Xin click vào ảnh để xem slideshow
Ảnh Van Han
Nhà Thơ Hoàng Song Liêm phát biểu
Nhà báo Nguyễn Minh Diễm phát biểu
Phỏng vấn nhà văn Uyên Thao và nhà văn Thụy Khuê
Bài của Hà Vũ – VOA
Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn và Nhà Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu ‘Tủ sách Tiếng Quê Hương’ do Nhà văn Uyên Thao chủ trương đồng thời ra mắt một công trình biên khảo của nhà văn Thụy Khuê với tựa đề ‘Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc,’ tại Ernst Cultural Center, trường đại học cộng đồng Nova, Annandale, Virginia vào chiều Chủ Nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012.
Nhà biên khảo Thụy Khuê sang Pháp du học vào tháng 9 năm 1962 và bắt đầu viết tiểu luận phê bình văn học từ năm 1987.
Bà được biết đến nhiều kể từ khi phụ trách chương trình Văn học Nghệ Thuật của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI từ tháng 12 năm 1990 cho đến tháng 3 năm 2009. Cuốn “Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” là tác phẩm mới nhất, công phu nhất của bà, dày gần 1.000 trang sau 5 tác phẩm khác xuất bản từ năm 1995 đến 2005.
Trong lời tựa của tác phẩm ‘Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc’ nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết dự định tìm lại dấu vết Nhân văn Giai phẩm bắt đầu đến với bà từ cuối thu năm 1984 khi trở lại Hà Nội lần đầu sau 30 năm xa cách. Trong vòng 20 năm qua lúc nào bà cũng nghĩ đến Nhân văn Giai phẩm. Bà nói:
“Mỗi lần có một mẫu giấy nhỏ hay là một tin tức gì liên quan đến Nhân văn Giai phẩm tôi cắt giữ lại. Nhưng nếu chỉ làm những công việc đó không thì cũng không thể nào viết được một cuốn sách như thế. Đây là một duyên nợ của mình đối với những bậc đàn anh trong Nhân văn Giai phẩm. Đó là sự tình cờ, không hiểu tại sao tôi lại gặp được các ông trong Nhân văn Giai phẩm một cách thân tình như thế và họ có một niềm tin tuyệt đối vào mình như thế.”
Bà Thụy Khuê đã có dịp gặp hay nói chuyện với những người còn sống sót trong vụ Nhân văn Giai phẩm như nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Văn Cao, ông Nguyễn Hữu Đang, họa sĩ Trần Duy.
Được hỏi là trong thời gian bà sưu tầm tài liệu để viết về Nhân văn Giai phẩm có hai nhân chứng còn sống sót là nhà thơ Hữu Loan và nhà văn nhà thơ Phùng Quán nhưng không thấy bà đề cập đến trong tác phẩm của bà, nhà văn Thụy Khuê giải thích:
“Tôi lựa chọn những người đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức Nhân văn Giai phẩm và nếu không có vai trò quan trọng trong Nhân văn Giai phẩm nhưng sau đó có những tác phẩm bề thế hoặc đưa ra những vấn đề sâu sắc như trường hợp cụ Nguyễn Mạnh Tường, không đóng góp gì hết trong Nhân văn Giai phẩm, chỉ viết có một bài thôi. Anh Phùng Quán là một người can đảm nhưng lúc đó là đàn em không đóng vai trò gì hết. Anh Hữu Loan cũng là một người rất can đảm nhưng về tác phẩm anh cũng không đóng góp được gì nhiều.”
Nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết là trong việc tiếp xúc với những nhân chứng sống thời Nhân văn Giai phẩm bà cũng gặp rất nhiều khó khăn khi về Việt Nam và sau này bà bị chính quyền cấm không cho vào Việt Nam nữa. Tuy nhiên bà có cơ hội nói chuyện thỏa mái với nhà thơ Lê Đạt khi ông sang Pháp.
Nhà văn Thụy Khuê nói thêm là tác phẩm viết về Nhân văn Giai phẩm được xuất bản trong những năm 1960 của cụ Hoàng văn Chí ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành hình của cuốn ‘Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Aùi Quốc’ Bà nói:
“Có thể nói là nếu không có cuốn sách của Hoàng Văn Chí thì chưa chắc có cuốn Nhân văn Giai phẩm của Thụy Khuê. Đó là cuốn sách đầu tiên vạch ra những đường chính mà cho tới bây giờ qua bao nhiêu năm rồi khi kiểm soát lại những tài liệu mới tôi cũng thấy có những điều chỉ có cụ Hoàng Văn Chí viết tại vì cụ có một vị trí đặc biệt lắm. Cụ là gia đình Phan Khôi, cụ quen biết cả. Cụ lại sống trong thời năm đó ở miền Bắc. Tuy sau đó cụ vào nam chỉ đọc được những tài liệu do Ủy hội Kiểm soát Đình chiến mang vào nhưng ngược lại tất cả những giai đọan kháng chiến chẳng hạn như khi cụ viết về Văn Cao có đứa cháu bị chết đói, tất cả những chi tiết đó hoàn toàn không có những sách khác.”
Nhà văn Thụy Khuê cũng cho biết là hai học giả Nguyễn Hiến Lê và Hoàng Xuân Hãn ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến phương pháp nghiên cứu và tiến trình làm việc của bà:
“Ông Nguyễn Hiến Lê có một lần nói là không biết một vấn đề gì đó thì viết về vấn đề đó và sau khi viết về vấn đề đó rồi thì phải biết về vấn đề đó nếu không thì đừng viết. Đó là kim chỉ nam chỉ dẫn cho con đường tôi đi từ trước đến giờ. Và điều thứ hai nữa là ông Hoàng Xuân Hãn. Ông là một nhà khoa học nên khi ông làm điều gì, ông soi kính hiển vi vào, ông khoanh tròn vào vấn đề và ông kiếm cho ra, nhưng mà điều ông Hoàng Xân Hãn kiếm ra không phải chỉ là qua kinh nghiệm không thôi mà ông còn dẫn luận, làm mọi thứ khác nữa để cho người đi sau đọc không những biết được chuyện đó mà còn chỉ dẫn cho người đi sau tìm kiếm.”
Tác phẩm ‘Nhân văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc’ do ‘Tủ sách Tiếng nói Quê hương’ được nhà văn Uyên Thao thành lập vào năm 2000 tại Virginia xuất bản. Đây là tác phẩm thứ 53 do ‘Tủ sách Tiếng Quê hương ấn hành.’ Nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết trong quá trình chuẩn bị và in ấn, bà và nhà văn Uyên Thao đã nhiều lần trao đổi, thảo luận, góp ý về tác phẩm này.
Phát biểu trong buổi ra mắt sách, nhà văn Uyên Thao biết là tính đến nay Tủ sách Tiếng Quê Hương đã có mặt hơn 10 năm và giới thiệu được gần 60 tác phẩm theo chủ hướng là gom nhặt những chứng liệu sống để góp phần phản ánh chính xác thực tế của đời sống Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng mức đóng góp này chỉ là hạt cát trong sa mạc bởi vì thực tế đời sống Việt Nam như một khu rừng chồng chất những cỏ cây, gai góc che lấp tất cả những sự thực. Ngay chính những người sống giữa rừng chưa chắc đã có thể nhìn thấy hết những thực tế xảy ra. Đồng thời cũng không thể phủ nhận khả năng giới hạn của những người cầm viết khi diễn tả lại những điều mình đã thấy, đã nghe. Ông quả quyết:
“Tôi có thể đoan chắc rằng không có ngòi bút nào có thể diễn tả hết được mức kinh hoàng của một tấn kịch một thiếu phụ muốn trở thành người độc thân để bước thêm một bước nữa đã dắt đứa con gái nhỏ chưa tới 5 tuổi của mình ra bờ sông dìm chết và mức kinh hoàng còn lớn hơn nữa là chuyện đó xảy ra ở trước mắt rất nhiều người và tất cả đều lặng lẽ, thản nhiên quay đi
Nhà văn Uyên Thao mong muốn:
“Tục ngữ Việt Nam có câu quen thuộc ‘một cây làm chẳng nên non’ nên chúng tôi hiểu rất rõ rằng mong mõi của mình sẽ khó thành thực tế nếu thiếu sự chung tay hợp sức của mọi người vì thế dù vô cùng xúc động khi tiếp nhận được những tình cảm ưu ái dành cho chính bản thân mình chúng tôi mong mõi được thấy một sự khích lệ đặc biệt đó là sự ưu tư về thân phận bị dập vùi của người dân Việt Nam gần 100 năm nay.”
Nhà biên khảo Thụy Khuê cũng như nhà văn Uyên Thao cho biết việc xuất bản bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp các tác phẩm văn học là điều cần thiết để giới thiệu cho các bạn trẻ Việt Nam một giai đoạn lịch sử bi hùng đã qua và đồng thời giới thiệu cho các dân tộc trên thế giới văn hóa Việt Nam, nhưng theo nhà văn Uyên thao tất cả mọi chuyện phải chờ vượt qua những điều kiện thực tế và chưa biết có thể vượt qua nổi những việc này hay không nhưng chắc chắc Tủ Sách Tiếng Quê hương sẽ có một tủ sách bằng tiếng Anh chứ chưa dám nói bằng các thứ tiếng khác nữa.