡ sẽ để lại trong anh nhiều đau đớn.
Như một định mệnh khe khắt đã an bài, dù thất vọng Cẩm Khuê chưa bỏ cuộc. Nàng tiếp tục đeo đuổi cuộc tình với chàng trai xứ Quảng. Lạm dụng sự chuẩn thuận ngầm của thân mẫu, người con gái khuê các ấy tự động vượt vòng lễ giáo, liều lĩnh chấp nhận một cuộc chơi đêm trên sông Hương với Lê Huy nhân sinh nhật của anh. Nàng không hề biết đây chỉ là sinh nhật giả do Lê Huy bịa ra để khi hữu sự xử dụng nàng như một gái điếm, một tấm bình phong che mắt guồng máy an ninh Huế, khi anh đang cùng động đội trong toán đặc công nội thành mưu toan đặt chất nổ phá sập con cầu Gia Hội. Kế hoạch bị phá vỡ trong trứng nước. Sau khi nhờ đàn em trả Cẩm Khuê về với gia đình trong tình trạng tang thương, Lê Huy tìm đường đào thoát, với sự che chở của vợ chồng kỹ sư Trần Kỳ Hải và bác sĩ Xuân Hoa vốn là những cán bộ nằm vùng lúc bấy giờ.
Nhưng cuối cùng anh vẫn bị sa lưới an ninh.
Trong lần thẩm vấn thứ ba, do tình cờ hay do một sắp xếp nào đó, Lê Huy tái ngộ Bửu Dương và phát hiện anh là một sĩ quan cục an ninh QLVNCH. Dù ở vị trí phán quan trước tội phạm, Bửu Dương vẫn tỏ thái độ thân thiện, thẳng thắn, điềm đạm đối với Lê Huy cho dẫu vì mặc cảm đương sự luôn tỏ ra ngang ngạnh. Những gì đào bới được trong bộ sách lớn của Marx lại được gợi ra. Với tư thế của kẻ bại trước mặt đối phương, trong một lúc thất chí, Lê Huy ngạo mạn mong được chết thì Bửu Dương thanh thản trả lời :
“Bạn chưa chết được đâu. Chết mà chưa nhận ra, chưa thấy hết, chưa thỏa mãn, còn ấm ức… là chết oan đấy! Hết cơ may tìm trong sách vở, ta còn cả hiện thực ngoài kia, tuy phải đớn đau vất vả chút đỉnh nhưng biết đâu cái đống máu lửa ngồn ngộn ấy còn phong phú hơn kho tàng chữ nghĩa. Thích Ca Mâu Ni nói ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật chưa thành. Cách ly giữa hai trạng thái đã và chưa ấy là gì? Là kinh qua hiện thực. Vật quý mà ngài ban tặng cho thế gian là gì? Là trí huệ và phương pháp đi tìm chân lý. Do đó, đạo của ngài là hai bờ cách trở một dòng mê muội.
Tôi biết bạn là mẫu người tri hành hợp nhất, một chủng tử quý hiếm, tại sao không đáo bỉ ngạn để thoả mãn cơn khát?”
Với định kiến người thẩm vấn đang giăng một cái bẫy qua khoé nhìn được đánh giá là thông minh nhưng thâm hiểm, Lê Huy cất tiếng như ngầm bắt bí và thách thức đối phương :
“Muốn làm được như thế phải bứt phá, muốn bứt phá phải có tự do.”
Vẫn với phong thái trầm tĩnh, quyết đoán như đã suy nghĩ chín chắn, Bủu Dương tiếp lời :
“Bạn sẽ được đi về phía mà bạn tin có hoa chân lý với hương sắc bốn mùa. Bạn sẽ được đi về phía mà bạn tin thiên đàng đang mở ra trên trái đất và hạnh phúc toàn nhân loại vừa ló dạng. Bạn sẽ được đi về phía mà bạn tin sẽ thay trời đổi đất, sắp xếp giang sơn, thiết lập thế giới đại đồng, nhất thống giai cấp và xóa bỏ bất công”.  (Z.21)
Ngày hôm sau, một cuộc bố trí để che mắt mọi người. Bửu Dương và thuộc cấp đưa Lê Huy lên một con thuyền nhỏ, nói là để đương sự chỉ nơi chôn giấu vũ khí ở một vùng lau lách bên kia bờ sông, ngoại ô thành phố Huế. Rồi xuất kỳ bất ý, người sĩ quan an ninh đã tự mình kín đáo mở đường cho anh đào thoát.
“… Bửu Dương bước tới, gí tôi về phía trước bằng mũi súng ru-lô. Đang ở đằng mũi và chịu một lực đẩy, tôi bị con thuyền hẩy lên cầu ván. Người ngoài lầm tưởng đây là một tai nạn khi đò đâm vào bờ do không kịp giảm tốc. Nhưng từ bản thân, tôi không mù mờ tới mức ấy. Ngay tức khắc, có lẽ Bửu Dương đạp mạnh vào mạn, ào một cái, con đò lật nghiêng hất những ai còn lại xuống nước. Đáo bỉ ngạn! Như một ánh chớp lóe sáng trong đầu, mặc cho tấm ván cầu gãy nát dưới chân, tôi phóng chạy.” (Z22)
Đáo bỉ ngạn! Ba tiếng ngắn gọn mang trọn cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Thoắt chốc Lê Huy đã thoát qua bên kia sông, một vùng xôi đậu, ban ngày thuộc quyền quốc gia nhưng đêm về trở nên giang sơn của du kích CS. Anh đã tự do, đã ra khỏi cạm bẫy của đối phương để trở về với đồng đội, cho dù vẫn còn gặp nhiều gian nan, vất vả. Để làm gì? Để kiểm nghiệm lại những gì đã kinh qua và những gì là hoa trái, là ước mơ, là ánh sáng đang chờ đợi ở cuối đường hầm.
Trải qua những truân chuyên, nguy hiểm, cuối cùng vẫn nhờ sự bố trí, sắp xếp trước của Bửu Dương, anh được ông bà Phan Ne, một cặp vợ chồng già đồng chí hướng với Lê Huy nhưng cũng là người có nhiều liên hệ sâu xa với Bửu Dương, che chở dưới căn hầm đào sâu trong lòng đất, từng là nơi trú ẩn an toàn của nhiều lớp đảng viên CS. Trong những ngày dài phấp phỏng chờ đợi được cấp trên mở cho ngõ thoát, tiếp tục con đường lý tưởng, nhớ lại những lời mỉa mai của người sĩ quan an ninh đối phương trong lần thẩm vấn cuối, nhiều lần Lê Huy tự hỏi, đâu là hoa chân lý với hương sắc bốn mùa và đâu là thiên đàng mở ra trên trái đất, là thế giới đại đồng, nhất thống giai cấp, xóa bỏ bất công?
Sau khi phát hiện mưu toan vắt chanh bỏ vỏ của cấp trên qua quyết định từ chối không cho anh lên núi, trái lại buộc anh tái xâm nhập Huế với mật lệnh ám sát Bửu Dương, Lê Huy tìm đường trốn vào Sài Gòn. Kể từ đấy, gác bỏ ngoài tai những tiếng reo hò manh động của một số người trẻ Sài Gòn trong những đợt xuống đường chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Lê Huy, lúc này đã biến thành Lê Huy Phong đang theo học phân khoa Nông Lâm Súc trong hệ thống giáo dục miền Nam, cặm cụi chuyên lo học tập. Thời gian Phong tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp cũng là lúc những người lính tai bèo miền bắc bất ngờ chiếm được miền Nam.
Từ giã Sài Gòn, anh lên Tây Nguyên, chắp vá lại lý lịch mong tìm được một việc làm kiếm sống qua ngày trong các cơ quan công quyền của chế độ mới. Nhưng cái lý lịch mơ hồ ấy chẳng giúp ích gì cho anh trước những cặp mắt soi mói, nghi ngờ, hãnh tiến, cố chấp, đầy tham vọng và độc ác của những nhân vật quyền uy.
Cho đến ngày bất ngờ đoàn tụ với người cha từng thoát ly gia đình đi kháng chiến từ thuở thiếu thời hiện mang quân hàm cấp tướng, Lê Huy Phong bắt đầu đổi đời. Từ thân phận kẻ mang tiếng trí thức, ngoài hiểu biết về luật học lại có bằng kỹ sư nông nghiệp, nhưng ngày ngày lao động đầu tắt mặt tối vẫn không sao lo đủ miếng cơm manh áo cho vợ con, trong sớm chiều anh được cấp trên bố trí vào những vai trò quan trọng và sau chót là tổng giám đốc tổng công ty Tổng Hợp Xuất Nhập Khẩu.
Ở địa vị này, anh có dịp đem kiến thức thu nạp được ở miền Nam trước tháng Tư 1975 áp dụng vào việc xây dựng và phát triển công ty.
Đây cũng là cơ hội để anh nhận ra trình độ kém cỏi, cùn mằn của những cấp lãnh đạo ngoi lên từ những chị du kích, những anh đội răng đen mã tấu trong cải cách ruộng đất thuở nào. Sau nhiều năm trời đói rách, bầm dập trong chiến tranh, khi về thành với tư cách kẻ chiến thắng, họ gục đầu vơ vét để hưởng thụ.
“Sau mùa xuân đại thắng, từ rừng xuống từ quê lên từ Bắc vào, rặt một màu xanh mét vì thiếu dinh dưỡng và ủ không biết bao nhiêu mầm bệnh. Tiếp đến mươi lăm năm bao cấp, các đồng chí cắn xé tranh nhau từng dúm hàng mậu dịch quốc doanh, đói khát gầy mòn hơn nữa. Tới hồi đổi mới, nhờ Mỹ và các đồng minh bỏ lệnh cấm vận, kinh tế phát triển đôi chút, chúng hóa giá chung chia chiến lợi phẩm, đua nhau cắt xén các quỹ nhà nước, bán núi, bán rừng, bán biển, xây nhà, tậu xe, chè chén, đắm say dục lạc
… Quá nửa đời hoang phí xuân xanh theo những khẩu hiệu vu vơ hão huyền, giờ phải tìm cách gỡ gạc cứu vãn, hối hả hưởng thụ bù đắp. Tần Thủy Hoàng sau bao năm chinh chiến gồm thâu lục quốc nuôi mộng bất tử, ta là đoàn quân bách chiến bách thắng, từng hạ gục hai đế quốc to lớn nhất nhì thế giới, tại sao không? Từ đó, chúng ước mơ linh đan thần dược, kéo dài những ngày nhất nguyên đơn đảng độc quyền đặc lợi, tích cóp tận hưởng giàu sang bằng mọi giá nên chúng hì hục nạp vào cơ thể bao thứ phao đồn bổ dưỡng – nhân sâm, lộc nhung, hổ cao, dao trăn, dái dê, nầm khỉ…và cả thai nhau của thú và người. Thừa mứa và hoảng loạn hóa thành ung độc, ngoài những ca đột tử của một số anh hùng sa đà chiếu rượu, phong trào còn ngẫu sinh biết bao bệnh lạ..” (A.17)
Dưới đây là một đoạn văn tiêu biểu về những thú chơi điếm đàng, buông thả của các ông lớn đang cầm cân nảy mực dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN.
“Trên diện tích gò đồi chừng mười ngàn mét vuông, một biệt thự xây cất theo mô-đen thời đế chế Napoléon Đệ Tam, phối hợp với kiểu thức cung đình Huế, trụ tròn có đế hoa sen, mái lợp ngói lưu ly, tiền sảnh thông thoáng và những lối đi rộng trong vườn rợp bóng cây xanh. Ở đó, tôi và một số tay chơi đã chi khá đậm cho những cuộc hành lạc vô tiền khoáng hậu.
Chủ xị của chúng tôi thường là thủ trưởng Hai Đa. Ngoài chuyên môn của một cán bộ già giặn quản lý ngân sách tài chánh, ông ta còn là người giàu sáng kiến chè chén sát phạt, rất khỏe tửu lượng, rất dai phong tình và cực kỳ lươn lẹo trong ứng xử. Đàn em chúng tôi thường tranh thủ đặc ân và tuân lệnh đàn đúm răm rắp.
– Này, các chú! Úp mặt vào tường, co một chân, khuỳnh một tay, lưng rướn thẳng, nốc bia lạnh bằng chai một hơi. Đó là thiền sư quán bích nhập định thăng đường nhất thủ cử đỉnh, rất nhẹ nhàng nhưng có đứa chưa quen tốc độ sặc trào bọt mũi rát buốt tận óc não.
– Này, các chú! Xổ cả chục két vào  cái chậu vàng miệng rộng đằng kia, tất cả dãn đều tứ phía, trườn mình như rắn hổ mang mà tới, gióng đầu như hươu cao cổ mà tu. Đó là thiên long giáng địa ẩm thủy dao trì, rất lao nhọc nhưng cực kỳ khoái, chỉ khổ mấy tay bụng thúng.
– Này, các chú! Chốt chặt các cửa, lột bỏ áo xống hết thảy các em và cả các anh, tắm bằng bồ đào mỹ tửu và hứng nước cam lồ bằng lưỡi tại nhũ hoa đầu tiên nữ. Đó là trướng nội thiên nhai giác hải Chử Đồng Tử tiếu ngạo Tiên Dung, rất tình tứ, rất mê ly, rất bội cảm nhưng lả say ngoặt ngoẽo lúc nào chẳng hay. (A.16)
Hai Đa (tức Phí Đu) mới chỉ ở cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh mà đã quyền uy với lối sống ăn chơi sa đọa, buông thả giàn trời đến thế, người đọc sẽ không ngạc nhiên khi theo chân Lê Huy Phong bước vào chốn thâm cung của ngài chủ tịch Phạm Tư đúng thời điểm ông ta nằm chết trên giường khi bị “thượng mã phong.”
… Tôi lượn quanh, dọ dẫm, săm soi…tôi bung tất cả…các ngăn kéo và cả tủ lạnh. Bao nhiêu sơn hào hải vị phơi ra. Trong đó nổi bật hơn cả là các loại rượu bổ – đa phần chứa trong thẩu thủy tinh to và đang lơ lửng vật ngâm… Cả nhãn hiệu và cách hướng dẫn xử dụng đều in bằng thứ văn tự loằng ngoằng như giun bò. Mù tịt nhưng qua tấm hình gợi cảm tục tĩu ở dưới thương hiệu tôi ngờ ngợ một loại biệt dược cương dương Đông Nam Á na ná như thần dược Viagra của Âu Mỹ… tôi nhìn xuống mặt bàn…. một cái hũ thủy tinh màu xanh miệng rộng, bên trong lợn cợn những rẻo thịt ngâm, bên ngoài dán nhãn hiệu chữ Tàu màu đỏ sậm, kèm theo mấy dòng tiếng Anh nhỏ li ti. Ingredients… Lot no…Expire…Directions …
Đã từng nghe, nhưng giờ mới thấy, đó là nhau thai ư? Tôi áp cận hơn nữa. Foetus…. Họ đã ăn uống lấy sức và bồi bổ khá kỹ trước khi lên giường. Hệ quả là gì? Mất cân đối! Thuốc pháo nhồi nhét quá liều lượng, vỏ đạn nổ banh trước khi đầu đạn thoát khỏi nòng?… Chết là phải, không chết mới lạ! (Z.25)
Và cái chết đê nhục của chủ tịch UBND Phạm Tư được guồng máy đảng và nhà nước với sự hỗ trợ của truyền thông Xã Hội Chủ Nghĩa phù phép biến thành cái chết của một người hùng. Mấy ngày sau khi phát hiện Phạm Tư bị thượng mã phong, qua bản tin Thông Tấn Xã và những trang Cáo Phó trên báo, trên mạng, người ta đọc được những dòng sau :
“Do nhiệm vụ nặng nề chồng chất, do phải liên tục lao động căng thẳng ngoài giờ, đồng chí chủ tịch Phạm Tư kính yêu của chúng ta trong lúc nghiên cứu nghị quyết trung ương và tập trung đề ra biện pháp triển khai thực thi tại địa bàn huyện thị, đã phải đột qụy.” ( A.46)
Để bảo vệ cho những đặc quyền đặc lợi của những nhân vật quyền uy coi dân như cỏ rác, coi tài sản quốc gia như của riêng mình, theo trình thuật của Vũ Biện Điền xuyên qua miệng những nhân vật của ông, chế độ được xây dựng trên sáu loại nhà nước.
“…đáng kể hơn cả là nhà nước Đảng, còn gọi là nhà nước Quỷ hoặc Siêu Chính Phủ, biến hóa như một bóng ma khổng lồ tác nghiệp lên các nhà nước khác. Ở trung ương, đứng đầu có tổng bí thư, nội các cơ mật là bộ chính trị. Ở địa phương, đứng đầu có bí thư tỉnh ủy, nội các cơ mật là ban thường vụ. Với bản tính siêu ký sinh, nhà nước Đảng từ buổi sơ khai đã khín vô số của tiền và máu xương nhân dân, nhưng chưa bao giờ thừa nhận ăn ké. Xuất thân hèn hạ, tiên thiên kém phẩm chất, nó không làm được một cái gì, nhưng tiêu xài vô tội vạ, đôi khi còn cắt xén tổ quốc làm vật đổi chác khí tài, hoặc làm quà tặng thượng quốc để yên bề chư hầu, tọa hưởng vinh thân phì gia. Nó là đầu mối mọi nhũng nhiễu, tai họa, tội ác nhưng rất có tài bẻm mép phủi tay.
Tiếp theo là nhà nước Hành Chánh, còn gọi là nhà nước Hành Dân vì bộ nào của nhà nước này cũng có chức năng làm dân khổ cực do đặc tính cửa quyền. Nó vâng lệnh đảng như một đầu sai quản lý đất đai và điều hành nô lệ cho chủ nhân, thu gom vô tội vạ tài sản từ nhân dân, sau khi trích nộp cho chủ, nó được quyền chi tiêu xả láng. Ở trung ương, đứng đầu có một chủ tịch không thực quyền, nội các cơ mật là thủ tướng và các bộ trưởng. Ở địa phương, đứng đầu có chủ tịch, nội các cơ mật là ban thường trực và các giám đốc sở. Tuy chức năng hành chánh, nhà nước này được đảng cài đặt một số công cụ lập pháp và tư pháp nằm vùng, nên hóa thành lưỡng tính như đòn xóc hai đầu, đa năng như dao bầu vừa chặt vừa chém vừa đâm. Về quyền lợi cá nhân, một tay gác cổng cũng đủ bùa phép nặn túi nhân dân, nhưng về trách nhiệm tập thể, đến như thủ tướng, bộ trưởng và các cấp chủ tịch cũng mặc thây thiên hạ.
Thứ ba là nhà nước Quốc Hội, còn gọi là nhà nước Phường Chèo hoặc nhà nước Kỳ Nhông vì đặc tính hát ca véo von theo dàn dựng của đảng, nhanh nhạy thay vai đổi màu tùy vị trí, ở trung ương nó là lập pháp, ở tỉnh nó là hành pháp, ở tòa án nó là tư pháp. Hình thái nhà nước Quốc Hội về đến địa phương gọi là Hội Đồng Nhân Dân, đặc tính véo von và đổi màu vẫn lưu cữu. Đến nay, nhân dân đã rõ mặt là một lũ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa phóng uế vừa hạch đàn mất vệ sinh. Trong nước, nhà nước Quốc Hội cấp nào cũng là trò hề, nhưng với quốc tế nó nhấp nhem biển lận tam quyền phân lập, phát sáng dân chủ, tự do giả hiệu. Hàng năm, nhà nước này cũng mở cửa đón rước một số dân biểu các nước có truyền thống đích thực dân chủ. Và buồn cười làm sao, hai bên uốn éo hứa hẹn trao đổi kinh nghiệm lập pháp!
Thứ bốn là nhà nước Mặt Trận Tổ Quốc, còn gọi nhà nước Chịu Trận, vì là bung xung hứng đòn, phản đòn, đỡ đòn cho các nhà nước kia. Nhà nước này còn có chức năng định kỳ như một lò hộ sinh, phù phép ba lên bốn xuống mỗi mùa bầu cử, cho ra những đứa con đúng mẫu đặt hàng của đảng. Đây là thứ nhà nước có đặc tính chợ phiên ở vùng cao Tây Bắc, tới hồi vãn cuộc rất ảm đạm và bẽ bàng, thường dành chỗ cho những cán bộ yếu thế – thương phế mà chưa đến tuổi hưu, đại diện một số đoàn thể do đảng cử người mai danh lãnh đạo, đại diện một số phe phái tôn giáo quốc doanh cò mồi. Quá trình vận động, thành tích cao nhất của Mặt Trận Tổ Quốc là tạo ra Mặt Trận Việt Minh trước 1954 và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước 1975, hai lá bài này khá ăn khách, nhưng tới hồi lật tẩy thì vô cùng bỉ ổi!
Thứ năm là nhà nước Quân Đội, còn gọi là nhà nước Vũ Trang vì ý chí quyết thắng và bản chất tàn bạo, bao giờ cũng hiên ngang kiêu binh hãn mã. Nhà nước này làm bằng sức người và của nả nhân dân nhưng chỉ trung với đảng. Nó khu trú ở đâu là lãnh thổ riêng ở đó, như một quốc gia trong một quốc gia. Khi cần, nó mạo danh quốc phòng, đưa quân chiếm hữu đất đai, rồi đặt ra định chế tự cấp tự quản, những vùng chúng thích nhất là vành đai phi trường, hành lang công viên và bến bãi xe tàu – như các đội Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc thuở 55–56, phân chia quả thực cho xâu chuỗi ngay sau cuộc đấu tố địa chủ.
Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có quân ủy, hội đồng cơ mật gồm các tổng cục chuyên ngành. Ở địa phương, đứng đầu nhà nước này có tư lệnh quân khu, hội đồng cơ mật gồm các tỉnh đội trưởng. Nhà nước này hội đủ tính phong kiến trung cổ La Mã, sĩ quan là giai cấp đảng viên gọi là cán bộ bổng lộc hậu hĩ, hạ sĩ quan và lính gồm con em nhân dân gọi là chiến sĩ chỉ hưởng sinh hoạt phí đủ cầm hơi tới ngày phục viên.
Thứ sáu là nhà nước Công An, còn gọi là nhà nước Tam Đại vì mỗi thành viên phải có lý lịch ba đời bần cố, nghĩa là vừa nghèo vừa ngu từ đời ông đến đời cháu. Đây là nhà nước bán vũ trang, thừa quan thiếu lính, quyền hành vô giới hạn, bổng lộc vô bờ bến. Không chỉ nhân dân kinh sợ mà một số viên chức các nhà nước khác cũng chùn bước trước đặc quyền đặc lợi của các ấm tử viên tôn. Lịch sử nhân loại từ xưa, chỉ dưới thời phát xít Đức–Ý–Nhật và các nước xã hội chủ nghĩa mới có thứ nhà nước kỳ lạ này. Nó đồng hóa mình với đảng chuyên chính, tự quyết tất cả và không chịu một quyền lực nào ràng buộc, một tổ chức nào kiểm soát.” (A33)
Trước một cơ chế quyền lực quy mô, chặt chẽ nhằm mục tiêu tối hậu là phục vụ những công thần chế độ và những đồ tử đồ tôn của họ, dù che đậy đến mấy cũng không tránh khỏi những mầm mống bất mãn nảy sinh, Khởi đầu là tuyệt đại đa số thành phần từng bị vắt kiệt cả tinh thần lẫn thể lực suốt mấy thập niên dài kháng chiến. Trong một dịp trở về thăm lại cố đô Huế, Lê Huy Phong có cơ hội gặp gỡ những đồng đội từng một thời cùng anh bất chấp hiểm nguy, răm rắp nghe lệnh những thủ trưởng trong bưng, liều thân mưu toan những chuyện vá trời lấp biển. Lúc này, cũng như Lê Huy Phong, tất cả đã bị chế độ gạt ra bên lề những thành quả của cái gọi là chiến thắng mùa Xuân!
Từ tâm trạng hoảng loạn về kinh nghiệm buồn bã của bản thân, anh ngậm ngùi đau đớn chia sớt nỗi uất nghẹn của những người cùng mình một thời vào sinh ra tử, ngay giữa cuộc họp bạn ở nhà vợ chồng kỹ sư Trần Kỳ Hải và bác sĩ Xuân Hoa.
“ – Ôi Hồ Chí Minh! Bất chợt một người gào to.
Tôi không xác định được kẻ vừa uất ức dằn tiếng, ban đầu thoáng nghe rất lạc lõng.
– Đừng có cào bậy! Ông ta đã ngỏm trước đó đến sáu năm! Một người khác hãnh hách nạt nộ.
– Đối với lịch sử, sáu năm chỉ là ánh chớp!
Thêm người không đồng tình. Thì ra đề tài vẫn nóng hổi. Tôi thầm nghĩ. Chính xác là ngày 2 tháng 9 năm 1969. Tôi chợt nhớ. Đúng hôm tôi ra Huế ghi danh đại học Luật, đêm đầu tiên ở nhà trọ vừa nghe đài BBC đưa tin vừa nghe đại bác ầm ào ngang qua thành phố.
– Quan trọng là cái gốc, ngọn kể làm gì! Quan trọng là người trồng, kẻ hái trái kể làm gì! Nên chi ông ta không tránh khỏi cái tội đầu mối của mọi tai họa cho cả dân tộc, ác thay cái bóng ma ấy còn di hại lâu dài!
Người vừa dằn tiếng kết thúc cuộc tranh cãi do mình khơi gợi.
– Tìm đường cứu nước mà thế a!
Vẫn có người chưa chịu dừng lại.
– Cái tròng kép Nga-Hoa hiểm độc hơn cả phong kiến phương Bắc, tàn ác hơn cả thực dân phương Tây!
Một người khác phụ họa.
– Ông ta còn mượn màu tuyên ngôn độc lập của Mỹ để tô vẽ! Người rót rượu cúng lúc nãy bồi thêm.
– Ngón nghề bịp bợm nào mà chả thế, mặc cha chúng nó, uống thôi! Ai đó lớn giọng hối thúc.
Chúng tôi nâng chén. Đến lúc này, mỗi người một tiếng, tôi không còn phân biệt được nguồn phát.
– Chỉ tội ông cha mình ngu dại kéo theo con cháu!
Cuộc đối thoại tiếp tục với nhiều đề tài đột xuất.
– Giai cấp là bè phái. Đã bè phái thì bất công.
– Đã bất công là đạo tặc! …
– … Lê Duẩn rất nghiêm chỉnh tiến cống thượng quốc. Này nhá, Nga Cam Ranh thì Tàu Hoàng Sa. Nhưng Tàu chê ít, muốn cả miền Nam Việt Nam …
– Đời nào đảng ta nói thật!
Người đạo mạo nhất đám lên tiếng rồi căng mắt lơ láo nhìn khắp mọi người.
– Không lẽ Thiệu đúng? …
– Ngày mai có ai muốn theo em xuống đường biểu dương lực lượng không? Bất ngờ cô gái khóc lúc nãy vừa dậm mắt vừa lên tiếng khiêu khích.
– Xuống đường là chuyện bức xúc nhất thời, tức nước vỡ bờ thôi!  Một người đang mồi thuốc đáp trả.
– Xuống đường là thể hiện bất bình một cách khiêm tốn nhất! Một người khác bổ sung.
– Xuống đường chỉ có tác dụng với kẻ cầm quyền có văn hóa, biết thế nào là công bằng, thế nào là dân chủ, là tự do.
Một người khác chán ngán không nói hết ý.
– Rứa là thừa nhận bọn Mỹ-Ngụy có văn hóa, biết thế nào là công bằng, dân chủ, tự do hả?
Cô gái cố ý đưa đẩy.
Cuộc hỏi đáp theo đó diễn ra mạch lạc, giòn giã.
– Đương nhiên!
– Như rứa là thừa nhận Cách Mạng Chuyên Chính Vô Sản vô văn hóa a?
– Đương nhiên!…
– … Không có cuộc chiến nào tủi nhục bằng cuộc chiến chung một ông cha! Không có cuộc chiến nào tổn thất bằng cuộc chiến chung một mái nhà! Không có cuộc chiến nào đau nhức bằng cuộc chiến giữa anh em ta!
Xuân Hoa phát biểu, như đọc tuyên ngôn.
– Không có bài ca nào xấu xa bằng bài tụng ca cuộc chiến ấy.”  (Z.32)
Cũng trong lần về thăm Huế ấy, Lê Huy Phong gặp lại Diễm Thúy, em gái Bửu Dương lúc cô đã quy y cửa Phật, lấy kinh kệ làm vui, sau khi mẹ và anh qua đời. Tiếp theo giây phút hội ngộ bất ngờ đầy xúc động, với những kỷ niệm khó quên còn đầy ắp trong tâm tưởng, Diễm Thúy ngập ngừng pha chút e thẹn của thời xuân sắc rồi âm thầm lên tiếng :
“ – Sau ngày anh Dương và mẹ mất, dẫu biết hão huyền nhưng có một dạo em mong những người như anh sống sót trở về…! Cô ta ngập ngừng.
– Để làm gì? Tôi hỏi.
– Bây giờ mới đúng là lúc xuống đường đấy. Kêu đòi cơm áo, dân chủ, tự do cho nhân dân.” (Z34)
Từ câu hỏi có ai xuống đường để cô theo của người nữ cán bộ hoạt động nội thành Huế ngày nào trong dịp đón tiếp người chỉ huy kế hoạch đánh sập cầu Gia Hội bất thành năm xưa tới tâm trạng mong chờ người sinh viên xứ Quảng trở về nối tiếp cuộc đấu tranh giành lại tư do, dân chủ và cơm áo cho nhân dân của người thiếu nữ đất Thần Kinh nay đang khoác áo tu hành, tác giả Phiên Bản Tình Yêu đã cực tả tâm trạng chán ngán của người dân đối với bộ máy cầm quyền đang trở thành một đội ngũ ăn cướp được diễn tả qua câu “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”
Dịp tìm về thăm ông bà Phan Ne, nhìn lại người nữ du kích đã trao thân gửi phận cho mình dưới hầm sâu, bồi hồi ôm đứa con trai, kết quả của mối tình chớp nhoáng năm xưa, nay đã 10 tuổi, Lê Huy Phong được nghe Mơ kể lại nỗi xót xa và cơn phẫn nộ của cha nàng khi hay tin trên đường bỏ nước đi tìm tự do, vợ chồng Bửu Dương bị bắn chết trên biển :
“ – Ông điên dại chửi bới …
Chính quyền các xã cha ngang qua đòi gô cổ, ông ném vào mặt chúng thẻ đảng viên và các thứ huân huy chương. Một tuần đi không về không, lại bức bối, cha đổ bệnh. Tới hồi khỏi, ông lên phủ giúp bà cụ làm chay đàn cho vợ chồng anh Bửu Dương. Về lại làng, tháng sau cha nhất quyết bắt em viết giúp đơn từ chức phó chủ tịch xã. Mạ can ngăn, ông nói thà ăn cứt một mình mà làm người còn hơn ăn cơm chung với tụi nó mà làm chó!”  (Z.35)
Không chỉ riêng thành phần cựu cán bộ thất sủng và bị đào thải sau ngày thống nhất phải kéo dài kiếp sống lầm than đói khổ mà ngay cả người như nữ du kích Phan Thị Mơ đang sống cuộc đời sang cả dưới bóng tổng giám đốc tổng công ty Tổng Hợp Xuất Nhập Khẩu với nhà cao cửa rộng, tiền rừng bạc biển cũng manh nha thái độ phản tỉnh, cho dù nó là bước đầu của một tư tưởng khá phổ biến trong hàng cán bộ cao cấp ờ Sài Gòn, Hà Nội lúc này. Đó là tư tưởng tìm đường hạ cánh an toàn.
Sau chuyến viếng thăm Hà Nội, có dịp nắm bắt dân tình, Phan Thị Mơ đã dốc hết cảm nghĩ :
“ – Anh biết không, ở Hà Nội loa đài luồn sâu hang cùng ngõ hẻm ra rả chửi Mỹ suốt đêm liền ngày, nhưng dân ngồi đâu lại cạnh khóe, móc máy, nguyền rủa đảng Cộng Sản liên tu bất tận. Họ là thành phần cư dân phía Bắc tổ quốc đầu tiên nhận ra Hồ Chí Minh và đồng bọn lợi dụng chiến tranh vệ quốc để áp đặt chuyên chính lên đất Việt Nam ta như Lénine phù phép ở Nga, Staline ở Đông Âu, Mao Trạch Đông ở Trung Hoa, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn. Khi hết chiến tranh, biết thế nào nhân dân cũng vùng lên vạch mặt độc tài, nên sau 54, vừa thu được nửa giang sơn, Hồ Chí Minh gấp rút phát động khủng bố ở nông thôn bằng chiêu bài đấu tố địa chủ phú nông. Và, phát động đàn áp trí thức ở thành thị bằng học tập tẩy não văn nghệ sĩ, hình thành đội ngũ bồi bút như Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên… bằng bổng lộc ban phát hậu hĩ. Tới khi phát động khủng bố đàn áp vượt đỉnh điểm, Hồ Chí Minh biết nếu không kịp dừng lại nhân dân sẽ quyết tử vùng lên, liền đổ vạ cho Trường Chinh buộc phải làm vật tế thần, rút Lê Duẩn từ miền Nam ra thay thế.
Anh biết không, giờ này dân Hà Nội thấy rõ mồn một bộ mặt thật của bè lũ chuyên chính. Cũng như Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn, ông Hồ là tay sai mạt hạng của Staline, ăn lương tháng của điện Kremlin, thi hành nhiệm vụ của quốc tế Cộng Sản, chẳng có chút nào vì nước vì dân.
Nhờ thủ đoạn, ông ta chỉ giỏi đóng kịch và khéo lừa bịp. Đằng sau bộ mặt giả nhân giả nghĩa là một con người tham lam, tàn bạo, dâm loạn. Ngoài chức năng đề ra sách lược, bộ Chính Trị còn là một lũ ma cô cung phụng gái cho ông ta rất bài bản. Anh có tin Hồ Chí Minh rất thích thứ còn trinh, đặc biệt gái miền Nam. Thế là Nguyễn Chí Thanh phải tuyển cung nữ từ trong ấy đưa ra.
Đến khi chán ruộng đồng sông nước phù sa, ông quay về sơn nữ, Bộ Chính Trị phải cho người mò đến tít tận Cao Bằng, Lạng Sơn. Nhưng muốn được ngợi ca như thánh sống, phải xóa đi dấu vết thế tục, chơi xong ông cho bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn  bòn xái rồi mật lệnh thủ tiêu phi tang. Anh không tin hả? Bộ trưởng phủ chủ tịch Vũ Đình Huỳnh đã chết, nhưng Vũ Thư Hiên, con trai ông ta, còn sống nhăn ở Pháp đã can đảm lên tiếng.
Nhằm thao túng quyền hành, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bày ra cái gọi là Ban Bảo Vệ Sức Khỏe Trung Ương với chiêu bài bồi dưỡng thể lực, ngăn chận bệnh tật, tăng cường tuổi thọ cho lãnh đạo, kỳ thực đưa gái đến phục vụ tận nhà các khai quốc công thần xã hội chủ nghĩa như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng…Ăn xôi chùa ngọng miệng, các cụ phó mặc cho gian thần lộng hành, mãi quốc cầu vinh và đẩy mạnh chiến tranh Nam-Bắc! Năm 1958, Mao Trạch Đông cho công bố bản đồ lãnh hải Trung Quốc, vơ luôn cả Hoàng Sa và Trường Sa  của ta vào, Hồ Chí Minh và toàn bộ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam họp bàn rồi nhất trí, giao cho thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm thừa nhận. Đầu năm 74, Trung Quốc đánh bại hải quân Việt Nam Cộng Hòa, chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, đích thân Phạm Văn Đồng còn đánh điện chúc mừng!
Cháy nhà mới ra mặt chuột, bè lũ Cộng Sản chỉ biết có đảng thôi, coi non sông tổ tiên để lại như chiến lợi phẩm bỏ túi, tiêu xài tùy tiện vô tội vạ. Trắng trợn cống nạp thượng quốc kiểu đó, xưa có cha con Mạc Đăng Dung, nay có Hồ Chí Minh và tập đoàn Cộng Sản Việt Nam mà thôi! Anh biết không, thì ra Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là đệ tử trung thành của trùm khủng bố quốc tế Borodine lúc ở Trung Hoa. Về nước, hai ông bày trò vu vạ Việt gian chỉ thị cho du kích thôn xã thực hiện, tàn sát bất kỳ ai bất đồng chính kiến.
Anh biết không, dân Hà Nội căm ghét Lê Duẩn và Lê Đức Thọ tận xương tủy. Hai ông này đã bần cùng hoá nhân dân, khủng bố trấn áp đối lập, huyễn hoặc căm thù giai cấp để tận dụng xương máu thanh niên, cao rao hứa hẹn mai sau sẽ xây dựng một Việt Nam dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản. Ba hoa khoác lác tấc lưỡi thấu trời, nhưng Mỹ cút Ngụy nhào rồi dân vẫn khố rách áo ôm, sống đời nô lệ. Anh biết không, té ra Trường Chinh chỉ giỏi đạo văn và già mồm ngụy biện, cuốn sách nói về văn hoá văn nghệ của ông ta là sao chép nguyên xi của Mao Trạch Đông…” (A40)
Phát hiện sau chuyến thăm dân cho biết sự tình ở Hà Nội về thái độ và tâm trạng của người dân thủ đô đối với đảng và nhà nước CSVN, kể cả “Bác Hồ kính yêu” thật ra không lạ với Phan Thị Mơ. Nó chỉ thêm một bằng chứng đóng ấn cho những gì mà người nữ du kích này đã cảm nghiệm và kinh qua mấy chục năm trước. Sau nhiều lần bí mật lên núi trình bày hoàn cảnh của Lê Huy, ông Phan Ne bực bội ra về khi thấy rõ chủ trương đem con bỏ chợ của thượng cấp qua quyết định buộc anh cùng con gái ông tái xâm nhập cố đô Huế với một sứ mạng vừa bất nhân vừa nguy hiểm. Ôm ấp niềm đau và mối hận trong lòng, ông thu xếp cho Lê Huy lên đường vội vã như một cuộc trốn chạy và dĩ nhiên điểm đến không phải là Huế. Trong hầm tối, nhớ lại thái độ bất bình thường của ông Phan Ne, Lê Huy gạn hỏi Phan Thị Mơ :
“ – Em còn úp mở được sao? Nói đi!
Tôi níu cô ta lại. Bốn mắt trân trối nhìn nhau.
– Ám sát Bửu Dương!
Mơ hút hớt rót vào tai tôi, run rẩy, dằn tay lên ngực.
Nghe rõ nhưng tôi không tin.
– Thật không? Tôi hỏi.
– Lãnh đạo yêu cầu em đi cùng anh. Họ nói chỉ có anh và em mới đủ tư cách đột nhập phủ đệ ấy và tiếp cận được Bửu Dương. Nhất cử lưỡng tiện, đó cũng là cách kiểm chứng có phải anh là người của đối phương gởi đi. Cha phản đối nhưng cấp ủy đã thông qua kế hoạch, thế nào lãnh đạo cũng gọi ông lần nữa…
Mơ ngồi xuống một đầu chõng, ôm mặt.
Như thoát khỏi cơn mê, tôi vơ vội các thứ.
– Chúng ta lên thôi! Tôi giục.
Mơ ngẩng đầu, ngu ngơ nhìn quanh. Rồi như chợt nhận ra điều gì, cô ta chớp khẩu AK, đứng bật dậy.
– Em mang thứ ấy theo làm gì? Tôi ngăn lại.
– Giờ phút này, đứa nào đụng tới anh, em sẽ nổ thẳng tay!  Mơ nói.
– Khỏi lo, quả chanh còn tí nước, người ta đang hy vọng, anh vẫn bình an cho em xem! Tôi cười.
– Anh là Cộng Sản mà chẳng biết gì về Việt Cộng! Vớ vẩn nghiền ngẫm ba cái lăng nhăng bên Tây, chẳng hiểu mô tê bên Đông! Ác thì cùng một giuộc nhưng Nga Cộng không thâm bằng Tàu Cộng, Tàu Cộng không hiểm bằng Việt Cộng. Đang trong tầm ngắm mà anh chẳng hay!
Mơ gượng cười, nước mắt giàn giụa.” (Z.28)
Nhờ sự lanh lợi và nhạy bén trời cho mà sau này nương vào địa vị của chồng, Phan Thị Mơ đã bám theo thời thế xử dụng chính cung cách lắt léo, gian xảo, lọc lừa của những thủ trưởng một thời của cô để ngoi lên. Cũng nhờ trí thông minh, lòng quả cảm và ý chí sắt đá sẵn sàng lao về phía trước, một ngày Phan Thị Mơ dứt áo giã từ quá khứ lên đường qua Hoa Kỳ lập nghiệp, tạm rời xa người chồng mà cô thực lòng yêu thương, quý mến, dù mới đó đã phát hiện mồi tình éo le ngang trái của anh. Về phần Lê Huy Phong, như một kẻ mộng du tiếp tục phân thân. Một bên cố gắng hoàn tất những bản hợp đồng mà cả anh cũng như phe liên hệ đều biết là hàng giả, với ước vọng lo tròn một thứ trách nhiệm mơ hồ khơi lên từ mối tình xưa nghĩa cũ. Một đàng như kẻ đi trên mây sắm tiếp vai trò nhân chứng trong suốt nửa đời kể từ khi được chính người của đối phương mở đường cho đáo bỉ ngạn.
*
Trở về với nhan sách, dù đã khẳng định tình yêu chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một tảng băng sơn giữa đại dương mờ mịt, nó vẫn là một thực thể, một hiện hữu không dễ bỏ qua.
Bàn về nghệ thuật dựng chuyện, dẫn chuyện ly kỳ, uyên áo của tác giả Vũ Biện Điền, người đọc không thể không nói tới cuộc tình xuyên thế hệ, phi-không-thời-gian của nhân vật chính với Cẩm Khuê cuối thập niên 60 và với con gái nàng 15, 20 năm sau đó. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng như mơ ở nhà sách Ưng Hạ không ngờ đã trở thành đầu giây mối nhợ cho một chuyện tình hi hữu, dẫn dắt người đọc vào mê hồn trận với những đột biến thật bất ngờ.
Vì tuổi trẻ bồng bột, vì bị huyễn hoặc bởi cái ma lực của chủ nghĩa Marx, dù rất mực yêu thương Cẩm Khuê, Lê Huy đã lao vào con đường độc đạo trong cuộc tranh luận bất cân xứng với thân phụ nàng. Và như thế anh hiểu đã tự đặt mình vào thế đối kháng, đã ký giấy đoạn giao với gia đình người yêu. Sau đêm ô nhục trên sông Hương, Lê Huy khởi đầu một cuộc trốn chạy triền miên.
Không phải chỉ trốn chạy cuộc ruồng bố của guống máy an ninh miền Nam. Anh trốn chạy sự thật. Trốn chạy chính mình. Trốn chạy một cuộc tình mà anh cảm nhận sẽ để lại trong anh nhiều đau đớn.
Truyền thống gia đình và tình yêu thương bao la không đo đếm của mẹ đã góp phần tác tạo nên một Lê Huy và Lê Huy Phong sau này, một con người giầu tinh thần bao dung, cùng với tình thương và lòng trắc ẩn. Cho dù phải sống giữa một bày lang sói trong một bối cảnh mà tâm địa độc ác, tàn nhẫn của đám người chung quanh đã trở thành quán tính, trong chỗ thẳm sâu của tâm hồn, Lê Huy Phong vẫn le lói, ẩn giấu một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt, khó giải thích.
Phải chăng đấy là lý do khiến anh gồng mình chống lại những tay gạo cội trong đảng như Mã Tho để bênh vực Đỗ Minh; đã cư xử đầy tình người với Đào Thị Liên, một người bạn tình qua đêm trên sông Hương và sau này trở thành người giúp việc trong nhà, kể cả khi y thị có hành vi phản bội, tiếp tay kẻ thù chống lại anh; cũng như với hạng gái ăn sương như Bích Thảo.
Điều này phải chăng cũng lý giải một sự kiện nghịch thường khi anh lao tâm khổ trí ra sức cứu giúp Tường Vi ngay từ phút đầu cô bé được Bích Thảo dụ dỗ dấn bước vào chốn yên hoa mà người khách đầu tiên không ai khác hơn là chính anh.
Riêng trường hợp Tường Vi, bên cạnh lòng trắc ẩn tự nhiên nơi Lê Huy Phong, tác giả còn gửi vào tâm tư anh nỗi ám ảnh không rời từ một hình bóng cũ – hình bóng Cẩm Khuê, người yêu đầu đời và cũng là người anh đã cắn răng bóc trần tấm thân liễu yếu, biến nàng thành một cô gái điếm trên sông Hương thuở nào chỉ với mục tiêu cúc cung phục vụ cho một lý tưởng viển vông.
Và nó đã để lại trong anh một vết thương khó thể chữa lành. Nó bám riết, cào xé trong tim anh từng phút từng giây. Nó tạo nên cái tâm trạng kinh mang, sợ hãi khi anh mơ hồ phát hiện khuôn mặt sương tuyết, mờ ảo của người thiếu phụ mà anh mang cảm giác vừa lạ lẫm vừa thân quen nơi phòng tắm vào cái đêm lần đầu tiên anh đưa Tường Vi về nhà.
Cho đến ngày qua tờ lý lịch của Tường Vi, Lê Huy Phong bàng hoàng khám phá cô bé là con của Cẩm Khuê và Bửu Dương và người đàn bà đang bảo hộ cô bé không ai khác là Cẩm Bình, chị ruột Cẩm Khuê. Bỗng dưng anh cảm thấy hoang mang thật sư. Cùng một lúc anh cũng nhận ra việc cưu mang, giúp đỡ Tường Vi là một bổn phận thiêng liêng bó buộc anh phải hoàn thành, bất chấp khó khăn, hệ lụy có thể xảy ra.
Sau nhiều năm tháng chống chọi với bệnh tật, Cẩm Bình, dì Tường Vi qua đời vì đột quỵ. Một buổi tối sau tang lễ, Lê Huy Phong hỏi nàng.
“ – Trong cơn đột qụy, Cẩm Bình có kịp nói gì với em không? Nhớ tới cành tường vi trong mơ, tôi hỏi.
– Không! Nhưng trước đó, từ chùa Phụng Lâm, không hiểu vì sao dì ấy gọi vào bảo dì rất mừng cháu đã tự lực cánh sinh, rồi cảnh báo đừng buồn phiền những bất hạnh đã qua, hãy vui mà chờ đón những gì sắp tới. Em hỏi thật không, dì bảo khi yêu người mà người không yêu, hãy xét lại lòng mình! Cô bé nói.
– Ý bà ấy đã rõ, còn em? Tôi hỏi.
– Rồi ạ, đã nhất quyết và cả ngàn lần! Cô bé nói.
– Tại sao không phải người khác? Tôi phân vân.
– Em không biết!  Cô bé nói.
– Em không biết thì ai biết? Tôi thắc mắc.
– Chính xác thì không nói được, nhưng là thế này, chỉ có anh là người biết em dẫu đã trần thân đổi lấy miếng ăn nhưng vẫn trinh trắng, và chỉ có em hội đủ tư cách thay thế cho một nguyên bản tình yêu! Cô bé nói.
Nghe đến đó, tôi cúi xuống đôi môi hé mở.
Cũng đắm đuối, cũng thiết tha như năm nào, nhưng giờ tôi không còn cảm giác ôm hôn một hồn ma.
*
Đó là những dòng kết thúc một chuyện tình xuyên thế hệ, vượt-không-thời-gian. Một chuyện tình thê thiết, buồn bã lúc khởi đầu nhưng khi màn buông xuống lại mở ra một bình minh đầy hứa hẹn.
Chuyện tình yêu như thế, còn chuyện đời thường thì sao?  Người đọc bâng khuâng tự hỏi.
Không hiểu khi bỏ ra sáu năm trời với hơn hai ngàn ngày đêm vật vã xây dựng tác phẩm, giữa tình yêu và chuyện quê hương đất nước, giữa nhân vật trong truyện và những con người thực đã một thời mê muội lầm đường, tác già Vũ Biện Điền muốn gửi gấm điều gì cho những người đọc ông – đặc biệt là những công dân miền Nam đã bị bứt ra khỏi vùng trời quê hương sau tháng Tư 1975?
Nam California, Hoa Kỳ
một ngày cuối tháng 8 năm 2012
 TRẤN PHONG VŨ

BÀI 07

NHỊP CẦU TRI NGỘ và PHIÊN B ẢN TÌNH YÊU
 BẢO TRỌNG CƯ

Tự do là cảm hứng vô biên cho mọi loài phát triển năng lực sinh tồn. Riêng về nhân loại – động vật linh trưởng thượng đẳng – tự do còn là thuộc tính vinh danh con người hướng tới chân thiện mỹ.
Do đó, chiều hướng chính trị hiện đại của cả thế giới coi tự do không những là cội nguồn của dân chủ, mà còn là cốt lõi của nhân quyền. Nên chi, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc được thành lập đã có bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, minh định một số tự do cơ bản của con người ở khắp mọi miền trên trái đất.
Các nước văn minh tiến bộ, bước đầu soạn thảo hiến pháp đều xác lập thể chế Tam Quyền Phân Lập, cũng là cách tỏ rõ quyết tâm đảm bảo tự do. Riêng các quốc gia chậm phát triển, các nước độc tài, đặc biệt độc tài Cộng Sản, thì hằm bà lằng một mớ. Sự nhập nhằng luộm thuộm đó, một phần do ngu dốt hoặc do quán tính bầy đàn như kiểu bộ lạc, một phần do ý đồ chuyên quyền của một người, một phe nhóm hay một đảng phái.
Nhà văn, cũng như mọi người trên hành tinh, mong được sống an vui trong một đất nước thanh bình và thể hiện khả năng mình bằng công việc yêu thích, dùng ngôn ngữ chuyển tải tâm tình, sau đó gởi thành quả nghệ thuật đến xã hội. Đó là tương giao, là hòa hợp công bằng.
Vậy tại sao trước đây và mãi đến bây giờ trong những quốc gia độc tài, nhà văn hay đụng độ với chính quyền? Và rồi, vì tay không và đơn lẻ nhà văn phải bị đọa đày hay ngồi tù với tội danh hình sự chẳng khác côn đồ du đãng. Rất đơn giản, có độc tài nào mà không độc quyền, đã độc quyền thì độc lợi, đã độc lợi thì độc ác. Mặc dầu không tranh quyền đoạt lợi của ai, nhưng sự chẳng đằng đừng, nhà văn xây dựng tác phẩm bằng chất liệu cuộc sống – sự kiện lịch sử, hiện thực xã hội, biến động thời đại. Độc tài thì tham quyền vô tận âm mưu thu tóm lập pháp, hành pháp và tư pháp vào một tay mình, bạo ngược như thế làm sao không ở trong tầm ngắm của nhà văn. Chưa hết, độc tài thường lưu manh xảo trá và nuôi tham vọng bất tử, hành xử độc ác nhưng muốn lưu lại lương thiện trong sử sách.
*
Là con đẻ của Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ, là con nuôi của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang xập xình, là huynh đệ với Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Cu Ba đang đói rách, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hội đủ những di căn của độc tài quốc tế, từ thượng vàng đến hạ cám. Đã cùng duộc, Cộng Sản Việt Nam không có sách lược nào khác.
Sau năm 1954, làm chủ được nửa nước, chủ tịch Hồ Chí Minh vội vã thanh trừng trí thức và văn nghệ sĩ trên đất Bắc, biết bao nhà văn đã treo cổ tác phẩm của mình lên để xưng tội rồi sau đó lột xác làm bồi bút.
Sau năm 1975, làm chủ cả nước, với hứng khởi đó nhưng thâm hiểm hơn, bí thư thứ nhất Lê Duẩn hối hả đốt sạch văn hóa phẩm miền Nam, bắt đi tù cải tạo một số nhà văn, chỉ xuất bản và phát hành sách báo quốc doanh, gia tăng kiểm duyệt dưới dạng biên tập bản thảo.
Hơn nửa thế kỷ qua, với sách lược đàn áp văn học nghệ thuật ấy, Cộng Sản Việt Nam đã làm nên những kỳ tích gì? Đánh tráo văn học nghệ thuật bằng một thứ công cụ phục vụ chính trị đang đi vào ngõ cụt. Rất nhiều nhà xuất bản ăn lương nhà nước, thay vì gạn đục khơi trong tác phẩm lại làm cái việc chặt chém. Có một đội ngũ hung thần gọi là công an văn hóa ăn lương nhân dân và sẵn sàng tiêu diệt văn hóa chân chính. Đã hình thành một đoàn quân bồi bút hùng hậu, cực kỳ dốt nát văn học nhưng nhanh nhạy tung hô lãnh tụ, ngợi ca chế độ. Lập một trường viết văn sản xuất bồi bút từng lứa như gà vịt đẻ. Cho ra một khối lượng lớn sách báo vô chất lượng và không mấy người đọc…
Xem ra khá chỉn chu, công phu, đồ sộ. Mặc dầu đã có tuyên huấn mỗi tỉnh mỗi huyện, mặc dầu rất tốn kém nuôi cơm hội Nhà Văn Việt Nam, và một số hội Văn Học Nghệ Thuật ở các tỉnh thành, nhưng Cộng Sản Việt Nam vẫn luôn cảnh báo nội bộ, bóng gió đe dọa những người cầm bút tự do.
Vì sao? Dưới bàn tay sắt máu, Cộng Sản biết có những nhà văn chân chính coi sự nghiệp sáng tác như một thiên lương, như một sứ mệnh đối với nhân dân và lịch sử, không bao giờ khuất phục bạo quyền, không chịu bán mình bằng cách uốn cong ngòi bút.
Không ai rõ đội ngũ văn nghệ sĩ thầm lặng ấy có bao nhiêu người, nhưng quyết chắc họ sống đời cơ cực, thiếu thốn tiện nghi và đôi khi bị coi khinh. Tôi biết Vũ Biện Điền, bạn tôi, là một cây bút kiên cường trong số ấy.
Vậy Vũ Biện Điền là ai mà thoáng nghe mới toanh trong làng văn?
Xin thưa đó chỉ là bút hiệu tạm thời.
Đáng ra với chức năng của người giới thiệu, tôi sẽ nói rõ chân tơ kẽ tóc tác giả với độc giả. Nhưng oái ăm thay, tôi không được phép và cũng không nên làm vậy.
Chỉ sơ lược thế này, Vũ Biện Điền là một người sinh ra và lớn lên trong cả hai cuộc chiến, mẹ bị Tây giết, chú và anh bị Cộng Sản giết, cha một thời miệt mài theo kháng chiến chống ngoại xâm. Sinh ra ở phố, ba năm sống ở ruộng đồng. Trước khi vào đời, anh đã tốt nghiệp hai trường đại học.
Một năm sau mùa xuân đại thắng 1975, anh xin thôi dạy học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Rồi vì cuộc sống, anh làm nhiều nghề không phải chuyên môn của mình, rất vất vả mới nuôi nổi vợ yếu con thơ.
Vũ Biện Điền viết văn từ hồi còn là sinh viên, trước và sau 1975 đều có tác phẩm gây tiếng vang. Gần mười năm làm việc và ăn lương của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, vì sự nghiệp sáng tác, anh bị ganh ghét vu cho là Việt Cộng. Khi Việt Cộng chiến thắng, cũng vì sự nghiệp sáng tác, báo đảng và cán bộ quy chụp anh là tay sai Mỹ Ngụy. Tôi biết chế độ nào cũng muốn mua anh. Người ta thường phấn đấu vào đảng để tranh thủ chức quyền, tôi biết anh suốt 50 năm đã năm lần tinh tế phấn đấu để được ở ngoài các đảng phái, kể cả đảng Cộng Sản. Và khi gạ gẫm mà mua không được, người ta ghét anh như muốn đào mà đổ đi.
Lao đao quá, nhọc nhằn quá và nguy hiểm quá, có một thời gian dài anh im hơi lặng tiếng. Thấy anh khổ, một người bà con, nay đang định cư ở Mỹ, giúp anh vượt biên miễn phí, nhưng anh quyết không rời đất nước. Quẫn quá, đôi lần không nơi thu giấu, không ai dám cất giùm, anh đã đốt một số sáng tác của mình.
Trong chúng tôi, anh là người viết khá khỏe, có sáu bảy tập đã xuất bản – tiểu thuyết và truyện ngắn, ở trong và ngoài nước – và một số lượng lớn coi như tồn cảo. Như người ta, ở cái tuổi bảy mươi, lão giả an chi, thì đã bằng lòng, nhưng anh thì không. Bạn bè bảo anh có những truyện để đời rồi, nhưng anh cảm thấy mình chưa viết được gì!
Có lẽ vì thế mà sáu năm qua, khi các con đã tự lực mưu sinh, anh âm thầm ngồi viết PHIÊN BẢN TÌNH YÊU. Đó là một khoảng thời gian dài cô đơn và khổ hạnh trên một thị trấn miền cao heo hút, rót tinh lực cuối đời vào tác phẩm với mong muốn thể hiện những gì đã sống, đã trải qua với con tim tự do vui buồn và phẫn nộ trước hiện thực của đất nước đầy tai ương và bi kịch. Anh nói với tôi, quá trình sáng tác, rất nhiều đêm ngồi trước máy vi tính, anh đã khóc với nhân vật của mình.
*
Tác động chính trị rền rĩ xuyên suốt tác phẩm, cốt lõi PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là chuyện đời và chuyện tình của một nhân vật rất đặc biệt nhưng không cá biệt, nhiều tình tiết rất ly kỳ cũng rất hiện thực… Tác phẩm có cả trăm nhân vật thuộc nhiều thành phần xã hội của hai thời kỳ. Ở Miền Nam trước 1975, có các nhân vật là sinh viên, học sinh, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư đại học, bác sĩ, vợ lính, những Việt Cộng nằm vùng, Việt Cộng ở núi, người dân vùng xôi đậu. Và sau 1975, có đủ loại nhân vật liên quan đến guồng máy chế độ mới, chủ yếu là quan chức đảng, chính quyền, các ban ngành từ tỉnh đến cơ sở. Họ có nguồn gốc xuất thân khác nhau, từ đảng viên cải cách đến cán bộ tập kết, cán bộ chi viện, cán bộ nằm vùng, những kẻ ăn theo. Đặc biệt có vài nhân vật là gái điếm.
Chính vì thời gian của tác phẩm xuyên suốt từ 1954 đến tận hôm nay, với những nhân vật đặc trưng và dụng ý rõ rệt của tác giả, đây không phải chỉ là chuyện đời, chuyện tình của nhân vật chính và một số người liên quan mà gắn kết với những vấn đề lịch sử và chính trị hệ trọng của đất nước thông qua suy tư, tranh luận và hành vi của các nhân vật.
Nguồn gốc cuộc chiến tranh Việt Nam, nhận định và  phê phán các nhân vật lịch sử cả hai miền Nam Bắc, sai lầm và tác hại của chủ nghĩa Cộng Sản, bản chất của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa …
Những vấn đề này không được trình bày khô khan qua lý thuyết mà bằng những hình ảnh sống động của các nhân vật trong từng giai đoạn và sự cố. Các nhân vật có quá trình và tính cách hoàn toàn khác nhau được mô tả một cách sắc sảo và chân xác, hình thành một bức tranh tổng thể, một vở kịch lịch sử bi tráng, phần nào lý giải sự thất bại của miền Nam dù có tự do dân chủ và mức sống cao hơn miền Bắc, trong cuộc chiến vừa qua.
Miền Nam là một chế độ dân chủ còn phôi thai, với những cấp lãnh đạo bất tài, một số đảng phái xôi thịt, nhưng lại có những con người trong sáng, nhân hậu, lý tưởng dù theo hay chống chính quyền. Ngoài thiếu sót phát huy chính nghĩa độc lập dân tộc, miền Nam chưa có người đáng mặt vì dân vì nước đứng lên lãnh đạo, lại thêm nhận thức lệch lạc của đồng minh Mỹ về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam. Xốn xang làm sao, chính cái thiện, cái đẹp trong những con người thành tâm lại vô tình góp một phần vào nguyên nhân thất bại khi đối đầu với Cộng Sản lưu manh, xảo trá nhưng nhanh nhạy khai thác sơ hở của đối phương, kích động căm thù đấu tranh giai cấp giữa thôn quê và thành thị, sẵn sàng xử dụng bạo lực tối đa để khủng bố trấn áp, bỏ đói rồi bày trò hứa hẹn hão huyền…
Ngay sau chiến thắng, Cộng Sản mở trại tù khắp đất nước, đẩy dân thành phố lên vùng sâu vùng xa, tịch thu nhà cửa đất đai ruộng vườn, tận thu lương thực và thực phẩm, cải tạo công thương…
Càng thi hành chính sách bao nhiêu, nhân dân càng đói khổ bấy nhiêu, Cộng Sản vẫn to mồm tiếp tục huênh hoang. Trên đà say men chiến thắng, họ nào ngờ bây giờ không còn che giấu được ai nữa. Mỹ và những quốc gia đồng minh của Mỹ cấm vận Việt Nam. Liên Xô chiếm Cam Ranh để cấn nợ. Khmer Đỏ mở mặt trận quấy rối biên giới Tây Nam. Trung Quốc xua quân xâm chiếm sáu tỉnh phía Bắc. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bất hợp tác. Công Giáo âm thầm chống đối. Nhân dân bất mãn và một số đã quyết tử đứng dậy. Từ Bắc vô Nam, nông dân đồng loạt đấu tranh đòi lại đất đai.
Những trò hề bầu bán giả hiệu dân chủ khiến người ta đã ngấy đến lợm mửa. Tham ô từ trung ương đến địa phương…
Quả thật đây là một “cú lừa lịch sử vĩ đại”, đầu nậu là Hồ Chí Minh, bài bản là của Mác–Mao …
Nhưng canh bạc bịp nay đã lộ tẩy.
Treo bảng Cộng Hòa sao lại Vô Sản Chuyên Chính? Treo bảng Độc Lập sao nhất nhất mỗi việc phải thông qua Nga, qua Tàu? Treo bảng Tự Do sao độc đảng đơn nguyên? Treo bảng Hạnh Phúc sao nhân dân đói rặt từ Nam chí Bắc?
Staline dựng chiêu bài giải phóng Đông Âu khỏi họa Phát Xít Đức rồi áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, nay các quốc gia đó đã ngẩng cao đầu sau khi Liên Xô sụp đổ. Hồ Chí Minh dựng chiêu bài độc lập kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp rồi áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, nay Việt Nam vẫn còn trầm luân.
Tại sao? Đang nhờ Trung Quốc chống lưng.
Có người bảo cái gì đã qua hãy cho qua đi.
Nhưng theo tôi chưa qua được.
Hãy cùng Vũ Biện Điền thảo luận một lần cho rốt ráo. Tháp Eiffel ngất nghểu, De Gaule trắng trợn phủi tay, được chưa? Người Mỹ không phải thực dân, đúng rồi, nhưng vì nể thực dân mà coi nhẹ độc lập của một dân tộc đang bị nô lệ dưới chiêu bài bảo hộ, liệu có đáng mặt lãnh đạo đồng minh chiến thắng trong thế chiến II? Liên Xô sụp đổ rồi, không nói nữa, nhưng đại Hán Trung Hoa còn đó, mất đất trên bộ mất đảo ngoài biển làm sao đây? Phật Giáo Quốc Doanh đang lan tỏa và nuốt chửng Phật Giáo Thống Nhất, những Phật tử vì đạo pháp vì dân tộc nghĩ sao? Và cả Công Giáo nữa, cuộc chiến chống Cộng Sản mang ý nghĩ gì?…
Chúng ta cứ trung thực trao đổi, xé toạc bức màn vô minh như mây mù lưng lửng bao quanh mỗi cá nhân, mỗi phe phái…không cho chúng ta nhận ra nhau. Theo tôi, nếu can đảm, thẳng thắn, khách quan, bỏ qua định kiến cục bộ, vượt lên những tham vọng hèn hạ, chúng ta sẽ thấy được con đường Việt Nam…
Riêng với người Cộng Sản, 70 năm qua, sức tàn lực tận rõ rồi, không cần biện bác nữa. Chỉ có điều muốn hỏi, năm 1975 tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông ta chịu gập mình vác cờ trắng để chấm dứt cái họa cốt nhục tương tàn, nay những người Cộng Sản đến bao giờ mới chịu chuyển giao – chí ít cũng đổi thay từ gốc rễ, cho Việt Nam ta vươn lên?
Tuy nhiên, trước và sau, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU vẫn là một câu chuyện tình. Một chuyện tình xuyên thời gian, xuyên chế độ chính trị, xuyên thế hệ, xuyên hoàn cảnh, xuyên tuổi tác, vượt qua mọi ràng buộc luân lý, thói tục, quan điểm…nhưng cũng rất người, rất phải đạo, và cũng rất thánh thiện.
Mới nghe qua ai cũng nghĩ đây là cuộc gặp gỡ định mệnh, nhưng theo tôi, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là dồn nén đau nhức của cả một dân tộc từ nửa thế kỷ vừa qua. Vì thế PHIÊN BẢN TÌNH YÊU có thể coi như một loại “quốc sử diễn ca” cho một giai đoạn.
Tác phẩm viết theo lối song tuyến đồng hiện.
Quá khứ và hiện tại xen kẽ, từng bước làm hiện rõ cuộc đời và biến chuyển của từng nhân vật trước và sau dấu mốc lịch sử năm 1975. Việc đưa các vấn đề tư tưởng, chính trị vào suy tư và đối thoại của các nhân vật, hòa quyện với chuyện đời, chuyện tình ở đây là một thủ pháp nhà nghề để đạt tới một bức tranh hiện thực sinh động. Thông qua hình tượng để phê phán, nhiều đoạn là những bài chính luận sắc bén. Thông qua những đôi co oái ăm, nhiều đoạn rất trào lộng nhưng mỉa mai cay độc. Thông qua những tình cảm chân thành, nhiều đoạn là những khúc tình ca não nuột…
Trong tác phẩm có nhiều chương đắng cay đến đau thắt, tưởng như tác giả bi lụy hóa. Nhưng rồi tôi nhìn quanh, ôn cố suốt nửa thế kỷ đau thương của dân tộc, nghiệm lại rất ư là hiện thực. Trong tác phẩm có rất nhiều chương đoạn rất ly kỳ tưởng như tác giả đã đi quá xa trong hư cấu. Nhưng rồi tôi nhìn vào tim tôi, ôn cố suốt một đời người, nghiệm lại rất ư là trung thực. Trong tác phẩm có nhiều chương đoạn huyền ảo tưởng như tác giả đi quá xa trong hoang tưởng. Nhưng rồi tôi hướng về khát vọng, tra cứu sử sách, nghiệm lại rất xác thực.
Vũ Biện Điền nói với tôi, anh mất sáu năm, nhưng theo tôi, anh đã chung chi vào đó cả cuộc đời. Một nhà văn nữ, bạn anh, cũng có hân hạnh đọc bản thảo, đã đề nghị tác giả tự xuất bản, cô ta hứa sẽ bới cơm tù cho anh tới ngày mãn hạn. Nhưng anh không đồng thuận, không phải ngại lao tù mà muốn dành khoảng thời gian cuối đời tiếp tục sáng tác.
Tôi đã đọc PHIÊN BẢN TÌNH YÊU theo ba cách.
– Đọc từ A01 đến A70 (chữ đứng) rồi từ Z01 đến Z45 (chữ nghiêng), cảm giác đi từ hiện tại lùi dần về quá khứ, mỗi bước một xót xa.
– Đọc từ Z01 đên Z45 rồi từ A01 đến A70, cảm giác đi từ quá khứ dần về hiện tại. mỗi bước một uất hận. Hai cách này giúp ta nắm bắt cốt truyện và tình tiết dễ dàng.
– Hay hơn cả, theo tôi, là đọc chương đoạn A và Z xen kẽ như đã trình bày, cảm giác cùng tác giả, cùng nhân vật sống chung một giai đoạn lịch sử.
Nhưng đọc cách nào, tôi thấy tác phẩm vẫn không giảm sức cuốn hút. Được thế, không những do tình tiết ly kỳ, miêu tả chính xác sinh động, bút pháp sắc sảo, còn do đóng góp của hàng trăm chú thích tỉ mỉ, đầy thuyết phục. Một lối kết cấu tiểu thuyết độc đáo, khá lạ lùng!
*
Tóm tắt, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là một tác phẩm công phu, tâm huyết, nặng trí tuệ, có tính điển hình cao với một văn phong độc đáo, đa dạng, sắc bén, quyết liệt nhưng cũng đầy chất thơ.
Ắt hẳn vẫn có  vài nhược điểm mà độc giả có thể nhìn thấy đâu đó, nhưng đây là một tác phẩm xứng tầm lịch sử – cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Tôi tin PHIÊN BẢN TÌNH YÊU sẽ cùng tồn tại với bi kịch lịch sử mang tên Việt Nam.
Đôi dòng giới thiệu trên không là gì cả đối với một trường thiên tiểu thuyết hơn bốn trăm ngàn từ. Đó là chưa lý tới hạn chế khi tôi đang trong tình trạng sức khỏe không được tốt và phải nhấp nhem đọc tác phẩm ngay trên máy vi tính. Nhưng dù gì, lời chào mời thô thiển này  hy vọng cũng làm được nhịp cầu tri ngộ nho nhỏ giúp bạn đọc bước vào tác phẩm, chung chia với tác giả gánh đau thương của dân tộc đang nổi trôi trên non sông Việt Nam…
Trong tâm thái sáng tác, một mình một cõi, tác giả có được tự do múa bút. Nhưng khi công bố, tác giả không thể không đắn đo vì nội dung “khủng khiếp” của tác phẩm. Lại nữa, kinh cung chi điểu, tác giả đã từng no đòn vì “họa văn chương” trong chế độ độc tài. Vì thế anh đã chọn cách dùng bút hiệu mới khi xuất bản tác phẩm. Tôi  hân hạnh được đọc tác phẩm khi còn là bản thảo với đề nghị viết đôi lời giới thiệu để ghi nhớ 50 năm tình bạn sắt son, đầy ắp hoài bảo sáng tác, cũng lấy một bút hiệu khác. Đây là một hạn chế không tránh khỏi nhưng hy vọng độc giả có thể cảm thông. Vấn đề là nội dung và giá trị tác phẩm. Dù là của bất cứ tác giả nào, dưới bút hiệu nào, tác phẩm có sức nặng và tỏa sáng hay không mới là điều đáng kể.
Việt Nam tháng 8.2012
 BẢO TRỌNG CƯ

 

BÀI 08 :

MỞ VÀO TUYỂN TẬP
 TRẦN PHONG VŨ

Sự ra đời của mỗi tác phẩm đều có những lý do, nguyên ủy và lịch sử của nó. Tuyển tập mà độc giả đang có trên tay cũng không là ngoại lệ.
Trước hết, đây là tập hợp ba trong số những cuốn sách xuất bản từ hai thập niên 80, 90 thế kỷ trước và đã tuyệt bản từ lâu.
Truyện ngắn và tạp văn QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ do Bách Việt ấn hành 2000 bản mùa hè năm 1983 chỉ hơn một năm sau đã được độc giả chiếu cố đến cuốn cuối cùng. Thi tập DẤU CHÂN TRÊN CÁT ấn hành năm 1995 và tâm bút BÊN VỰC TỬ SINH ra đời năm 1998 cũng đã hết. Cả hai tác phẩm này đều do Tin Vui xuất bản.
Trong những năm qua, nhiều độc giả và thân hữu từng kêu điện thoại hoặc biên thư hối thúc tác giả in lại những tác phẩm đã tuyệt bản.
Tuy nhiên có nhiều lý do khiến chúng tôi miễn cưỡng phải trì hoãn không thể thực hiện được sớm hơn. Một trong những lý do đó là quá bận rộn và cũng vì thiếu phương tiện tài chánh.
Trong suốt ba thập niên qua, chúng tôi bị du vào thế chẳng đặng đừng phải chung sức cùng anh em lo nuôi dưỡng hai tờ tạp chí. Đó là nguyệt san ĐƯỜNG SỐNG t? 1980 đ?n 1992 và nguyệt san DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN từ 2001 đến nay.
Cùng thời gian ấy, chúng tôi lại phải dồn tâm lực và phương tiện vốn đã eo hẹp để thực hiện những công trình tim óc mới, trong đó có tác phẩm biên khảo GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, VĨ NHÂN THỜI ĐẠI  do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2005 và tái bản một năm sau đó..
Kể từ đầu năm dương lịch 2012, chúng tôi được anh em cho phép giã từ vai trò chủ bút nguyệt san DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN, đồng thời cũng giảm bớt một số sinh hoạt truyền thông, văn hóa khác. Lợi dụng cơ hội tương đối rảnh rỗi này, chúng tôi thấy cần phải làm một cái gì cho chính mình trước khi gác bút vì lý do tuổi tác, đồng thời cũng để đáp lại sự tín nhiệm và trông chờ của độc giả.
Có người sẽ thắc mắc : Tại sao chúng tôi lại chọn ba tác phẩm này mà không là những tác phẩm khác, vì hầu hết cũng đã tuyệt bản từ lâu?
Mặc dầu đây là chuyện rất riêng tư, nhưng chúng tôi cũng xin được nói qua để mong giải tỏa phần nào thắc mắc chính đáng của bạn đọc.
*
Trước hết, xin thưa ngay rằng đây là ba tập sách chúng tôi tâm đắc nhất. Nó gói ghém trọn vẹn những suy tư, khát vọng và tâm nguyện của người viết về cả hai phương diện : đời sống thường cũng như đời sống tâm linh, sau ngót bốn mươi năm lưu lạc quê người.
QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ là một tập hợp những đoản văn được viết trong những năm tháng đầu mới chân ướt chân ráo tới định cư tại Hoa Kỳ và được đăng rải rác trên các tạp chí Việt ngữ phát hành ở hải ngoại từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1983. Nội dung những đoản văn này phản ánh tâm trạng băn khoăn, thao thức của người viết — và hẳn cũng là của tuyệt đại đa số đồng bào tị nạn — sau cuộc đổi đời bi thảm tháng Tư 1975.
Nỗi băn khoăn, thao thức ấy không chỉ giới hạn trong phạm vi cục bộ nơi bản thân người viết mà còn được phóng chiếu tới những đêm dài đau thương, tăm tối đang chụp xuống thân phận mấy chục triệu đồng bào trong nước sau cơn hồng thủy 30-4- 1975. Nó cũng là tâm trạng âu lo, khắc khoải của người viết khi đẩy suy tư của mình qua những năm tháng dài trước mặt để liên tưởng tới lớp trẻ sẽ ra đời và lớn lên nơi xứ lạ quê người …
Nếu QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ là tấm gương phản chiếu tâm huống của người viết ở khía cạnh đời thường, với những tình cảm, những xúc động ngút ngàn rất nhân loại trước các nghịch cảnh nát lòng của kẻ ở, người đi và nỗi bất hạnh của quê hương, nòi giống … thì tâm bút BÊN VỰC TỬ SINH và thi tập DẤU CHÂN TRÊN CÁT là hợp âm của một chuỗi những cảm nghiệm, những tiếng nói chân thành và tha thiết của tác giả trước những câu hỏi ngàn đời về thân phận con người, về sự sống và sự chết.
Trong tâm tình ấy, do những thôi thúc rất riêng tư khi đối diện trước những tai nạn, những cơn bệnh trầm kha xảy đến cho bản thân, cho thân nhân, bằng hữu, người viết đã không nén được lòng để ghi lại những suy nghĩ, những trải nghiệm của chính mình về viễn cảnh của cuộc sống miên viễn đời sau bên kia cửa tử.
Như tiêu đề tác phẩm, tâm bút BÊN VỰC TỬ SINH là tiếng vọng của kiếp người giữa lằn ranh sự sống và nỗi chết. Nó là những trải nghiệm có căn cước, có thể gọi tên. Khác chăng là xuyên qua những sự thật trần truồng ấy là những chia xẻ, những cố gắng định danh mang tính riêng tư của người viết.
Riêng những gì làm nên thi tập DẤU CHÂN TRÊN CÁT đã được khơi nguồn từ cảm hứng bất chợt khi chúng tôi vừa làm công việc chuyển ngữ vừa viết lại bài thơ khuyết danh FOOT PRINT từ nguyên tác tiếng Anh qua Việt ngữ trong những ngày dài chờ đợi ở đảo Guam trước khi được di chuyển vào lục địa Hoa Kỳ mùa thu năm 1975. Không ngờ nội dung và những ý tưởng trầm lắng trong bài thơ đã trở thành chất xúc tác làm sống lại muộn màng trong tâm tình người viết cái hồn thơ tưởng chừng đã chết từ khi vừa chớm bước vào lứa tuổi đôi mươi.
Và như thế, nó như một cảm hứng, gợi nhớ, một gọi mời không chờ, không đợi để hà hơi tiếp sức người viết tác tạo nên những nhóm chữ, những âm vận được người đọc rộng lượng gọi là THƠ, mỗi khi chạm mặt với những nghịch cảnh nói lên cái mong manh, nhỏ bé của kiếp người, mà khởi điểm từ chính lòng mình.
DẤU CHÂN TRÊN CÁT đã được hình thành, nuôi dưỡng và lớn lên trong tình huống ấy.
Giây phút này, ngồi đọc lại những nhận định của các nhà văn Mai Thảo, Quyên Di, nhà thơ Viên Linh, giáo sư Lưu Trung Khảo trong ngày ra mắt thi tập tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo phận Orange, miền nam California đầu tháng 10 năm 1995, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Phải chăng đấy cũng là một trong những lý do và động cơ thúc đẩy người viết mạnh dạn ghép chung thi tập này với tập truyện ngắn QUÊ HƯƠNG CÒN ĐÓ và tâm bút BÊN VỰC TỬ SINH hợp thành một tuyển tập để hân hạnh gửi tới độc giả khi đã thực sự bước vào những năm tháng cuối đời.
*
Xin cảm tạ nhà phê bình văn học Thụy Khuê, nhà văn, nhà báo Mặc Giao đã nhận đề tựa và viết lời bạt cho Tuyển Tập.
Người viết đặc biệt xin lỗi bác sĩ Trần Việt Cường vì bài nhận định của ông đã phải giữ lại do người layout nhận được quá trễ.
Chúng tôi cũng ân cần cảm tạ những khích lệ của anh em trong nhóm Gioan Tiền Hô và riêng anh Nguyễn Đức Tuyên đã bỏ công đọc lại TUYỂN TẬP lần chót.
Trân trọng,
 TRẦN PHONG VŨ
Nam California, Hoa Kỳ, một ngày chớm hạ 2012

BÀI 09 :

LỜI TỰA TUYỂN TẬP TRẦN PHONG VŨ

CÕI TÂM VÀ CÕI TẠM
 THỤY KHUÊ

Về Pháp, tôi được anh gửi cho tập bản thảo TUYỂN TẬP TRẦN PHONG VŨ, với câu : “Cô đọc và cho biết ý kiến”. Một lời ngắn gọn, gói trọn lòng tin của người anh văn nghệ mới quen trong chuyến đi Hoa Kỳ mấy tuần qua, nhưng đã như biết từ lâu.
Biết anh, một ông già dỏng cao, tuổi ngoại bát tuần, ngày ngày ăn cơm nhà, thay vì vác ngà voi, thì vác những thùng sách nặng trên dưới 25 ký lô của Tủ Sách Tiếng Quê Hương, chất vào kho. Sau đó, tự tay mang tới các nhà sách theo yêu cầu, hoặc gói ghém từng quyển, đề địa chỉ, mang ra bưu điện dán tem, để phát hành đi khắp nơi.
Biết anh, một ông già, tuổi ngoại bát tuần vẫn còn chạy “show” hết đài phát thanh, đài truyền hình này khác, để cổ võ cho một lý tưởng “phát triển văn hoá Việt, trên đất Mỹ.”
Biết anh, một ông già, tuổi ngoại bát tuần, sáng đến viện thăm con bệnh nặng, chiều về hoạt động cộng đồng, hoạt động giáo dân, lo cho đạo đức của giới trẻ.
Chưa từng đọc anh bao giờ. Tôi nghĩ anh là một ông già hâm. Một ông già điên. Một ông già rách việc.
Đọc anh, tôi hiểu các sự hâm, điên, rách việc ấy đều có cơ sở. Một cơ sở vững như bàn thạch. Một cơ sở không thể lay chuyển. Một cơ cở không điên mà sáng, tự nhiên như con người sinh ra để sống.
Ông già này sinh ra để làm một số việc mà chẳng ai thích làm. Ông già này tự gánh những việc mệt nhọc không có lời, không có lãi, không có lợi. Ông già này xung phong vác cây thánh giá, trong khi mọi người bận bịu làm ăn.
Đọc anh, tôi hiểu, từ lâu anh đã thoát khỏi vòng tục lụy.  Đã từ lâu, cuộc đời đối với anh chỉ là cõi tạm. Đã từ lâu, anh va chạm cái chết thường xuyên. Có lần anh đã phóng xe qua biên thùy cõi chết và trở về bình yên, cho nên với anh tất cả chỉ là phù du, là ảo ảnh, kể cả cuộc đời.
Đọc anh, tôi hiểu, tất cả triết lý sống chỉ vỏn vẹn trong nghiã thương yêu Thiên Chúa Giáo.
Anh là một tín đồ.
Tôi là người ngoại đạo.
Đức tin của anh lớn lao như trời biển. Tôi là kẻ vô thần. Chúng tôi không thể gặp nhau, cho dù có tranh luận hết năm này qua năm khác.
Nhưng chữ nghĩa của anh đã xuyên vào tâm tôi qua những làn sóng ngầm không tên, không biên giới. Anh đã tạo được một cõi Tâm, cho những người sống trên cõi Tạm, bằng thơ, bằng truyện, bằng lời.
Là người viết phê bình, tôi biết tác phẩm của anh chưa phải là toàn bích, người ta khen anh có chỗ thái quá, tôi không đồng ý. Nhưng tôi gặp anh trong cái thành thực của chữ nghiã, trong cái cố chấp của lập luận. Nơi anh cố chấp cũng là một thực tình.
Tình yêu nhân thế mà anh thể hiện trải dài trong tác phẩm, từ thơ, truyện đến tự sự, tâm bút… nẩy ra trước mắt tôi, ngời lên như một ánh sao băng, trên nền trời tăm tối của ngày đời.
Tên cha mẹ đặt là Vân, cái tên hiền lành như mây.
Vậy mà anh đổi thành Phong Vũ.
Vậy là tự mình gây gió bão cho mình.
Và mỗi lần gặp phong ba, anh đều vượt qua bằng những bước dài theo chân thập giá. Anh cho rằng vượt qua cửa tử là thấy cửa sinh.
Anh không phải là một Phật tử.
Anh là loại người ngoan cố toàn diện, coi cơn bĩ cực nào cũng dẫn đến hồi thái lai. Với một kẻ ngoan cố cực kỳ như vậy, không sức lực quỷ thần nào có thể kéo ra khỏi cái lạc quan bẩm sinh và bất diệt. Quỷ thần chịu. Thần chết chịu. Thua hết. Chỉ còn lại một cột phong vũ biểu trơ trơ giữa sóng gió thủy triều, trên vùng biển Đông, sau tháng tư, ngày tận.
Anh đã ghi lại cái hành trình ngoan cố và đòi đoạn ấy của anh, của những người vác thập tự như anh, với anh, trong một trùng dương gẫy cánh.
Anh viết chưa chắc đã hay, nhưng anh viết thật, anh viết với tất cả tấm lòng, anh viết như chưa bao giờ viết, anh viết như sợ sự sống sẽ vội chuồn, qua trăm thứ bệnh hiểm nghèo trên thân xác cao, gầy, thiếu thở của anh, không để thì giờ cho anh viết tiếp.
Cái vội, cái sợ không còn thì giờ ấy, xuất hiện trong mỗi chữ của anh, như một ám ảnh, như cơn ác mộng. Bởi anh đã không nhìn lại được mẹ anh những giây phút cuối và anh sợ mẹ mìn thời gian sẽ cõng đi những mảng đời thân yêu khác của anh.
Mẹ mìn nấp trong bóng tối, nó rình rập, anh biết, vì thế, anh cần phải ngoan cố hơn nó, anh sống hết mình. Anh đọc nhưng bài viết của những người sắp chết để lại như những bài học tâm niệm, như kinh nhật tụng, để anh thoát khỏi cảnh của họ, để lúc anh ra đi, mọi sự đã được Chúa an bài, để anh an nhiên bước vào nước Chúa.
Cái lo lắng nhất ở anh, không phải là thân xác, là bệnh hoạn, là đớn đau. Anh biết thân anh sẽ nát, bệnh anh sẽ xong, hồn anh cũng sẽ chịu thua, không cưỡng lại định mệnh nữa, trong những ngày dài bệnh viện, mình gậm nhấm nỗi mình, quắt quay vì tật bệnh, hồn nhắm mắt làm thinh. Anh đã nhìn thấu mọi đau thương thân xác, bởi anh đã cùng nó xuyên qua các chặng phục kích của bệnh tật, của tình đời : Thịt da nào tan nát? Đanh nhọn nào thâu qua? Lưỡi đòng nào nhọn sắc?  Con tim nào xót xa?
Đã bao lần anh cảm thấy cô đơn tuyệt đỉnh : Nhìn lên tường vôi trắng, thập giá buồn quạnh hiu, Chúa gục đầu im lặng, tấm thân gầy khẳng khiu?
Nhưng rồi phép lạ đến với anh, nhẹ như dấu chân trên mây, thoảng như dấu chân trên cát, phảng phất trong giấc chiêm bao : Rồi một đêm hồn chìm trong cơn mộng, gã thấy mình trên bãi biển hoàng hôn. Và ô kià, NGƯỜI lặng lẽ đi bên, dấu chân nhẹ in hằn trên cát trắng.
Tất cả thoắt ngời lên trong anh như một sáng thế xuân, như ngọn đuốc soi đường ngàn thế kỷ. Tất cả bỗng rực lên ngọn lửa Yêu Thương không bao giờ tắt. Anh bỗng ngộ ra tất cả : Dưới ngọn đèn khuya tôi lặng câm, nhìn lên Thập Giá : Chúa âm thầm, dang tay chịu chết vì nhân thế, xá tội cho đời chẳng tiếc thân.
Anh vừa được phục sinh, anh lại ra đời lần nữa, anh sống lại trong lời ru của mẹ : Lời ru rửa sạch bao hờn tủi, nhẹ tếch hồn côi, trắng cuộc đời. Ngoài kia ánh sáng lùa u tối, suối nguồn hy vọng chảy trong tôi.
Và từ đây, anh biết tất cả đều có thể tan nát, đều xong, như cuộc đời đến hồi chung cuộc, đến chỗ kết thúc.
Duy chỉ có Tình Yêu  là không nát, không xong, không bao giờ kết thúc, nó phải được truyền từ cõi này sang cõi khác, từ cõi Tạm sang cõi Tâm, truyền xuyên thế. Chỉ có tình yêu mới lưu lại, mới là nguồn sống vĩnh cửu của con người. Chỉ có tình yêu mới không bao giờ tuyệt tự.
Và tình yêu chính là nghị lực sai khiến anh hành động như một ông già hâm, một ông già điên, một ông già rách việc trong cõi trần ai còm cõi tình thương này.
Yên Cơ 25/6/2012
 THỤY KHUÊ

Mọi giao dịch xin gửi thư về:

TỦ SÁCH TIẾNG QUÊ HƯƠNG

P.O. Box 4653

Falls Church, VA 22044

hoặc E-mail:

 

 

uyenthao1@yahoo.com or uyenthaodc@gmail.com

• Sách gửi tận nhà thêm 3USD bưu phí hoặc 10USD (ngoài Hoa Kỳ)

• Xin chỉ thanh toán ấn phí sau khi đã nhận sách

 

 

 

 

• Thanh toán bằng check xin ghi trả cho: VLAC / TIẾNG QUÊ HƯƠNG

Tủ sách Tiếng’ Quê Hương



https://picasaweb.google.com/nhavnhtd/TiengQueHuong

 

Tủ Sách Tiếng Quê Hương ( Bài viết của VOA)

Tủ Sách Tiếng Quê Hương

Liên tiếp trong hai tuần lễ từ Chủ Nhật 17 đến thứ Ba 19 tháng 4 và Chủ Nhật 24 đến thứ Ba 26 tháng 4 năm 2011, Nhà Việt Nam thuộc Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức trưng bày những cuốn sách do Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành tại trụ sở Nhà Việt Nam đường Hillwood, thành phố Falls Church, bắc Virginia. Nhân dịp này Hà Vũ đã trao đổi với nhà văn Uyên Thao, người chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng Đồng tuần này.

Hà Vũ – VOA | Washington DC

 

Nhà văn Uyên Thao tên thật là Vũ Quốc Châu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, bắt đầu viết văn từ năm 1952. Vào Saigon năm 1953, ông cộng tác với nhiều tờ báo cũng như những tập san văn học nghệ thuật. Sở trường của ông là sáng tác và phê bình văn học nghệ thuật. Cuộc đời của ông gặp nhiều long đong, ba chìm bảy nổi. Nhà tù quốc gia ông trải qua bốn lần từ năm 1957 đến 1974 và trại giam cộng sản cũng là nơi ông lưu ngụ dài hạn từ tháng 8 năm 1975 cho đến năm 1986. Ông nằm trong danh sách 3 người bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh. Tuy nhiên nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuối năm 1999 ông được đi định cư tại Mỹ theo diện tị nạn chính trị.

Tác phẩm của nhà văn Uyên Thao gồm đủ thể loại trong đó có những tác phẩm đã in trên báo và xuất bản như hai cuốn tiểu thuyết “Những Con Cọp Cháy Móng” đăng trên Tạp chí Sinh Lực-Sài Gòn từ năm 1959 đến 1961, “Trống Trận” đăng trên Nhật báo Tin Sáng vào năm 1964 và cuốn dã sử tiểu thuyết “Trong Ánh Lửa Thù” đăng trên Nhật báo Người Việt California từ năm 1996 đến 1997, và tập thơ viết trong tù “Không Tên” 1992. Ông cũng là nhà phê bình văn học với hai tác phẩm “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960” gồm 6 tập do Nhà Xuất Bản Hồng Lĩnh ấn hành tại Sài Gòn năm 1970 và “Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970” do Nhà Xuất Bản Nhân Chủ ấn hành tại Saigon năm 1973. Ông cũng sáng lập và điều hành nhật báo Sóng Thần từ năm 1970 đến 1974.

Ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ vào cuối năm 1999, nhà văn Uyên Thao đã nghĩ đến chuyện thành lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Ông cho biết:

“Là những người sinh hoạt xa xứ trong cuộc đời lưu vong, việc đầu tiên mình không thể không nghĩ tới là ngôn ngữ của mình. Làm sao có thể giữ được ngôn ngữ, tiếng mẹ của mình. Làm sao cho nó tiếp tục tồn tại. Đấy là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai là tôi nghĩ rằng đời sống của đất nước mình có nhiều vấn đề không thể nào không ghi lại được. Sinh hoạt sách vở là sinh hoạt phản ánh được cái đó. Đấy là 2 điều đầu tiên mình phải nghĩ đến. Một điều nữa có vẻ mang thời sự tính là từ những chuyện mình hiểu biết về thực tế, từ cái chuyện mình không quên được tiếng mẹ của mình thì mình có thể có một ý thức nào khác góp phần vào công việc chung hay không. Sách vở có thể đóng góp thêm vào những vận động gọi là vận động chung để đổi đời cho đất nước của mình. Đấy là những cái tôi chú trọng.”

Nhà văn Uyên Thao cho biết thêm là Tủ Sách Tiếng Quê Hương nhận được sự cộng tác của rất nhiều bạn bè ngay từ khi ông khởi xướng việc này.

“Tôi sang đây hơi trễ nhưng ngay khi mình nghĩ tới tủ sách này thì tôi viết thư cho tất cả những người bạn cũ tôi có được địa chỉ thì hầu như ai cũng sẵn sàng tiếp tay, ai cũng sẵn sàng ủng hộ. Chính vì vậy mình mới có thể thành lập được tủ sách.”

Tủ Sách Tiếng Quê Hương được thành hình vào đầu năm 2000 vài tháng sau khi nhà văn Uyên Thao đặt chân lên nước Mỹ và tác phẩm đầu tiên được phát hành vào tháng 9 cùng năm là tập truyện ngắn “Thân Phận Ma Trơi” của Nguyễn Thụy Long. Được hỏi về việc chọn lựa sách để xuất bản, nhà văn Uyên Thao cho biết:

“Cái này khó. Phải nói ngay là tùy thực tế thôi. Có những người mình biết chắc là những tác phẩm của họ ra sao. Chẳng hạn trước khi tôi rời khỏi Việt Nam, tôi đã nắm được hai cuốn sách của Nguyễn Thụy Long là người viết và đưa cho mình đọc vào lúc mình còn ở Sài Gòn. Tôi lưu giữ lại tất cả những truyện ngắn của Nguyễn Thụy Long và khi đi tôi đã lén mang theo. Đấy là một trường hợp. Trường hợp khác thì có những người sách của họ viết ra đưa cho in ở Sài Gòn nhưng bị cấm như trường hợp Bùi Ngọc Tấn chẳng hạn. Ngoài nữa có những trường hợp của các người ở các nơi viết thoải mái như bạn bè mình ở hải ngoại này, mình thấy những tác phẩm đó bây giờ cứ viết ra để đấy thì tội lắm, mình thấy đáng in, cần in thì in. Phải nói ngay là những sự phát hiện, tiếp xúc với các tác giả thì tùy trường hợp thôi, không nhất định như thế nào.”

Nhà văn Uyên Thao nói thêm là không như các nhà xuất bản của Mỹ khi chọn in một tác phẩm nào thường cân nhắc tác phẩm đó có hấp dẫn không, có thể bán được, có mang nhiều lợi nhuận cho nhà xuất bản hay không. Tủ Sách Tiếng Quê Hương không như vậy. Ông giải thích:

“Tủ Sách Tiếng Quê Hương đặt nặng khía cạnh khác là muốn làm sao có thể lưu lại được tâm tư, nhận thức, cái thực tế của cuộc sống. Bọn tôi không bao giờ lưu tâm đến tên của một tác giả nào nổi tiếng hay không nổi tiếng mà thấy rằng tác phẩm đó quả thực đáp ứng được đúng những đòi hỏi của mình tức là nó giống như một chứng liệu cho thời đại, chứng liệu cho đời sống của đất nước mình thì dù là tác phẩm nào chúng tôi cũng in ra.”

Tuy nhiên đối với những tác phẩm từ trong nước gởi ra Tủ Sách Tiếng Quê Hương phải cân nhắc đến sự an nguy và tình cảnh gia đình của tác giả còn ở lại trong nước trước khi quyết định in hay không. Nhà văn Uyên Thao nói:

“Mình với các tác giả phải đồng ý với nhau. Trước khi đưa cuốn sách đó đến với độc giả mình phải lượng được rằng người viết sẽ phải chịu những gì. Có những người trả lời rất dứt khoát thôi. Cái gì cũng được cứ việc làm đi. Tức là họ cần phải gióng lên tiếng nói của họ trước dư luận còn hậu quả như thế nào họ sẵn sàng chịu. Trong trường hợp đó chúng tôi làm. Nhưng cũng có những trường hợp phải nói ngay là mình phải dè dặt và cuối cùng chúng tôi phải từ chối. Chẳng hạn như có một tác giả gởi sách cho bọn tôi. Tuần lễ sau tôi nhận được một bức thư của vợ tác giả. Người vợ đó nói với tôi rằng chú mà in thì gia đình cháu sẽ nguy hiểm lắm. Trong trường hợp đó tôi nghĩ rằng chuyện đó phải xét lại và khi tôi đặt vấn đề phải xét lại thì người viết sách nói là cháu chấp nhận ly dị vợ để in chớ cháu không thể nào nhìn thấy đất nước mình bây giờ mà cháu ngậm miệng được. Nếu vợ cháu sợ thì cháu sẽ ly dị. Ngay trường hợp đó tôi cũng thấy là tôi không dám in. Tôi nói phải thu xếp chuyện gia đình.”

Nhà văn Uyên Thao dù lớn tuổi nhưng Tủ Sách Tiếng Quê Hương vẫn là nỗ lực của ông trong lúc này:

“Tất cả cố gắng của tôi là làm sao giới thiệu những tác phẩm của những người viết mà không có dịp để đưa tiếng nói ra trước công chúng. Nỗ lực lớn nhất của tôi chỉ là cái đó thôi. Chớ ở tuổi 80 rồi thì không thể làm được những việc gì khác.”

Hiện nay Tủ Sách Tiếng Quê Hương đang vận động thành lập một tập họp độc giả yêu qúy sách tiếng Việt lấy tên là Nhóm Bạn Tiếng Quê Hương-Tiếng Quê Hương Book Club để sinh hoạt sách báo Việt ngữ hải ngoại ngày càng phong phú hơn.

  • Sang Thứ Ba, 03 tháng 5 2011

Nếu có thêm trang mạng cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương thì việc phổ biến các tác phẩm đến bạn đọc ở xa càng dễ dàng hơn. Hy vọng cũng sẽ có.

  • Kiến Càng Thứ Sáu, 06 tháng 5 2011

Với bác Uyên Thao, 66 năm, thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, nhờ chính phủ Mĩ can thiệp mà bác đã được thân thể ở ngoài lao. Xin chúc mừng bác! Với dân lành VN, 66 năm, thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, ngày 4.4.2011 có người ví như hơi thở hắt ra trước khi chết của hệ tư tưởng độc tài? Dân lành Việt sẽ được thân thể ở ngoài lao chăng?

  • Phùng Mai Australia (Úc) Chủ nhật, 15 tháng 5 2011

Hôm nay tôi biết thêm được một “Tù Nhân Lương Tâm” mới tên là Vũ Quốc Châu, và xin cảm ơn bác đã gởi tặng chúng tôi một hộp sách gồm nhiều tác phẩm khác nhau, và cáo lỗi vì chúng tôi mang tên “Quỹ Tù Nhân Lương Tâm” mà không biết bác cũng là một tù nhân lương tâm.

 

Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới

Kỷ Niệm 10 năm Kỷ Nguyên Mới

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *


× 7 = forty nine